“Thăng Long phi chiến địa”
Kể từ khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư - Ninh Bình về Thăng Long (1010) cho đến thời điểm chúng ta đang sống, Hà Nội đã đi vào lịch sử hơn một nghìn năm tuổi. Hơn một nghìn năm, cả dặm dài đất nước. Từ Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, miền đất này đã phải trải qua không ít thăng trầm. Cổ nhân có câu: “Thăng Long phi chiến địa”. Vậy nhưng, là trái tim của một đất nước, của một dân tộc anh hùng, kẻ thù không ít lần mang gót sắt giày xéo đất thiêng, muốn dập tắt ý chí đấu tranh của những người con đất Việt.
Lần giở lịch sử ngàn năm, suốt thời phong kiến, không ít lần quân xâm lược phương Bắc tràn vào chốn kinh thành. Thời nhà Trần chống quân Nguyên Mông, Thăng Long từng đỏ lửa. 10 năm kháng chiến “nếm mật nằm gai” của Lê Thái Tổ, Thăng Long lúc ấy là thành Đông Quan đầy dấu ngựa bè lũ nhà Minh. Rồi đến thời Quang Trung - Hoàng đế bách chiến bách thắng, ngài cũng phải thần tốc kéo quân ra quét sạch giặc Thanh khỏi kinh thành, để xác chúng chất đầy gò Đống Đa gần trung tâm Hà Nội.
Tiếp nối truyền thống đánh giặc phương Bắc, đến thời hiện đại, khi quân xâm lược đã là bè lũ thực dân, có trong tay tàu đồng, súng thép, ông cha ta vẫn đánh giặc kiên cường. Đó là Tổng đốc Nguyễn Tri Phương (năm 1873) rồi Tổng đốc Hoàng Diệu (năm 1882), đều quyết sống chết giữ thành Hà Nội. Ý chí ấy, tấm lòng son giữ đất kinh kỳ ấy cứ cuộn chảy trong huyết quản của những người con đất Việt, rồi bùng cháy kể từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Trải qua 9 năm gian khổ kháng chiến chống Pháp, Thăng Long - miền đất thiêng Hà Nội mới được chào đón những đoàn quân cách mạng kéo về giải phóng Thủ đô. Ngày 10/10/1954 đã đi vào lịch sử, trở thành mốc son chói lọi chứng minh tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm, bằng chứng hùng hồn cho câu nói cổ nhân “Thăng Long phi chiến địa”. Thăng Long và từ ngày ấy mãi mãi mang tên Hà Nội, đúng là mảnh đất dạn dày lửa đạn.
Tuy thế, “phi chiến địa” ở chỗ Hà Nội trở nên một tòa thành bách chiến bách thắng. Bất cứ kẻ thù nào chạm tới mảnh đất thiêng này cũng đều phải bại vong. Mỗi tấc đất Thăng Long - Hà Nội còn ghi dấu biết bao sự tích oai hùng và cũng thắm đượm máu đào bao liệt sĩ từ ngàn xưa cho đến ngày nay.
Kể từ ấy, từ cái ngày 10/10 không biết vô tình hay hữu ý mà rất tròn trịa, Hà Nội sạch bóng quân thù. Từ một Hà Nội (vùng đất trong sông) nhỏ bé, cho đến ngày nay với một không gian văn hóa ngày càng rộng mở, Hà Nội như vẫn ôm trọn, bao chứa trong lòng tất cả tinh hoa dân tộc Việt. Hà Nội được ấp ôm, bao bọc trong núi Tản, sông Đà, trong sông Hồng, sông Đáy; khí thiêng sông núi tụ về hun đúc một Hà Nội mới, Hà Nội của thế kỷ 21, mang trong mình một trầm tích văn hóa, ngày càng được bồi đắp thêm dày hơn, lắng sâu hơn.
