Tháng Giêng, mùa lễ hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cứ mỗi mùa lễ hội, nỗi lo bị chen lấn, bạo lực, giẫm đạp xin ấn, cướp lộc, “chặt chém”, ngắt hoa, bẻ cành, ăn xin bủa vây, ngộ độc thực phẩm, chứng kiến cảnh xẻ thịt thú rừng… khiến nhiều người chùn bước. Để thu hút khách thập phương, rút kinh nghiệm từ những năm trước, ban tổ chức một số lễ hội đã đưa ra kế hoạch nhằm “trong lành” hóa lễ hội.
Mong lễ hội xuân Quý Mão không có cảnh chen lấn, tranh ấn, cướp lộc.
Mong lễ hội xuân Quý Mão không có cảnh chen lấn, tranh ấn, cướp lộc.

Các địa phương đã sẵn sàng

Sau ba mùa lễ hội gần như tê liệt vì COVID-19, Lễ hội chùa Hương 2023 rục rịch trở lại. Chùa Hương là lễ hội kéo dài bậc nhất cả nước, năm nay diễn ra trong ba tháng từ 23/1 - 23/4/2023. Ngày khai hội mùng 6 tháng Giêng như thường lệ, tuy nhiên Ban Tổ chức mở cửa đón khách từ mùng Hai.

Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2023 thành lập 7 tiểu ban, 1 trạm kiểm soát vé thắng cảnh, 1 tổ liên ngành để bảo đảm an ninh trật tự không gian lễ hội. Năm nay, Ban Tổ chức đổi mới hình thức bán vé tham quan, từ hình thức vé truyền thống sang mô hình vé điện tử, đồng thời, sắp xếp lại các điểm bán vé, phương thức bán vé, bỏ việc bán vé tại 2 cổng Tiên Mai và Đông Khê, để bảo đảm thông thoáng, tạo điều kiện cho du khách tham quan, trẩy hội. Ban Tổ chức cũng thí điểm mô hình chạy xe điện tại các điểm bến xe để du khách về chùa Hương có thể thuận tiện tham quan vẻ đẹp của xã Hương Sơn.

Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn - Nguyễn Bá Hiển cho biết: Ban Tổ chức sẽ thường xuyên kiểm tra các hoạt động văn hóa, xử lý nghiêm vi phạm, phòng ngừa các tệ nạn xã hội như: bói toán, bán thẻ, sách báo ngoài luồng, thuốc nam giả không rõ nguồn gốc, đồ chơi trẻ em nguy hiểm.

Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức giao cho UBND xã Hương Sơn phối hợp với Ban Quản lý Khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mặt bằng kinh doanh, trong đó “tuyệt đối không được bố trí các điểm kinh doanh ở nội tự các chùa, động, đoạn đường hẹp hoặc vực sâu không an toàn, khu vực sân của nhà thường trực, lòng đường đi động Hương Tích.

Năm 2022 dù dừng tổ chức nhưng Ban Quản lý vẫn mở cửa đền cho người dân vào dâng hương, làm lễ. Hội Gióng từng mang tiếng vì nạn tranh cướp lộc phản cảm, tuy nhiên đối với người dân địa phương những nghi thức đầu năm liên quan tới chuẩn bị lễ vật (hoa tre, cỏ voi, trầu cau, ngựa, voi...), rước lễ vật và nghi thức dâng lễ vật mới chứa đựng tính thiêng - những yếu tố để lễ hội trường tồn. Hội Gióng đền Sóc (Sóc Sơn) sáng mùng 6 tháng Giêng dự báo rất đông khách thập phương trẩy hội. Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích đền Sóc Đàm Thận Thắng cho biết, công tác chuẩn bị cho hội Gióng đang được tiến hành gấp rút: “Lãnh đạo huyện đã quán triệt tinh thần đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân tham gia lễ hội, tránh tình trạng chen chúc nhau. Theo thông tin từ Ban Tổ chức Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, đến nay kế hoạch tổ chức cũng đã được hoàn tất. Điểm nhấn của lễ hội là Lễ tưởng niệm 689 năm ngày viên tịch của Đệ tam tổ Trúc lâm Huyền Quang Tôn giả (1334 - 2023). Bên cạnh nghi lễ truyền thống, Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc còn có nhiều chương trình đặc sắc hứa hẹn thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Trước Tết Nguyên đán 2023, UBND TP Uông Bí (Quảng Ninh) cũng tổ chức tập huấn cho hơn 50 chủ cơ sở và nhân viên trực tiếp tham gia chế biến, sản xuất, kinh doanh tại các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uốngtại khu vực diễn ra Lễ hội Yên Tử 2023 và trên địa bàn xã Thượng Yên Công. Bên cạnh đó, UBND TP Uông Bí cũng đã thông qua kế hoạch tổ chức lễ khai hội, đón khách thăm quan Yên Tử 2023…

Du khách mong không có hình ảnh phản cảm hỗn chiến cướp Phết lễ hội Quý Mão. Ảnh Zing

Du khách mong không có hình ảnh phản cảm hỗn chiến cướp Phết lễ hội Quý Mão. Ảnh Zing

Hạn chế những hình ảnh phản cảm

Lễ hội đền Trần 2023 sẽ diễn ra từ ngày 1-6/2/2023 (tức ngày 11-16 tháng Giêng năm Quý Mão). Lễ hội có nhiều hoạt động như, ngày 1/2/2023 (tức ngày 11 tháng Giêng) sẽ diễn ra Lễ rước Kiệu Ngọc Lộ từ chùa Phổ Minh sang đền Trần; ngày 2/2/2023 (tức 12 tháng Giêng) diễn ra Lễ rước Nước, tế Cá tại đền Cố Trạch; ngày 4/2 (tức 14 tháng Giêng) sẽ diễn ra các hoạt động dâng hương, rước Kiệu từ đền Cố Trạch về đền Thiên Trường. Từ 23 giờ 15 phút ngày 14 tháng Giêng sẽ diễn ra nghi thức Khai Ấn. Sau khi hoàn thành các nghi lễ chính, từ 23h55' cửa đền mới mở để người dân và khách thập phương vào lễ đầu năm. Năm nay, không gian lễ hội được mở rộng, quang cảnh mở rộng, các ki ốt bán hàng được sắp xếp quy củ.

