Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm UBVHGDTNTN&NĐ Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, thực tế hiện nay đang đòi hỏi một văn bản luật mới về điện ảnh ra đời nhằm luật hóa chủ trương của Đảng, phát triển ngành công nghiệp điện ảnh phù hợp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam.
Dự kiến, Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) và thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2022).
Tại Hội nghị, bên cạnh đánh giá tình hình thi hành Luật Điện ảnh trong thời gian qua, các đại biểu góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động điện ảnh Việt Nam phát triển. Đáng chú ý, một số đại biểu cho rằng cần xóa bỏ cơ chế duyệt phim “tiền kiểm” chuyển sang hậu kiểm (tức là cho trình chiếu mà không cần kiểm duyệt và cấp phép trước, nếu phim có vấn đề thì mới cấm chiếu và xử phạt).
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Vương Duy Biên cho rằng cần hết sức thận trọng vì đối với phim ngắn, phim tài liệu, phim truyền hình không chiếu rạp và không phát hành rộng rãi quốc tế có thể áp dụng hậu kiểm. Nhưng đối với phim truyện điện ảnh, nó có phạm vi phổ biến rộng rãi, tác động nhanh và ảnh hưởng lớn đến hành vi, ứng xử, quan niệm đạo đức của xã hội mà không có cơ quan Nhà nước kiểm duyệt nội dung trước thì các nhà sản xuất có thể sẽ đưa các hình ảnh mang tính chính trị, chủ quyền quốc gia, bạo lực... vào phim, gây ra tác hại lớn.