Án mạng từ cái ác và tà đạo
Trong những năm gần đây, mọi người đều dần quen với cụm từ “giết người hàng loạt”, bởi lẽ nó xuất hiện dày đặc, vụ sau kinh hoàng hơn vụ trước, tràn ngập trên hết các phương tiện thông tin đại chúng. Ai cũng bị ám ảnh, in sâu vào kí ức không chỉ vì hậu quả nặng nề về người trong các vụ án mà còn bởi những nguyên nhân dẫn tới án mạng, chỉ bởi những lí do hết sức nhỏ nhặt, mâu thuẫn trời ơi.
Nếu như các vụ án giết người xưa nay, nguyên nhân chủ yếu là do mâu thuẫn trong tình ái, mâu thuẫn tình cảm, mâu thuẫn trong làm ăn, tranh chấp kinh tế, tranh chấp quyền lực và cũng có thể do bệnh lý. Nhưng thời gian gần đây, nhiều vụ thảm án lại bắt nguồn từ nguyên nhân xã hội.
Và khi cái ác trong con người trở nên lớn hơn, không thể kìm chế đã khiến họ trở thành những “sát thủ máu lạnh”. Vì vậy, trong cuộc sống, dường như chỉ cần xảy ra chút tranh chấp, xung đột, cái ác sẽ bùng phát hoàn toàn bản năng, mất kiểm soát.
Điển hình nhất trong những thảm án gần đây mà nguyên nhân gây án được xác định xuất phát là do mâu thuẫn cá nhận nhỏ nhặt. Thế nhưng hung thủ không kìm chế được bản thân, cái ác trỗi dậy và hắn đã ra tay sát hại 4 người. May mắn một chút, khi gã đang định ra tay sát hại người thứ 5 thì bị bắt.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, chiều 15/5/2019, nghi phạm Đỗ Văn Bình (SN 1981, trú thôn Vạn Phúc, xã Vạn Yên, huyện Mê Linh, TP.Hà Nội) làm nghề thịt lợn khi đang lái xe Fortuner đi trên đường xã Vạn Yên thì xảy ra va chạm giao thông với xe máy do anh Hà Văn Hưng (SN 1985, trú xã Chu Phan) điều khiển và chở theo Đoàn Văn Tùng (SN 1996, trú xã Vạn Yên).
Sau va chạm giao thông, anh Hưng và Tùng dùng bình xịt hơi cay và gậy, gạch tấn công và rồi ép Bình phải xin lỗi. Sau trận đòn này, Bình bực tức, nảy sinh ý định trả thù. Bình dùng dao phóng lợn đã chuẩn bị sẵn đâm trúng bụng khiến anh Hưng tử vong tại chỗ.
Ra tay xong, Bình lái xe ôtô về đón Tùng lên xã Bắc Bình (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) sau đó dùng dao đâm Tùng tử vong. Trong quá trình lẩn trốn về Vĩnh Phúc, Bình khai còn ra tay với hai phụ nữ khác ở Vĩnh Phúc do có mâu thuẫn từ trước. Hiện một trong hai nạn nhân đã tử vong, một nữ nạn nhân bị trọng thương khác đang được điều trị tại Vĩnh Phúc.
Hành vi gây án của Bình được đánh giá là hết sức man rợ. Tại trụ sở công an, cán bộ điều tra hỏi Bình có hối hận về những gì mình đã gây nên không? Bình thản nhiên, không chút do dự nói rằng: “Tôi chấp nhận đánh đổi, ghét những loại người phụ bạc”. Thái độ bình thản của kẻ sát thủ máu lạnh này phải chăng được hình thành bởi chính nghề nghiệp và nhận thức của hắn? Cái nghề mổ lợn ngày ngày nhìn thấy “máu đổ, đầu rơi” phải chăng đã khiến Bình trở nên mất hết lòng trắc ẩn, không còn chút lòng thương xót trong con người mình.
Cũng trong những ngày qua, dư luận không khỏi bàng hoàng trước vụ án hai thi thể trong khối bê tông xảy ra tại Bình Dương. Nguyên nhân gây án cơ quan điều tra xác định do nhóm đối tượng này tham gia một thứ tà đạo có nguồn gốc từ nước ngoài, hoạt động trái phép ở Việt Nam, khi thấy 2 “đồng môn” bị “quỷ nhập hồn” các đối tượng đã ra tay sát hại...
Qua điều tra ban đầu của cơ quan công an, 2 nạn nhân được xác định là Trần Đức Linh (quê Nghệ An) và Trần Trí Thành (tạm trú quận Phú Nhuận, TP.HCM). Liên quan tới vụ án, chiều 23/5/2019, VKSND tỉnh Bình Dương đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng đối với Phạm Thị Thiên Hà (31 tuổi), Trịnh Thị Hồng Hoa (66 tuổi, mẹ của Hà), Nguyễn Ngọc Tâm Huyên (40 tuổi), Lê Ngọc Phương Thảo (29 tuổi) về hành vi Giết người.
