Hạn chế cảnh uống bia, rượu trên phim: Làm sao để vừa tuân thủ pháp luật, vừa đảm bảo sáng tạo?

(PLVN) - Trước tác hại bia, rượu trong đời sống, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 24/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 24/2/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó quy định hạn chế hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình. Không ít ý kiến lo lắng rằng quy định này có thể phần nào đó hạn chế sự sáng tạo. 
Cảnh trong phim “Quỳnh búp bê”.
Cảnh trong phim “Quỳnh búp bê”.

Nhiều cảnh uống bia, rượu trên truyền hình

Trong tập 21 “Về nhà đi con”, do quá bế tắc với cuộc sống nợ nần, công việc làm ăn thất bại, Thư đi đến quán bar uống rượu giải sầu. Trong lúc đang uống rượu, Thư bị một gã đàn ông lạ mặt tiếp cận và có ý đồ xấu.

Trong tập 69 “Về nhà đi con” khi phát hiện con rể Vũ có bồ trong chính ngày sinh nhật của con gái Anh Thư, nhân vật ông Sơn phải ghìm giữ tất cả những cảm giác đau đớn, cay đắng, thương con trong lòng để giữ cho con một sinh nhật vui vẻ.

Cảnh trong phim “Về nhà đi con”.
 Cảnh trong phim “Về nhà đi con”.

Nhưng trong bữa tối, nỗi niềm thương con dâng lên đầy ứ cổ họng, ông Sơn cố gắng uống rượu để nuốt trôi nỗi buồn nhưng không thể. Trong bữa cơm sinh nhật, ông Sơn còn ví ba cô con gái của mình như ba bình rượu quý.

Trong tập 4 phim “Cô gái nhà người ta”, nhân vật Viễn phát hiện mình bị mắc bệnh ung thư giai đoạn 3, sắp chuyển sang giai đoạn 4. Chán đời, Viễn rủ Cân - Khoa cùng nhau uống rượu giải sầu. Khi men đã ngà ngà, Viễn mới thông báo cho hai cậu bạn thân chuyện mình bị bệnh.

Ban đầu, Khoa - Cân còn hùa vào mỉa mai Viễn, nói rằng chắc anh bị ung thư đường ruột vì tốt bụng quá. Nhưng khi nhìn thấy tờ kết quả xét nghiệm Viễn đưa cho, cả 2 anh chàng mới câm nín, bàng hoàng. 

Hay trong tập 16 bộ phim này, lợi dụng ông Bá say rượu, ông Tài lén sai người lẻn vào nhà ông Bá ăn trộm tài liệu. Ở tập 17, Trâm - em gái Khoa giận bố nên bỏ nhà theo bạn trai làm ở quán karaoke, ban đầu chỉ dọn dẹp nhưng sau cô bị đẩy vào phòng tiếp khách. Tại đây, có bị ép uống rượu, bị lạm dụng tình dục…

Một cảnh trong phim “Con gái nhà người ta”.
 Một cảnh trong phim “Con gái nhà người ta”.

Ở tập 2 phim “Quỳnh búp bê”, trong ca “làm việc” đầu tiên của mình, Quỳnh được đưa đi gặp một gã đàn ông đang uốn éo rất dị hợm tên là Sỹ. Quỳnh bị Sỹ ép uống rượu.

Ở cuối tập 17 phim “Quỳnh búp bê”, bị cả nhà hắt hủi, chửi mắng, Lan chán nản nên mua rượu về tiệm may để uống. Một phim truyền hình khác đang “hot” là “Sinh tử” cũng có không ít cảnh quay uống rượu tại nhà hàng, khách sạn. Chung quy lại là cảnh uống rượu, bia trong các phim truyền hình còn phổ biến.

Cần quy định cụ thể

Trước tác hại bia, rượu trong đời sống, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 24/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó quy định hạn chế hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình.

Có thể thấy, sự ra đời của Nghị định 24/2020/NĐ-CP là cần thiết, bởi phim ảnh ở chừng mực nào đó cũng tạo ra tác động xã hội, nhất là với giới trẻ. Nhưng không ít đạo diễn, nhà biên kịch cảm thấy hoang mang, lo lắng sẽ gặp khó khăn trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Hơn thế, họ còn lo lắng về sự kiểm duyện có công bằng và hiểu “đứa con tinh thần” của họ hay không?