Thành phố vì hòa bình
Lịch sử về Hà Nội không dừng lại mà vẫn còn tiếp diễn một cách tốt đẹp đến trường tồn. Cách đây 15 năm (ngày 16/7/1999), tại thành phố La Paz (Cộng hòa Bolivia), Hà Nội vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hoà bình”. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những thành tựu nổi bật của Thủ đô Hà Nội trong quá trình đổi mới cũng như khát vọng về hoà bình của nhân dân Việt Nam. Thành phố hơn 1.000 năm tuổi đang mỗi ngày một đổi thay.
Trong 15 năm hành động vì hòa bình, quy hoạch và xây dựng luôn là lĩnh vực được thành phố chú trọng và đi trước một bước. Việc xây dựng đô thị được định hướng hợp lý, phù hợp với yêu cầu của người dân và đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Nhiều chỉ tiêu, tiêu chí đã được đặt ra, trong đó lồng ghép việc bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển văn hóa, giáo dục, nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị. Những nỗ lực này đã mang lại nhiều thành tựu cho Thủ đô Hà Nội.
Cách đây không lâu, TS, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.Hà Nội cho báo chí biết: “Phát triển đô thị của Hà Nội đã đạt được tốc độ lớn và có chất lượng. Hiếm có đô thị nào trong 9 năm có hơn 260 dự án khu đô thị, đưa 13.000ha đất vào trong phát triển đô thị. Sau khi mở rộng địa giới, chúng ta lại đạt được những thành tựu vượt bậc hơn nữa. Trong bối cảnh chung, kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng, Hà Nội vẫn gấp 1,5 lần so với cả nước. Các thành phần kinh tế khác cũng phát triển. Đặc biệt, phát triển nông thôn mới, Hà Nội là một trong những đô thị mở rộng địa giới nhưng rất chú trọng nông thôn mới”.
Một trong những tiêu chí cốt yếu của “Thành phố vì hòa bình” theo quan điểm của UNESCO là phải đạt được những thành tựu đáng kể trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục thế hệ trẻ. Thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, coi đó như một trọng điểm ưu tiên trong chính sách phát triển. Hà Nội hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, trung học phổ thông; 100% xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục tiểu học cho trẻ đúng độ tuổi; 83% đối tượng trong độ tuổi hoàn thành phổ cập trung học phổ thông…
Một chuyên gia về giáo dục cho rằng, chất lượng và hiệu quả của sự nghiệp giáo dục hiện nay là điều kiện quan trọng để giúp thế hệ trẻ chuẩn bị tốt hành trang tri thức và văn hóa để kiến tạo tương lai của Thủ đô và đất nước. Thành phố Hà Nội cần đề cao và thực hành có hiệu quả hơn nữa nguyên tắc “nêu gương, làm gương” trong giáo dục nhân cách và lối sống của công dân Thủ đô, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Thành phố cũng cần phát huy vai trò của các trường đại học và các viện nghiên cứu, của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, đóng góp có hiệu quả hơn vào sự nghiệp phát triển kinh tế tri thức và cải thiện diện mạo văn hóa Thủ đô.
15 năm qua, Hà Nội vẫn là Thủ đô duy nhất trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương được nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Đó là vinh dự, là động lực và cũng là thách thức lớn. Chính quyền thành phố với phương châm: “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” đang từng bước xây dựng Thủ đô theo quy hoạch đã đề ra đến năm 2030, tầm nhìn 2050 để Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, để nhân dân có cuộc sống thanh bình, ngày càng sung túc.
Làm được như thế cũng là thực hiện mục tiêu của UNESCO: Xây dựng đô thị, giữ gìn môi trường sống, thúc đẩy phát triển văn hóa giáo dục, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ và sự bình đẳng trong cộng đồng. Hà Nội mãi mãi xứng đáng với sự tin yêu của bạn bè thế giới đã vinh danh Thủ đô Hà Nội là “Thành phố vì hòa bình”.