Thuyền trưởng tàu SAR 412 Phan Xuân Sơn |
Không Chủ nhật, ngày nghỉ, ngày lễ
Ngày đầu năm, Danang MRCC nhộn nhịp lời chúc Tết qua lại của các anh em đồng nghiệp trong Trung tâm. Chốc chốc, người này người kia vui vẻ báo tin năm mới về gia đình. Khung cảnh tưởng như chẳng có gì để bận bịu, nhưng không một ai rời vị trí được phân công, kể cả bước ra ngoài đường 5 - 10 phút hái lộc đầu năm…
Ông Trần Quang Thanh, thuyền phó tàu SAR 412, giải thích, ngay cả ngày thường, đến như ông ở ngay Đà Nẵng vẫn không dám đi Hội An hay lên Bà Nà chơi, bởi lẽ chỉ sau 15 phút nhận được cuộc gọi cứu nạn từ Hoàng Sa hay bất cứ vùng biển nào, ông phải chỉ huy SAR 412 tức tốc lên đường. Nghề cứu hộ nếu chậm một phút sẽ phải trả bằng mạng người.
Cũng với suy nghĩ đó, hơn 10 năm về làm ở đơn vị cho đến nay, ông Thanh không có một cái Tết trọn vẹn với gia đình. Theo ông Thanh, các thuyền viên ở đây một năm chỉ có thời gian nghỉ phép. Còn tất cả các Chủ nhật, ngày nghỉ, ngày lễ vẫn trực, làm việc bình thường.
Tiếp lời ông Thanh, ông Nguyễn Đình Tùng, sĩ quan tàu SAR 412 kể, Tết này hàng chục anh em ở lại trực. Đã bước sang tuổi 55, ông Tùng có hơn 12 năm đồng hành với ngư dân, duy nhất một năm ông xin về quê Nghệ An ăn Tết. Ông Tùng tâm sự, ở những nơi cách đất liền hàng trăm hàng ngàn cây số, chỉ cần một cơn đau bất thường nếu không cấp cứu cũng có thể cướp đi mạng sống của ngư dân. Vì thế công việc với ông và đồng nghiệp, không đơn thuần chỉ là công việc, ở đây còn có ý niệm tình người và người bị nạn đang cần mình.
Trong hàng chục năm công tác, một trong nhiều kỷ niệm của họ là câu chuyện về ngư dân Phạm Thanh Ngọc cùng tàu QNa 90927 khi đang câu mực tại khu vực phía Đông Nam Hoàng Sa, đột nhiên bị choáng, khó thở. Nhận thấy nếu để thêm vài giờ, bệnh tình của ông Ngọc diễn biến xấu, nguy hiểm đến tính mạng, nên tàu cá phát tín hiệu cấp cứu.
Nhận được tin báo, Danang MRCC lập tức điều động tàu SAR 412 cùng đội ngũ y, bác sỹ ra biển ứng cứu. Khi đó đã là khuya của một ngày đầu năm. Vượt biển đêm nhiều giờ, đến rạng sáng, tàu SAR 412 tiếp cận được tàu QNa 90927. Các bác sỹ lập tức sơ cứu cho ông Ngọc lúc này đang khó thở, choáng, tình trạng rất nguy kịch, thở oxy và chuyển sang tàu SAR 412 để đưa vào bờ cấp cứu. Tuy nhiên, trước đó, trước khi tàu SAR 412 tiếp cận được tàu của ngư dân Ngọc, một sự cố khác xảy ra: Tàu SAR chạm mặt với một tàu lạ chưa rõ số hiệu. Đặc biệt, chiếc tàu trên còn ngang nhiên phát tín hiệu đe dọa tàu cứu hộ ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Mặc dù gặp trở ngại, cùng sự đe dọa trắng trợn đến từ phía tàu lạ, nhưng với phương châm “tính mạng ngư dân là trên hết”, thuyền viên tàu SAR412 cùng đội ngũ y, bác sỹ vẫn đạp sóng tới địa điểm ngư dân đang gặp nạn.
Chưa hết, khi tàu SAR 412 đang trên đường đưa ngư dân Ngọc vào bờ cấp cứu, lại xuất hiện tàu khác, chạy theo hướng lao thẳng vào phía hông tàu SAR 412 với ý đe dọa. Nghẹt thở, nhưng vẫn thẳng lái. Khi đến khoảng cách 80-100m, tàu lạ giảm tốc độ và chuyển sang chạy song song với tàu SAR 412. Cứ thế, tàu SAR 412 luôn trong tình trạng bị uy hiếp cho đến khi cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 15 hải lý, con tàu lạ mới rời đi.
Thuyền trưởng can trường
Ông Phan Xuân Sơn (60 tuổi, ngụ Đà Nẵng), thuyền trưởng tàu SAR 412 được ngư dân miền Trung ví như người thủ lĩnh can trường. Bởi lẽ, ông Sơn có một cuộc đời chinh chiến oanh liệt với sự khắc nghiệt của thiên tai để giành lại sự sống cho nhiều ngư dân. Và chính ông Sơn cũng nhiều lần gặp những tình huống sinh tử, nhưng kinh nghiệm, tinh thần, bản lĩnh đã giúp vượt qua tất cả.