Trong Nghị định có ghi “Việc sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia nhằm mục đích nghệ thuật chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết để khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử hoặc tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định hoặc phê phán, lên án hành vi uống rượu, bia.

Việc sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia nhằm mục đích nghệ thuật ngoài các trường hợp quy định nêu trên phải được cơ quan có thẩm quyền duyệt phim chấp thuận trên cơ sở đề nghị của Hội đồng thẩm định phim theo quy định của Luật Điện ảnh hoặc được cơ quan có thẩm quyền cấp phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật chấp thuận theo quy định”.

Một cảnh trong phim “Sinh tử”.
 Một cảnh trong phim “Sinh tử”.

Nghệ thuật thường cảm tính nhiều hơn. Nên việc quy định hạn chế ra sao, như thế nào, số lượng cảnh quay nhân vật uống rượu, bia trên/bộ phim cần cụ thể và rõ ràng. Nếu không, sẽ có sự cảm tính của Hội đồng xét duyệt là phim này cho để cảnh nhân vật uống, bia rượu, phim kia lại bị cắt tơi bời. Hơn nữa, việc kiểm duyệt phim không hề dễ dàng, Bởi hiện nay, Việt Nam có hơn 60 đài truyền hình. Đài truyền hình Trung ương còn duyệt kỹ, nhưng các đài địa phương rất dễ... lọt!

Theo Nghị định số 24/2020/NĐ-CP, việc sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Không thể hiện các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 5, hành vi uống rượu, bia ở các địa điểm được quy định tại Điều 10, hành vi bán rượu, bia ở các địa điểm được quy định tại Điều 10 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia hoặc hành vi uống rượu, bia trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh, truyền hình dành cho người dưới 18 tuổi; trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án các hành vi này.

- Không ca ngợi tổ chức, cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh rượu, bia.

Nghị định cũng quy định địa điểm công cộng không được uống rượu, bia. Cụ thể, ngoài các địa điểm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và khoản 6 Điều 10 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, các địa điểm công cộng không được uống rượu, bia bao gồm: Công viên, trừ trường hợp nhà hàng trong phạm vi khuôn viên của công viên đã được cấp phép kinh doanh rượu, bia trước ngày 24/2/2020; nhà chờ xe buýt; rạp chiếu phim, nhà hát, cơ sở văn hóa, thể thao trong thời gian tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và công năng sử dụng chính của các địa điểm này, trừ trường hợp tổ chức các lễ hội ẩm thực, văn hóa có sử dụng rượu, bia.

Một đạo diễn phim xin được giấu tên phân vân, cuộc sống như thế nào thì phim ảnh và sân khấu phản ánh như thế. Ngoài đời sống vẫn còn nhiều người uống rượu, uống bia gây tiêu cực cho xã hội đầy rẫy mà vẫn chưa cấm (trừ trường hợp lái xe uống bia, rượu bị phạt) thì không nên quá khắt khe hạn chế phản ánh điều đó trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh...

Tác hại của bia, rượu thì ai cũng biết, đã thế thì cấm bia, rượu lưu hành ngoài thị trường luôn đi. Đời sống xã hội vẫn tồn tại bia, rượu mà lại khắt khe đưa thực tế đó lên tác phẩm phim ảnh hoặc sân khấu thì khiên cưỡng, làm khó cho nhà biên kịch, đạo diễn.

Vị đạo diễn này ví dụ, những cảnh quay của giới giang hồ xăm trổ đầy mình nhậu nhẹt, cảnh gái làng chơi hay cảnh quay bàn về việc làm ăn phi pháp tại quán karaoke, bar, vũ trường, không lẽ bắt các nhân vật ấy uống nước lọc suông hay uống cafe, nước ngọt?

Rồi bộ phim có cảnh nhân vật nữ bị chuốc uống rượu, bia say mèm rồi bị xâm hại tình dục hay “bẫy tình” không lẽ thay thế tình huống ấy bằng cách cho họ uống thuốc ngủ, hay thuốc mê để bị “hại đời”, tạo bi kịch nhân vật trong phim?

