Thân thương hàng rong xứ Huế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gánh hàng rong ở Huế đã trở thành một thứ hồn quê bình dị, mộc mạc nhưng đậm đà, sâu lắng len lỏi từng ngõ nhỏ giữa cuộc sống phố thị của xứ kinh kỳ.
Thân thương hàng rong xứ Huế

Hồn quê giữa phố thị

Đến với Huế - mảnh đất cố đô nay thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, du khách không chỉ có cơ hội đi thăm những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Đại Nội, chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền, lăng Minh Mạng hay vịnh Lăng Cô... mà còn được dịp đi dạo phố và thưởng thức các món ăn từ những gánh hàng rong.

Những gánh hàng rong xứ Huế rất đa dạng và phong phú từ gánh hàng ăn, gánh trái cây đến gánh hàng hoa... Đặc trưng của gánh hàng rong là thường không có địa điểm bán hàng cụ thể mà sẽ rong ruổi khắp mọi con đường ngõ ngách để tìm kiếm thực khách. Đồng hành cùng những người bán hàng rong luôn là đôi quang gánh và chiếc nón lá.

Dưới chiếc nón là những khuôn mặt khác nhau, mỗi người ở một miền quê khác nhau, nhưng chỉ có sự tảo tần, chịu thương, chịu khó hằn trên nét mặt chất phác của họ là đồng điệu. Dẫu là người xa lạ, khi đặt gánh hàng cạnh nhau thì lập tức họ trở thành thân thiết. Lúc vắng khách, họ kể cho nhau nghe về cuộc sống mưu sinh của mỗi người, cùng bàn tán về thế thái nhân tình theo cách của người dân thường.

Trên những con đường, ngõ nhỏ của xứ Huế, không khó để bắt gặp những người bán hàng rong len lỏi ngược xuôi với đôi quang gánh nặng trĩu mải miết từ con đường này sang con đường khác. Đằng sau đó là những tất tả mưu sinh và bao nỗi lo toan nhọc nhằn thường nhật.

Bà Trương Thị Thuận vận đời mình vào gánh hàng rong đã hơn mười năm nay. Những món chè của bà cùng với những cuốc xích lô của chồng nuôi 4 miệng ăn. “Tháng nào mưa gió thì cuộc sống hơi vất vả tí, còn lại cũng qua ngày, qua tháng được”, bà Thuận tâm sự. Năm nay ngoài 60, bà không gánh gồng đi khắp các tuyến đường như những năm tháng còn mạnh khỏe. Bà đặt gánh ngồi một điểm trên đường Trần Hưng Đạo (TP Huế). Những tháng hè, gánh chè của bà rất đắt khách. Mùa mưa, buôn bán ế nhưng bà vẫn duy trì, chỉ làm ít lại.

Những gánh bánh canh, gánh chè... mang theo cả ước mơ, khát vọng về một sự ổn định, ấm no trong cuộc sống mưu sinh tất bật.
Những gánh bánh canh, gánh chè... mang theo cả ước mơ, khát vọng về một sự ổn định, ấm no trong cuộc sống mưu sinh tất bật.

Gánh hàng rong của bà Thuận là đại diện cho một tầng lớp “buôn thúng bán bưng” ở xứ Thần Kinh. Sự trầm mặc, yên bình của vùng đất này có sự góp phần của những đôi triêng gánh trên vai các bà, các chị hàng rong.

Trong các video quay về Huế, gánh hàng rong luôn xuất hiện cùng các di sản Huế. Ở những thước phim đó, gánh hàng rong hiện lên, chuyển tải nét đẹp, sự yên bình của Cố đô Huế. Đôi khi là một tiếng rao hay là những sải chân chậm bước trên cầu Trường Tiền. Cũng có thể là một góc quay bắt trọn đôi quang gánh ngang qua chợ hay len lỏi vào những ngõ ngách của đô thị Huế. Sự xuất hiện của gánh hàng rong ở các video không dài, nhiều khi chỉ lướt qua vài giây. Chỉ vậy thôi, thông điệp từ những lần hiện ra ít ỏi đó cũng đủ nêm nếm một chút gia vị vừa tới cho người xem.

Mang vị Huế tới khách phương xa

Ngày nay, các con đường xứ Huế không thiếu hàng quán ăn uống, cửa hàng, siêu thị,… bán chẳng thiếu thứ gì. Ấy vậy mà những gánh hàng rong vẫn lặng lẽ tồn tại, song hành cùng cùng nhịp sống đô thị tất bật. Bởi lẽ, có rất nhiều người vẫn yêu cái nét dân dã, bình dị của những gánh hàng rong ngoài phố.

Những gánh hàng ăn ở Huế bán đủ các loại món ăn bình dân nào là bún, bánh canh, cơm hến, đậu hũ... Người phụ nữ Huế buôn bán hiền lành, nhẹ nhàng, từ tốn, dáng đi khoan thai không vội vã. Để chuẩn bị cho gánh hàng buổi sáng, họ phải dậy từ sớm, đến chợ chọn mua nguyên liệu tươi ngon để về nhà kịp nấu nướng.

