Theo phản ánh của bà Đỗ Thị Phương (SN 1975, vợ mới ly hôn của ông Phạm Văn Thường), vợ chồng bà Phương và ông Thường có hai con. Sau khi ly hôn, cháu Phạm Văn Thành, 16 tuổi, sống với ông Thường (trú tại thôn Đồng Quang, cùng xã Đặng Cương, huyện An Dương).
Chiều 13/11/2016, ông Thường và cháu Phạm Văn Thành xảy ra mâu thuẫn. Ông Phạm Văn Thường đã đánh con trai mình dẫn đến việc cháu Phạm Văn Thành phải chạy đến nhà ông bà ngoại (tại thôn Nhất Trí, xã Đặng Cương), nơi bà Phương tạm trú.
Ông Thường cũng đi theo đến nhà ông Đỗ Văn Bảo (68 tuổi, bố đẻ bà Phương). Tại đây, ông Thường tiếp tục đòi đánh con trai nên ông Bảo và một số người trong gia đình đã khuyên can nhằm ngăn chặn việc ông Thường đánh cháu Thành.
Theo tường thuật của các nhân chứng, lúc này ông Thường tỏ ra nóng giận và tuyên bố sẽ đánh cả những người can ngăn. Tưởng ông Thường chỉ nói vậy, nhưng khi ông Bảo can thì ông Thường đã không nể mặt "bố vợ", đã lao đến đấm vào mặt ông Đỗ Văn Bảo, khiến ông Bảo bị thương, chảy máu mũi.
Bà Phương cho biết, sau khi đấm "bố vợ", ông Thường còn thúc đầu gối vào bụng ông Bảo.
Một số người thân khác của gia đình bà Phương gồm bà Doãn Thị Toan (69 tuổi, mẹ đẻ bà Phương) cùng chị Đỗ Thị Thúy Hà (SN 1983, em gái bà Phương) đứng ra can ngăn cũng bị ông Thường hành hung. Hai cháu nhỏ là Nguyễn Ngọc Huân (SN 2006) và Nguyễn Ngọc Hà Giang (SN 2011, con đẻ của bà Hà) chạy vào ôm mẹ bị ông Thường đạp vào bụng.
Sự việc diễn biến nghiêm trọng hơn khi ông Bảo ngã xuống thì Phạm Văn Toàn (SN 1982, em trai của ông Thường) từ đâu lao tới lấy một chiếc áo quàng vào cổ và lôi ông ra khu vực sửa xe gần nhà, lấy một chiếc tuốc-nơ-vít đâm vào lưng và tai ông Bảo, gây chảy máu nghiêm trọng. Ngay sau đó, ông Bảo được người thân đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cấp cứu.
Người nhà bệnh nhân cho biết, bác sỹ yêu cầu bệnh nhân tiếp tục điều trị để theo dõi có bị tràn dịch phổi hay không. Trong chiều 13/11, gia đình bà Phương đã trình báo sự việc tới cơ quan công an huyện An Dương.
Lãnh đạo Công an huyện An Dương xác nhận sự việc và đã cử cán bộ về lấy lời khai của các thành viên trong gia đình và nhân chứng.
Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, ông Phạm Tiến Dũng, Chánh án TAND quận Lê Chân cho biết, ông Phạm Văn Thường công tác lâu năm tại đơn vị này, hiện là thẩm phán.
Trước đó, ông Thường từng là thư ký của TAND quận Đồ Sơn. Khoảng năm 2002, ông Thường chuyển công tác về TAND quận Lê Chân và được bổ nhiệm chức danh thẩm phán vào năm 2005.
"Nếu có kết quả trả lời từ phía các cơ quan chức năng liên quan đến sự việc ông Thường có những việc làm trái pháp luật, vi phạm đạo đức, tư cách của Đảng viên, chúng tôi sẽ không bao che", ông Dũng khẳng định.