Rồi cảnh phim các cán bộ tha hóa móc ngoặc những kẻ cơ hội trong xã hội lại không được ngồi uống rượu, uống bia ở nhà hàng, khách sạn nào đó để bàn chuyện phi pháp mà đưa nhau ra quán cafe hay đưa về cơ quan, về nhà riêng để uống trà, cafe thậm chí tu sữa... cho lành?

Tìm kiếm, trau dồi kỹ năng diễn xuất mới 

Không ít đạo diễn, nhà biên kịch cho rằng, khó nhất là phim trong đề tài xã hội như: tâm lý, phim cảnh sát hình sự, phim phòng chống tham nhũng, tệ nạn xã hội... đều liên quan tới bi kịch, mất mát, tiêu cực xã hội nếu cấm bia, rượu thì đúng là “trói” sự sáng tạo của đạo diễn, nhà biên kịch.

Tất cả tình huống diễn viên đóng có cảnh bia, rượu thay thế cafe, nước ngọt, nước lọc hay sữa... đều dẫn tới sự ngô nghê, phi logic, xa rời đời sống xã hội. Phim Việt Nam vốn bị khán giả chê chưa phản ánh đúng thực tế nên lại bị “nước lọc” hóa, e sẽ khó thuyết phục người xem. 

Biên kịch Trần Khánh Hoàng nêu quan điểm: “Ly bia, chén rượu trong hoàn cảnh cụ thể là khởi nguồn hoặc giúp câu chuyện có chiều sâu, sống động, chân thật hơn, và có khi phải cho nhân vật say thì mới đẩy kịch tính câu chuyện lên được, nên nếu áp dụng cứng nhắc theo quy định cũng khó cho người làm phim.

Thực ra, trong phạm vi phim truyền hình và điện ảnh lâu nay, nhiều đạo diễn, nhà sản xuất đã tự ý thức được việc tiết chế những hình ảnh không hay này. Từ “hạn chế” nên được hiểu theo hướng nhắc nhở đừng lạm dụng thái quá và nên có hướng dẫn cụ thể hơn như ra quy định thời lượng cảnh uống rượu, bia chẳng hạn, để người làm phim có mốc mà soi chiếu”. 

Nghị định 24 mang ý nghĩa tích cực, hạn chế rượu, bia trên phim ảnh cũng là điều nên làm. Nghị định 24 thể hiện tinh thần “hạn chế” chứ chưa “cấm” tuyệt đối hình ảnh sử dụng rượu, bia. Cũng đã đến lúc các nghệ sĩ, diễn viên cần tìm kiếm và trau dồi những kỹ năng diễn xuất mới mẻ hơn khi cần thể hiện nội tâm, sự suy tư, bế tắc hay thăng hoa của nhân vật. 

Theo tinh thần chung của những người làm nghề, vẫn cần có thời gian để làm quen, thích nghi, hiểu và áp dụng đúng theo những quy định đã được ban hành. Nên có công văn hướng dẫn rõ ràng, cụ thể riêng cho phim điện ảnh và phim truyền hình. Trong quá trình thực hiện Nghị định, đòi hỏi các nhà quản lý cần tiếp tục lắng nghe và tiếp thu ý kiến để có những sửa đổi, bổ sung phù hợp; sao cho vừa tuân thủ pháp luật, vừa bảo đảm được không gian sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ Việt.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: 

“Tôi nhớ từ lâu Nhà nước đã có quy định cấm hút thuốc lá trên phim. Các diễn viên trước đây đều đã quen mỗi khi trăn trở, suy tư thì châm thuốc lá phì phèo. Nay hết cửa, đành phải tìm cách diễn xuất khác, nhờ vậy mà diễn xuất của diễn viên bớt nhàm chán.

Nay cấm uống rượu, bia say xỉn trên phim cũng không ảnh hưởng gì đến chất lượng của phim ảnh. Điện ảnh vốn là giả nhưng phải làm cho người xem tin là thật. Uống rượu mà giả nhưng say như thật mới là cái tài của người diễn viên. Hãy để họ sáng tạo trong vai diễn của mình”.

Đạo diễn Quốc Trọng:

“Từ xưa đến nay, chúng tôi làm ở trên phim thì tất cả mọi thứ đạo cụ trên phim không ai dùng rượu thật cả, bởi vì rượu thật thì có người uống được, có người không. Còn việc hạn chế hình ảnh rượu, bia thì điều này đã có từ lâu, hàng chục năm nay các cơ quan đài và cơ quan hãng đã có quy định là không đưa quảng cáo sản phẩm rượu, bia cụ thể, đồng thời hạn chế thuốc lá.