Cứ mỗi sáng sớm, chị Hoàng Thị Mai (48 tuổi, phường An Cựu, TP Huế) lại tất bật chuẩn bị nồi đậu hũ (miền Bắc gọi là tào phớ, miền Nam gọi là tàu hũ) để phục vụ thực khách. Bất kể ngày nắng hay mưa, chị Mai mang theo gánh đậu hũ rong ruổi khắp phố phường.

Gánh đậu hũ của chị Mai được chia làm hai đầu, một đầu là chiếc thùng gỗ được ngăn làm 3 tầng, tầng trên cùng bỏ chén, còn tầng 2 để gia vị và muỗng, tầng cuối cùng là thau nước rửa. Chén đậu hũ trắng ngà, loang loáng nước và thơm mùi gừng. Hơi nóng từ gừng tươi và nước ấm khiến hương vị đậu hũ trở nên đậm đà và thanh thoát hơn.

Trên những gánh hàng rong, mỗi món gắn liền với một địa danh đặc thù, nói đến bánh canh phải là bánh canh Nam Phổ, các loại bún phải xuất phát từ An Cựu; bắp hầm ở Kim Long...

Đến với xứ Huế, sáng sớm tinh mơ du khách sẽ gặp hình ảnh những người gánh hàng rong đi cùng với nhau từ một vùng nào đó đổ về phố, dừng lại đặt cái đòn gánh xuống đất làm đòn ngồi, nghỉ một chút trên đường, có người phe phẩy chiếc nón lá cho đỡ mệt, có người cời lại bếp than cho đỏ lửa, rồi bắt đầu tỏa đi khắp nơi.

Sáng sớm sẽ có những món như bánh canh, các loại bún, bánh mì, xôi bắp, bánh bèo... nào bún bò Huế, bánh dày, cơm bún hến, bánh ướt cuốn tôm chua, bánh canh Nam Phổ. Trễ hơn một chút có đủ các loại chè (chè nóng, chè lạnh) hay các loại nước đậu nành, đậu ván, đậu hũ. Trưa hơn chút nữa có các hàng gánh trái cây (vải, nhãn, bơ, cam...) xuất phát từ chợ Đông Ba, lúc này cũng có các gánh rau bán dạo cho những nhà ở phố. Sau giấc ngủ trưa, xê xế chiều có bánh bèo, nậm, lọc, bánh canh bột lọc... Các gánh này có thể bán đến chiều xẩm tối.

Những gánh hàng rong mang đậm hương vị xứ Huế.

Những gánh hàng rong mang đậm hương vị xứ Huế.

Những gánh hàng rong có thể bày bán rất nhiều các thức quà vặt khác nhau nhưng dẫu chỉ là những món ăn đơn giản, bình dị nhưng lại mang theo, chứa đựng cả phong vị ẩm thực độc đáo rất riêng của vùng đất xứ Huế mà không phải nơi nào cũng có được.

Hiện nay, ở các đô thị lớn hiện đại vẫn luôn có sự xuất hiện của những gánh hàng rong. Nhưng, ở đó gánh hàng chỉ đơn thuần giải quyết khâu mưu sinh; đặt gánh hàng rong đi dưới những tòa nhà chọc trời có thể sẽ rất lạc lõng. Nhưng ở các đô thị cổ và có gì đó chầm chậm như Huế thì lại khác, nó hài hòa hơn trong một tổng thể không gian đầy chất thơ, làm cho gánh hàng rong xứ Huế cũng trở nên đặc trưng hơn.

Trong “Huế, đêm hè” - thi sĩ Nam Trân có mấy câu miêu tả về gánh hàng rong xứ Huế: “Hai tay xách hai vịm/Một vài mụ le te/Tiếng non rao lảnh lói/Chốc chốc: “Ai ăn chè”. Những câu thơ miêu tả gánh hàng rong xứ Thần Kinh của thi sĩ Nam Trân có từ năm 1939.

Hơn 70 năm đi qua, trước những biến thiên của thời cuộc, gánh hàng rong cũng chỉ vậy; cứ “le te”, cứ “lảnh lói”. Nó vẫn cứ đời, vẫn cứ giản đơn để rồi mang đến cho vùng đất này một sự bình yên, một chút giản dị. Những tiếng rao đó đôi khi theo vào ký ức của những người từng ở Huế rồi đi xa.

Hướng tới thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên giá trị văn hóa

Ngày 30/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1745/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có xác định quan điểm phát triển: Tổ chức không gian phát triển tỉnh theo hướng mô hình đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; gắn với các hành lang Bắc - Nam và hành lang kinh tế Đông - Tây, hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng.

Phát huy tối đa nhân tố con người, là nguồn lực quan trọng và mục tiêu của sự phát triển. Bồi đắp và phát huy giá trị di sản, văn hóa Huế, con người Huế để hướng đến xây dựng trung tâm lớn, đặc sắc về văn hóa, du lịch; […] Chủ động, kiến tạo và tiếp tục đổi mới toàn diện, phát triển nhanh, bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy kinh tế số, kinh tế biển, kinh tế đô thị và công nghiệp văn hóa; giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch, chuyển hóa di sản thành nguồn lực; bảo đảm phát triển cân bằng, hài hòa và bình đẳng giữa các vùng lãnh thổ.

Đọc thêm