Khai mạc hội thảo, ông Trương Quốc Huy - Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam phát biểu: Chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; tại Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 BCH Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất hợp nhất tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định, lấy tên là tỉnh Ninh Bình, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Ninh Bình hiện nay.
![]() |
Ông Trương Quốc Huy - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam phát biểu khai mạc |
Việc hợp nhất 3 tỉnh theo đơn vị hành chính mới bù đắp những hạn chế về diện tích, dân số, góp phần tinh gọn bộ máy, tạo ra thay đổi tích cực, hướng đến nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý hành chính Nhà nước; tăng cường quy mô kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh trong phát triển ngành, lĩnh vực, nhất là ngành du lịch, công nghiệp, công nghiệp văn hóa gắn với bảo tồn di sản...; mở rộng không gian phát triển, tăng cường kết nối đồng bộ hạ tầng khung chiến lược và đặc biệt là mở rộng không gian phát triển kinh tế biển…
![]() |
Bí thư tỉnh ủy Nam Định Đặng Khánh Toàn phát biểu đề dẫn tại Hội thảo |
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Bí thư tỉnh ủy Nam Định Đặng Khánh Toàn cho biết: Ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình đã đạt được những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, với nhiều điểm sáng trong đổi mới mô hình tăng trưởng. Các địa phương đã chủ động làm mới động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời từng bước hình thành và phát triển các động lực tăng trưởng mới dựa trên công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế sáng tạo, kinh tế tuần hoàn và kinh tế di sản.
Một số ngành công nghiệp xanh và công nghệ số đã ghi dấu ấn rõ nét: vật liệu xanh, công nghệ thông tin tại Nam Định; cơ khí - ô tô, tổ chức sự kiện - du lịch tại Ninh Bình; công nghiệp điện tử, giải trí, công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nam. Về an sinh xã hội, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo tại ba tỉnh đều thấp hơn mức trung bình cả nước, phản ánh hiệu quả của các chính sách giảm nghèo bền vững và chăm lo đời sống nhân dân. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế được mở rộng, nâng cao uy tín và vị thế địa phương.
Mặc dù vậy, ba tỉnh vẫn đang đối mặt với những rào cản lớn. Không gian phát triển hành chính - lãnh thổ hiện tại trở nên chật hẹp, gây chia cắt thị trường, hạn chế khả năng liên kết vùng và thu hút nguồn lực. Chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo còn thiếu chiều sâu, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP còn thấp; chưa hình thành các trung tâm R&D, chưa có chiến lược phát triển ngành mũi nhọn rõ ràng. Đặc biệt, khu vực này vẫn là “vùng trũng” trong logistics liên vận quốc tế do thiếu cảng biển nước sâu và cảng hàng không. Trong bối cảnh đó, việc hợp nhất ba tỉnh thành một tỉnh mới là cơ hội lịch sử để tái cấu trúc toàn diện mô hình tăng trưởng, giải phóng mọi nguồn lực, tổ chức lại không gian phát triển, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập sâu rộng, phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, sau 40 năm đổi mới.
Tại Hội thảo diễn ra 3 phiên thảo luận với 37 ý kiến tham luận sâu sắc, thể hiện tâm huyết, trí tuệ và tinh thần trách nhiệm cao của các chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ hàng đầu của Việt Nam: Phiên thứ nhất: nhận diện tiềm năng, lợi thế của ngành-lĩnh vực, địa phương của các tỉnh Hà Nam-Nam Định-Ninh Bình; Phiên thứ hai: định hướng phát triển ngành-lĩnh vực, sản phẩm chủ lực theo đơn vị hành chính mới, giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phiên thứ 3: định hướng không gian phát triển vùng động lực theo đơn vị hành chính mới, giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
![]() |
Ông Đoàn Minh Huấn - Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình phát biểu bế mạc hội thảo. |
Bế mạc hội thảo, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh: Các tham luận đã tập trung phân tích, làm rõ những tiềm năng nổi trội của không gian phát triển mới sau khi hợp nhất ba tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Việc hợp nhất địa giới hành chính không chỉ mang ý nghĩa về mặt tổ chức bộ máy, mà quan trọng hơn, tạo ra cơ hội tái cấu trúc không gian phát triển theo hướng mở, hiện đại. Trên nền tảng đó, cần khẩn trương xây dựng quy hoạch tích hợp thay thế cho ba bản quy hoạch trước đây, dựa trên tư duy phát triển mới – lấy liên kết vùng, phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo làm trọng tâm...
Hội thảo là bước khởi đầu quan trọng, hứa hẹn góp phần mang lại những đột phá mạnh mẽ cho sự phát triển của “Ninh Bình hợp nhất” trong tương lai. Qua đó, tạo động lực phát triển thống nhất chiến lược và cộng hưởng sức mạnh để đi xa hơn, nhanh hơn, bền vững hơn.