Theo bà Nguyễn Thị Như, Phó Chủ tịch UBND TP. Nam Định, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội khai ấn đền Trần Nam Định 2023, sau 3 năm không tổ chức, Lễ khai ấn năm nay diễn ra vào Thứ Bảy nên Ban Tổ chức dự báo sẽ có lượng khách rất đông. Vì thế, nhiều phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cháy nổ đã được đặt ra. Theo đó, sẽ có 4 điểm phát ấn, được tổ chức khoa học đảm bảo cho nhân dân vào, ra nhận ấn. Lượng ấn cũng đảm bảo cho du khách tham gia xin lộc đầu xuân.

Sẽ có 5 vòng an ninh được thực hiện trong Lễ khai ấn nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân, du khách thập phương dự lễ hội đầu xuân. Ban Tổ chức cũng duy trì hoạt động 16 camera tại khu vực đền Thiên Trường - nơi diễn ra Lễ khai ấn, rước kiệu ấn nhằm giám sát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy định hoạt động lễ hội.

UBND xã Hiền Quan đã xây dựng Đề án Đổi mới công tác tổ chức và quản lý Lễ hội phết xã Hiền Quan năm 2023. Theo đó, phần lễ được tổ chức trang nghiêm theo truyền thống, bản sắc văn hóa của vùng và theo phong tục, tín ngưỡng thờ cúng Thiều Hoa Công chúa. Phần hội (đánh phết) được xây dựng kịch bản chi tiết, kết hợp cách đánh phết truyền thống với cách đánh phết hiện nay. Quanh sân phết, ngoài khu vực cây nêu, Ban Tổ chức bố trí 3 lượt hàng rào cùng lực lượng công an, an ninh bảo vệ, không để nhân dân, du khách tràn vào sân phết.

Về lực lượng tham gia, Ban Tổ chức sẽ giao các trưởng khu dân cư tiến hành rà soát, lựa chọn, lập danh sách người tham gia đánh phết từ các khu dân cư trong xã. Thành lập 2 đội chơi số lượng 100 người, mỗi đội gồm 50 người được tuyển chọn từ các khu dân cư. Người được chọn tham gia đánh phết phải là người Hiền Quan, có hộ khẩu tại Hiền Quan, tuổi từ 18 - 45, là những người có nhân thân tốt, có sức khỏe, chấp hành quy định của Ban Tổ chức lễ hội... Bên cạnh các phương án đánh phết, Đề án cũng quy định lực lượng kiểm soát trong sân phết sẽ xử lý các tình huống trên sân đảm bảo hai đội tranh phết công bằng, khách quan, ứng xử có văn hóa và đặc biệt không để những hình ảnh phản cảm xảy ra trong quá trình hai đội tranh phết.

Một số lễ hội xuân được mong chờ ở miền Bắc:

* Lễ hội gò Đống Đa

Lễ hội diễn ra vào ngày mùng 5 Tết. Từ sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954) lễ hội gò Đống Đa được coi là ngày hội Đống Đa truyền thống, trở thành quốc lễ. Đây là lễ hội chiến thắng được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của Vua Quang Trung. Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khoẻ, thể hiện rõ tinh thần thượng võ. Trong đó, trò rước Rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất. Chùa Đồng Quang gần gò Đống Đa cũng là nơi diễn ra lễ cầu siêu, dâng hương tưởng nhớ công ơn của những anh hùng, nghĩa sĩ đã vì dân, vì nước.

* Lễ hội Yên Tử

Lễ hội Yên Tử được tổ chức từ ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch và kéo dài trong 3 tháng mùa xuân. Yên Tử không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp, tháp cổ, chùa mà còn là nơi hình thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đây cũng là trung tâm Phật giáo Việt Nam. Ðường lên đỉnh Yên Tử uốn lượn, gập ghềnh, luồn dưới những bóng cây đại thụ, xuyên qua những vạt rừng thông, trúc… Đường lên đỉnh Yên Tử là một cuộc thử thách đức tin, kiểm chứng lòng thành với Phật. Ðến được chùa Ðồng, những tín đồ của Phật có cảm giác mãn nguyện như đến được cội nguồn cõi Phật. Dường như nơi đây là chốn đào viên để Tiên, Phật đánh cờ, luận đàm kinh kệ, truyền cho các bậc hiền triết của trần gian.

* Lễ hội chùa Keo - Thái Bình

Lễ hội chùa Keo tưởng nhớ công đức của Quốc sư Dương Không Lộ (1016 - 1094) và những người có công xây dựng chùa. Đây là dịp để nhân dân tỉnh Thái Bình quảng bá du lịch; phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, nhu cầu tham quan và hưởng thụ các giá trị văn hóa, nghệ thuật kiến trúc điêu khắc độc đáo. Qua đó, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, truyền thống.

Với những giá trị đặc biệt về văn hóa lịch sử, năm 2012, quần thể chùa Keo được công nhận Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Ngày 23/1/2017, Bộ VH-TT&DL ghi danh Lễ hội chùa Keo (tỉnh Thái Bình) là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Đọc thêm