Thuyền trưởng Sơn gắn bó với SAR 412 từ khi tàu ra đời cách đây 14 năm. Trong ký ức của ông, những chuyến vượt sóng cứu người ở Hoàng Sa luôn đong đầy cảm xúc. Ông kể, một ngày đầu xuân năm 2016, khi nhận tin một tàu cá Bình Định gặp nạn tại gần đảo Chim Yến thuộc quần đảo Hoàng Sa, ông tức tốc chỉ huy SAR 412 thẳng tiến Hoàng Sa. Khi thấy bóng dáng tàu màu cam trắng tới gần, hai tàu hải cảnh, hải quân của Trung Quốc đã áp sát, phía trên là máy bay trực thăng quần thảo.
Trong tình huống ấy rất dễ xảy ra va chạm hàng hải, nhưng ông Sơn vẫn quyết định cho hạ xuồng cứu ngư dân gặp nạn. Ông nói dõng dạc trong bộ đàm bằng tiếng Anh với các tàu Trung Quốc, rằng tàu của mình đi cứu hộ, mục đích chỉ để cứu ngư dân gặp nạn. Từ chỗ đe dọa đâm va, các tàu phía Trung Quốc lùi xa dần, ngư dân trên tàu cá mắc cạn được cứu sống.
Câu chuyện trên của ông Sơn nằm trong số hơn 50 lần ông chỉ huy tàu SAR 412 cứu nạn tại Hoàng Sa, được các anh em đồng nghiệp luôn nhắc đến.
Một kỷ niêm đáng nhớ khác với thuyền trưởng Sơn là vụ cứu bảy ngư dân trên tàu cá gặp nạn tại vùng biển Quảng Bình cuối năm 2017. Lúc đó, sóng cao 3m, trời nhá nhem tối, tàu cá bị vỡ, ngư dân phải bám trên thuyền thúng trôi lênh đênh. Dù đã quần qua tọa độ tàu cá bị nạn mấy lần nhưng vẫn chưa tìm được ngư dân, nếu màn đêm buông xuống, khả năng tử nạn của bảy ngư dân rất cao. Trong thời khắc đó, bằng kinh nghiệm đã thành phản xạ, ông Sơn tính toán sức gió, hướng sóng, phán đoán hướng trôi dạt thuyền thúng của ngư dân để lao tới.
Thật may mắn, đèn tàu rọi thấy lóe lên một ánh màu cam của áo phao. Tàu SAR 412 tiến tới, trước mắt ông Sơn, hình ảnh sáu ngư dân trên một thuyền thúng đang chới với, một ngư dân bấu vào thùng xốp, họ khóc như mưa, khóc mừng vui như vừa chết đi được sống lại.
Hay như trường hợp ông Trần Văn Cúc (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, thuyền trưởng tàu cá QNg 94499), bị nạn vào mùng 3 Tết năm Bính Thân, khi đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa. Chín thuyền viên được tìm thấy trong tình trạng hoảng loạn, lương thực mang theo đã cạn, tàu chết máy phải thả trôi. Trước những hình ảnh ấy, ông Sơn lại thấy mình cần gắn bó nghề hơn nữa.
Không chỉ là những khoảnh khắc xúc động khi đưa ngư dân từ cõi chết trở về, với ông Sơn còn có những phút giây hiểm nguy với chính SAR 412, đòi hỏi ông phải có quyết định sinh tử trong tích tắc. Ông kể, năm 2010 khi đi cứu tàu gặp nạn của ngư dân Đà Nẵng ở Hoàng Sa, ông gặp bão, một cơn bão mới hình thành nhưng sức gió rất lớn. Ra tới nơi không lẽ quay về, một bên anh em thủy thủ lo lắng, một bên ngư dân gặp nạn đang chới với. Ở vị trí người đứng mũi chịu sào, ông Sơn quyết định lao vào tâm bão. Ông nói với các thủy thủ, ngư dân trong đó còn chịu được, mình cũng chịu được. Sự can trường, quyết đoán của ông cuối cùng cũng giúp tất cả vượt qua nguy hiểm, các ngư dân được cứu sống, thuyền cứu hộ trở về an toàn.
Trong 14 năm chỉ huy tàu cứu hộ SAR 412, phần lớn thời khắc đón giao thừa của ông Sơn trên biển, hoặc trong những chuyến đi cứu nạn. Vị thuyền trưởng can trường đã hoàn thành sứ mệnh cứu hộ ở tuổi 60 với hơn 100 chuyến hàng hải, cứu hơn 800 người, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Ông Sơn trăn trở, để hạn chế rủi ro thấp nhất cho ngư dân, lực lượng cứu hộ phải chuyên nghiệp hơn, ý thực tự vệ của ngư dân phải cao hơn. Đơn cử việc thắp đèn trên tàu cá của ngư dân ngoài khơi thường chẳng theo quy chuẩn nào, không biết đang đi hay dừng, rất dễ xảy ra va chạm. Còn về phương tiện cứu hộ, miền Trung có hàng chục ngàn tàu cá mà chỉ có một số tàu cứu hộ chuyên nghiệp, thường hoạt động được vài trăm hải lý. Khi rời tàu SAR 412, đó là những điều ông Sơn trăn trở nhất.