Đối với những cảnh quay trong bar, thường nếu trong kịch bản đã được duyệt có cảnh quay đó thì vẫn thực hiện. Đó là những cái đặc trưng riêng của phim ảnh, khác với những quy định khác. Cuộc sống thì luôn có những quy tắc riêng nhưng tôi nghĩ điện ảnh thì lại khác”.

Diễn viên Anh Tuấn:

“Khi đóng phim đâu phải dùng rượu, bia thật đâu mà toàn là đạo cụ giống với màu rượu. Điều này giúp diễn viên tỉnh táo trong diễn xuất. Khi dùng rượu, bia thật thì có những người không uống được thì làm sao mà diễn, ví dụ như người ta sẽ bị đỏ mặt. Cách dùng nước ngọt, nước lọc là cách hiệu quả nhất.

Khi diễn những cảnh trong quán bar hay cảnh thất tình, thật ra diễn viên lúc đó sẽ ở trong tâm trạng của nhân vật rồi nên không cần bia hay rượu mới đem lại cảm xúc. Cảm xúc ở đây là diễn viên lấy từ nhân vật, từ phân cảnh của nhân vật chứ không phải từ rượu, bia.

Rượu, bia trong những cảnh đó chỉ để diễn tả cảm xúc của diễn viên thôi chứ không gây cảm xúc cho diễn viên. Người diễn viên chuyên nghiệp họ sẽ lấy cảm xúc thật từ phân cảnh của nhân vật chứ không phải từ rượu, bia. Đấy là chuyện thường xuyên mà diễn viên phải làm”.

Diễn viên - nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh:

 “Tất nhiên không phải đề tài nào cũng cần có bia, rượu, thuốc lá nhưng phim ảnh cần đa dạng đề tài, nhất là xã hội, hành động... Khó lắm! Nhưng mình phải tuân thủ khi đã là luật. Thực ra thì cũng khó và hạn chế trong phần sáng tạo nhưng đã là qui định Nhà nước thì mình phải chấp hành.

Khó nhất là trong đề tài xã hội, cả thuốc lá và bia, rượu đều cấm nên giờ viết kịch bản xây dựng nhân vật và hoàn cảnh cũng khó và đôi khi hơi nửa vời. Rồi phim nước ngoài thì vẫn được nên khán giả cứ hay so sánh rồi chê phim Việt Nam làm không tới nơi, không ra chất”.

Đạo diễn Nguyễn Phương Điền:

“Nhìn theo hướng tích cực thì đây cũng là cơ hội để đạo diễn tăng sáng tạo trong cách thể hiện của mình. Lâu nay, khi khắc họa một nhân vật bạo hành gia đình, sáng say, chiều xỉn, đạo diễn thường cho diễn viên cầm theo chai rượu bên cạnh để khán giả thấy.

Tuy nhiên, tuân theo Nghị định này, đạo diễn có thể thay đổi cách diễn đạt bằng xử lý cho nhân vật đi không vững, chân nọ đá chân kia, mặt đỏ gay biểu hiện say xỉn là đủ. Nghị định chỉ hạn chế hình ảnh uống bia, rượu, không hạn chế tính cách nhân vật nên người say xỉn, giới giang hồ... vẫn được thể hiện thì không thể nói bó buộc sáng tạo được”.

Diễn viên Minh Tiệp:

“Sử dụng rượu, bia trên phim nên ở mức tương đối, nhiều quá sẽ dễ bị bội thực. Hơn nữa, các bạn trẻ ngày nay rất thích phim Việt Nam. Nhiều người hâm mộ nghệ sĩ nào đó, xem phim của họ lại học theo phong cách, lối sống của nhân vật trong phim thì sẽ không tốt.

Trước đó, Nhà nước đã ban Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì cớ sao nghệ sĩ vẫn uống rượu, bia trên phim ầm ầm. Chúng ta thiếu gì cách để thể hiện tình cảm, đâu cứ nhất thiết lúc nào cũng phải cần đến rượu”.

Hà Trang – Diệu Bảo