Chuyện về chiếc phong bì đầu tiên...
Còn nhớ hồi đó, về Báo được mấy tháng, theo đồng nghiệp đi học hỏi viết lách, một ngày tôi được giao nhiệm vụ đi xuống công tác tại thành phố Hải Dương. Lần đầu đi công tác địa phương một mình, khỏi nói cái chộn rộn của "anh lính trẻ" đầy hoài bão.
Lên tòa soạn lấy giấy công lệnh xong, vừa dắt xe máy chuẩn bị đi, tôi nhận được điện thoại của “sếp”Nguyễn Thu Hà - Trưởng Ban Kinh tế, văn hóa xã hội khi đó. “Đã đi chưa? Đợi chị một lát”. Lát sau, chị phóng nhanh đến, tay cầm chiếc mũ bảo hiểm to tướng. “Mang theo mà đội vào. Đi ra quộc lộ phải cẩn thận”, chị nói. Tôi cầm vẻ ngại ngần, bởi hồi đó chưa bắt buộc đội mũ bảo hiểm, người ta còn cho rằng đội mũ bảo hiểm là “quê” là “tẩm”. “Nhớ đội đấy” - chị nhắc lại.
Nhà báo Sơn Bình - tác giả bài viết trong chuyến công tác Trường Sa năm 2011 |
Chuẩn bị đề xe đi bỗng tôi thấy chị dúi vào túi chiếc phong bì. “Em cầm lấy, đi xa nhỡ có chuyện gì!” Tôi toan từ chối, bắt gặp cái “lừ” mắt của chị nên chỉ dám khẽ dạ. Không ngờ cảnh tôi được dúi phong bì lọt vào tầm ngắm của đồng nghiệp. Mấy năm sau, trong cuộc rượu, gã ngà ngà nói: “Trông cảnh ông được sếp quan tâm, tôi thấy cũng cảm động. Cái tình cái nghĩa của lớp đàn anh, đàn chị đi trước nó là tấm gương mình soi để mà sau biết đối nhân xử thế”.
Sau này, tôi đã có nhiều chuyến công tác đi khắp rộng dài đất nước, từ địa đầu Lũng Cú (tỉnh Hà Giang) cho đến đất mũi Cà Mau, đến cả huyện đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc… Tôi thậm chí không thể nhớ hết được mình đã có bao nhiêu chuyến công tác trong nghề. Nhưng chuyến công tác địa phương với chiếc “phong bì” đầu tiên trong đời ấy luôn làm tôi xúc động và ghi nhớ mãi…
Chuyện về dấu chấm lửng suýt "bé cái nhầm"
Lần ấy sau chuyến thâm nhập viết về tệ nạn xã hội tại vùng biển Quất Lâm (tỉnh Nam Định), tôi về viết được phóng sự rất chi ưng ý. Bài vở viết xong chuyển lên Ban Thư kí hôm trước, hôm sau tôi nhận được lệnh gọi của Phó Tổng biên tập Đỗ Xuân Độ.
Tập thể cán bộ, phóng viên Báo PLVN chụp ảnh lưu niệm tại Thành cổ Quảng Trị trong chuyến Tri ân miền Trung năm 2017 |
Vừa ngồi xuống ghế, sếp đưa ngay bản thảo bài viết của tôi bảo đọc lại. Ngó nghiêng suốt hai lượt, tôi không thấy điều gì bất thường. “Cậu viết mấy dấu chấm câu ở câu chuyện với cô gái kia có nghĩa là gì?” “Dạ thưa anh, thì để bạn đọc tưởng tượng thôi.” “Thế có nghĩa là họ có thể hình dung là câu chuyện mua bán dâm đã hoàn thành?” “Dạ, không phải thế!”- tôi bối rối thanh minh. “Thì bạn đọc được cậu cho tưởng tượng cơ mà…”
Trông cái mặt lúc đó chắc rất thộn của tôi, sếp hạ giọng ân cần: “Cậu thấy mấy cái chấm lửng của cậu tai hại chưa? Chúng ta làm báo là giáo dục, định hướng, nâng cao nhận thức xã hội. Mỗi một câu, một chữ khi đặt bút phải hết sức cẩn thận, cân nhắc tránh người tiếp nhận suy diễn, hiểu sai.” Câu chuyện nghiệp vụ đó cho tôi thêm cái nhìn, tính cẩn trọng trong nghề báo của mình mãi tới bây giờ.
Những chuyến thiện nguyện xã hội sâu nặng ân tình
Hơn chục năm trở lại đây, Báo Pháp Luật Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Tiến sĩ Đào Văn Hội - Tổng biên tập Báo, đã có nhiều hoạt động đóng góp lớn trong công tác đền ơn đáp nghĩa. Hàng chục tỉ đồng do cán bộ Báo, bạn đọc, doanh nghiệp ủng hộ đã đến với hàng trăm mái nhà từ pháp, hàng nghìn sổ tiết kiệm trao tới những mảnh đời khó khăn, tiếp thêm động lực để bà con vươn lên trong cuộc sống...
Tổng biên tập Đào Văn Hội (phải) trao quà trong chuyến công tác Xóa nghèo pháp luật tại tỉnh Điện Biên năm 2018 |
Trong nhiều cuộc họp, hay những khi vui vẻ, Tổng biên tập luôn nhắc tới công tác đền ơn đáp nghĩa, và nhắc anh em đừng ngại khi vận động cộng đồng ủng hộ. Nhớ cách đây mấy năm, Đoàn công tác đang trên đường vào Quảng Trị để thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa thì lại nhận thêm được một khoản khá khá tiền và quà của bạn đọc ủng hộ.
Phó Tổng biên tập Vũ Hoàng Diệp trao quà từ thiện cho học sinh nghèo tại tỉnh Lâm Đồng năm 2015 |
Sau một ngày đi đường mệt mỏi đến nơi, chưa kịp ăn cơm tối, đồng chí Trưởng ban Bạn đọc Trần Đức Vinh, nay là Phó Tổng biên tập nói với mấy anh em: “Thôi chúng ta chưa nghỉ vội, lên phòng bàn việc nhé…” Khi biết Báo vừa nhận thêm tiền và quà gửi cho bà con, cả Đoàn dường như quên hết mệt mỏi của quãng đường hơn 500 cây số, ai cũng hào hứng và sôi nổi …
Phó Tổng biên tập Trần Đức Vinh (bìa phải) trao tặng Nhà đồng đội trong chương trình Xóa nghèo pháp luật tại tỉnh Kiên Giang năm 2018 |
Thế rồi mọi người trong Đoàn ai vào việc nấy, công việc cứ cuốn cho đến khi mọi việc xong xuôi xuống nhà ăn, mâm cơm nguội ngắt mà ăn ai cũng thấy ngon vì đã đói mềm.
Hôm sau, nhìn những nụ cười rạng ngời trên những khuôn mặt khắc khổ đen sạm của bà con được nhận quà của Báo, chúng tôi ai cũng thấy vui và cảm động vì đã chung tay chia sẻ thiết thực với những khó khăn của bà con, giúp bà con ổn định cuộc sống…