Tháng Giêng, nhưng tinh thần lao động phải là 'chung'!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày nay, khi xã hội phát triển, nhịp sống công nghiệp thay đổi, quan niệm về tháng Giêng cũng dần có sự điều chỉnh. Nếu như trước đây, nhiều người dành trọn tháng Giêng để vui chơi, hội hè thì nay, ngay từ mùng 6 Tết, các tổ chức, doanh nghiệp (DN) đã bắt tay vào công việc.
Công nhân Công ty Than Hạ Long quyết tâm đảm bảo an toàn trong ca sản xuất. (Ảnh: Phạm Tăng)
Công nhân Công ty Than Hạ Long quyết tâm đảm bảo an toàn trong ca sản xuất. (Ảnh: Phạm Tăng)

Thậm chí, nhiều người còn coi đầu năm là thời điểm tốt để khởi nghiệp, mở rộng quan hệ kinh doanh, đầu tư phát triển thay vì chỉ tập trung vào vui chơi.

“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”

Câu nói “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” từ lâu đã trở thành một quan niệm phổ biến trong dân gian Việt Nam. Nó phản ánh nếp sống truyền thống của người Việt trong tháng đầu tiên của năm âm lịch, khi mà không khí Tết vẫn còn dư âm, các lễ hội tưng bừng diễn ra, và một số người có xu hướng dành nhiều thời gian cho vui chơi, tín ngưỡng hơn là lao động. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận sâu hơn, câu nói này không chỉ đơn thuần nhấn mạnh đến sự hưởng thụ mà còn phản ánh những khía cạnh văn hóa, xã hội và cả sự thay đổi trong tư duy của con người theo thời đại.

Trước hết, tháng Giêng được xem là thời điểm của lễ hội, vì đây là mùa xuân - mùa của sự khởi đầu, tươi mới và sum vầy. Sau những ngày Tết Nguyên đán, khắp nơi trên cả nước đều diễn ra nhiều lễ hội truyền thống, những lễ hội này không chỉ mang tính chất vui chơi mà còn gắn liền với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Việt.

Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố văn hóa và tâm linh, quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” cũng có những tác động nhất định đến đời sống kinh tế - xã hội. Đối với một số ngành nghề như du lịch, dịch vụ ăn uống, vận tải,… đây là thời điểm cao điểm của hoạt động kinh doanh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế. Nhưng ngược lại, tư tưởng “ăn chơi” kéo dài có thể khiến một số người chểnh mảng công việc, ảnh hưởng đến năng suất lao động. Điều này đặc biệt dễ thấy ở những DN, tổ chức còn duy trì tư tưởng “làm cả năm, nghỉ cả tháng Giêng”.

Tâm lý ăn chơi tháng Giêng quá mức dễ dẫn đến nhiều sự lãng phí. Lãng phí tiền của, sức lao động, thời gian,… Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm về chống lãng phí, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công,... Trong đó “thời gian lao động” cũng là một loại tài sản. Việc trân trọng thời gian và tận dụng cơ hội ngay từ những ngày đầu năm là vô cùng quan trọng. Lãng phí thời gian không chỉ đồng nghĩa với việc trễ nải trong công việc, mà còn bỏ lại những cơ hội để phát triển, đầu tư và học hỏi.

Tháng Giêng là tháng hăng say!

Bên cạnh tâm lý “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, sự xáo trộn nhịp sống là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến năng suất lao động bởi trong dịp Tết, con người thường thoải mái hơn trong sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi và giao lưu. Thời gian biểu thay đổi, chế độ sinh hoạt không còn theo khuôn khổ thường ngày, dẫn đến tình trạng “lệch nhịp” khi quay trở lại công việc.

Vậy làm thế nào để cân bằng lại tinh thần và nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống thường ngày? Trước tiên, mỗi người nên dành một khoảng thời gian để điều chỉnh lại nhịp sinh hoạt, quay về chế độ ăn uống, ngủ nghỉ khoa học. Việc lập kế hoạch cụ thể cho công việc đầu năm cũng giúp giảm bớt căng thẳng, tạo động lực để bắt đầu một hành trình mới. Đặc biệt, thay vì tiếc nuối kỳ nghỉ đã qua, hãy đặt ra những mục tiêu mới để tạo động lực cho bản thân.

Bước vào năm 2025, khi Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ với nhiều mục tiêu chiến lược, quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” đã có sự thay đổi. Cả nước đang hướng tới những bước tiến đột phá trong kỷ nguyên số, hội nhập kinh tế và phát triển bền vững. Các mục tiêu lớn như chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, thúc đẩy nền kinh tế xanh, mở rộng hợp tác quốc tế và nâng cao năng suất lao động đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức và DN phải nhanh chóng bắt tay vào công việc ngay từ những ngày đầu năm.

Tháng Giêng vẫn mang ý nghĩa của sự khởi đầu, nhưng không còn là tháng dành riêng cho “ăn chơi”. Việc cân bằng giữa gìn giữ bản sắc văn hóa và thúc đẩy sự phát triển là điều cần thiết để đất nước không chỉ bảo tồn truyền thống mà còn bứt phá trong kỷ nguyên mới. Giữ vững tinh thần lễ hội nhưng không để tư tưởng nghỉ ngơi quá lâu làm chậm đà phát triển chính là chìa khóa giúp Việt Nam sẵn sàng cho những thách thức và cơ hội phía trước.

Đọc thêm