Theo lời khai khi làm việc với cơ quan điều tra, Hà và các đồng phạm khai đã cùng nạn nhân Trần Đức Linh (51 tuổi) và Trần Trí Thành (26 tuổi) sinh hoạt trong “một giáo phái”. Hà đứng ra điều hành, buộc các thành viên phải tuân thủ các quy tắc. Tháng 10/2018, Hà thuê căn nhà ở xã Hưng Hòa, huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) để cả nhóm ở. Hai tháng sau, Hà tổ chức cho nhóm đi Bà Rịa - Vũng Tàu “tu luyện”.
Sau 10 ngày ở đây, không chịu nổi quy định “nhịn ăn uống” do Hà đưa ra, nhận nhân Linh đã nhảy lầu trốn. Thấy thành viên bị thương, Hà và Thành không đưa đi bệnh viện mà dìu vào phòng, sau đó tử vong. Tiếp đó, nhóm Hà sát hại nạn nhân Thành vì cho rằng anh này bị “quỷ lấn át phần người”. Khi các nạn nhân tử vong, chúng bảo quản thi thể trong phòng nhiều ngày, sau đó phi tang trong thùng nhựa, ướp trà và đổ bêtông vào để tránh mùi hôi.
Việc các nghi phạm và cả nạn nhân tham gia tà đạo dẫn đến việc dễ bị kích động, trở nên cuồng tín và có thể gây tội ác. Các tà đạo có một điểm giống nhau là không có giáo luật, vay mượn, bóp méo hoặc xuyên tạc giáo lý tôn giáo khác.
|
Nghi can Trịnh Thị Hồng Hoa (trái) và Phạm Thị Thiên Hà trong vụ án chấn động, giấu thi thể vào khối bê tông tại Bình Dương |
Đối tượng chúng lôi kéo là những người đang có khúc mắc, trắc trở về tình duyên, hôn nhân;khó khăn, ốm đau, bệnh tật, người đang gặp cảnh bi quan, chán nản trong cuộc sống. Cách tuyên truyền của các nhóm này cũng rất tinh vi, “rót mật” vào tai người nghe theo kiểu “mưa rầm thấm lâu”.
Hoạt động của các tà đạo đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, lôi kéo một bộ phận người dân tin vào những điều hoang đường, mê tín dị đoan, gây hoang mang, bất ổn trong xã hội; chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Nghiêm trọng hơn, những người tham gia tà đạo dễ bị kích động, trở nên cuồng tín, hành xử vô đạo đức, thậm chí có thể gây tội ác không ghê tay. Vụ việc xảy ra ở Bình Dương vừa qua là một một minh chứng điển hình.
Đó chỉ là hai trong hàng loạt những vụ án vụ án rúng động xảy ra liên tiếp thời gian gần đây. Ngoài hai vụ trên còn rất nhiều vụ đại án khác đã các cơ quan chức năng làm rõ. Như vụ thảm án ở Bình Tân (TP HCM) xảy ra năm 2018. Hung thủ đã cướp đi sinh mạng của cả 5 người trong 1 gia đình trong đó vào ngày giáp Tết chỉ vì lời trách mắng lúc nửa đêm. Điều đáng nói cái ác và đau xót nhất trong những vụ án này là có những nạn nhân còn rất nhỏ tuổi.
Còn nhiều vụ án mạng khác xảy ra vì những lý do... trên trời như: cãi nhau vì để xe máy trước cửa hiệu, nhìn đểu nhau trong quán, va chạm giao thông, đâm chết người tình vì đưa ít tiền khi chia tay... Những vụ án này không khỏi làm dư luận bàng hoàng và đặt câu hỏi, liệu có những cảnh báo hay giải pháp nào nào để tội ác không tiếp tục xảy ra?
Triệt tiêu cái ác để ngăn ngừa thảm án
Dưới góc độ pháp lý, dù là nguyên nhân nào thì mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Theo một chuyên gia nghiên cứu tâm lý tội phạm, những vụ giết người nghiêm trọng xuất phát từ các mâu thuẫn, xung đột thường ngày trong sinh hoạt, công việc, quan hệ làm ăn, quan hệ tình cảm…
Những đối tượng gây ra vụ án có đặc điểm chung là các đối tượng gây án đều có nền tảng kiến thức xã hội, hiểu biết pháp luật rất hạn chế. Những xung đột tích tụ, dồn nén lâu ngày khi bị kích động, họ thường không có kỹ năng xử lý mà sử dụng bản năng dẫn tới hành vi nguy hiểm, khó kiểm soát.
Để ngăn chặn tình trạng tội phạm ngày càng phức tạp, một số ý kiến cho rằng, cần nhiều giải pháp lâu dài và kiên trì. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đạo đức, các chuẩn mực xã hội cho người dân...; tăng cường giáo dục kỹ năng sống, bổ sung, sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm tính nghiêm minh, đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Cùng với đó, chúng ta cần phải triệt tiêu, ngăn chặn cái ác, bằng cách “vun trồng, nuôi dưỡng” việc tốt. Quan trọng hơn, bản thân từng cá nhân cần tự giác tìm hiểu thông tin, chấp hành pháp luật. Gia đình và cộng đồng cần uốn nắn nghiêm khắc từ những hành vi sai phạm nhỏ nhất khi con em còn nhỏ tuổi, từ đó hình thành trong mỗi cá nhân ý thức, thói quen tuân thủ quy định.