Thanh Hà, Hải Dương: Tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, kiên trì tạo “lối đi riêng”

(PLVN) - Nằm ở phía đông Nam tỉnh Hải Dương, thuộc vùng trọng điểm kinh tế Đông Bắc Bộ, nhưng dường như huyện Thanh Hà nằm ngoài guồng quay của làn sóng công nghiệp hóa, đô thị hóa đang diễn ra chóng mặt. Nơi đây quanh năm xanh ngát, màu xanh của cây trái. Người dân ở đây không những sống được bằng nông nghiệp mà họ đã làm giàu nhờ xuất khẩu trái cây và làm du lịch sinh thái.
Vào mùa thu hoạch vải, Thanh Hà đẹp như một bức tranh.

Tiểu “miền Tây” của Hải Dương

Thanh Hà được thiên nhiên ưu đãi, với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên đặc biệt. Xuôi theo hai bờ sông Hương các xã: Thanh Xá, Thanh Khê, Thanh Thủy, Thanh Sơn,... là thủ phủ của quả vải thiều Thanh Hà. Diện tích trồng vải của Thanh Hà lên tới hơn 3.200ha (chiếm gần 1/4 diện tích tự nhiên của toàn huyện). Đây cũng là nơi có cây vải tổ gần 200 năm tuổi, cái nôi của quả vải thiều Việt Nam. Hiện nay vải cũng là loại cây chủ lực tạo nên thương hiệu Thanh Hà nổi tiếng cả nước và đã được cấp giấy bảo hộ độc quyền Chỉ dẫn địa lý.

Tiếp đó là các xã: Liên Mạc, Thanh Xuân, Tân Việt, Cẩm Chế, Thanh An, Thanh Lang… là vùng trồng ổi có diện tích lớn nhất Việt Nam, với gần 2.000ha. Ngoài ra, còn phải kể đến vùng trồng bưởi đào gần 200ha ở xã Thanh Hồng cũng là một loại cây đặc sản của vùng đất phù sa màu mỡ này. Bưởi đào ở Thanh Hồng cũng đã được cấp giấy bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu tập thể.

Do phù sa bồi tụ không đều nên địa hình thổ nhưỡng của Thanh Hà không bằng phẳng. Riêng 4 xã khu Hà Đông gồm: Thanh Quang, Thanh Cường, Thanh Hồng, Vĩnh Lập trũng hơn, có nhiều đầm, hồ, ruộng bãi rất thấp, lại gần hạ lưu, chịu ảnh hưởng trực tiếp của thuỷ triều lên xuống hàng ngày, do đó đã tạo thành một vùng sinh thái nước lợ đặc biệt phong phú. Nhiều loại thuỷ sản được mệnh danh là đặc sản nổi tiếng: Tôm rảo, cà ra, rươi, rạm, cáy,...; đặc biệt rươi, cáy đã được cấp nhãn hiệu tập thể “Rươi Thanh Hà”, “Cáy Thanh Hà”.

Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái

Với những ưu thế đó, UBND tỉnh Hải Dương vừa quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, định hướng phát triển của huyện Thanh Hà trong tương lai với các ngành kinh tế chủ đạo là: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm; đô thị sinh thái gắn với dịch vụ thương mại... Địa phương sẽ là vùng có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa phía Đông Nam của tỉnh Hải Dương, đầu mối giao thông trung chuyển, giao lưu kinh tế - xã hội của tỉnh với thành phố Hải Phòng.

Bên cạnh đó, quy hoạch chung đô thị mới Thanh Hà (thị trấn Thanh Hà mở rộng), đến năm 2045 cũng đã được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt.

Trong đó, đô thị mới Thanh Hà (thị trấn Thanh Hà mở rộng) sẽ được xây dựng thành 1 trong 5 đô thị vệ tinh hỗ trợ thành phố Hải Dương phát triển. Xây dựng đô thị theo hướng đô thị nông nghiệp trọng điểm chất lượng cao của tỉnh; Có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện và khu vực.

Khu vực trung tâm thị trấn được định hướng là khu vực hành chính, quảng trường, công viên trung tâm huyện và đô thị sinh thái.

Khu vực không gian phía Bắc sẽ khai thác thương mại dịch vụ du lịch sinh thái và cải tạo, chỉnh trang, mở rộng các công trình trung tâm thị trấn hiện hữu.

Khu vực không gian phía Tây thị trấn với định hướng là không gian phát triển nông nghiệp sạch áp dụng công nghệ cao.…

Đọc thêm