Hố sụt mới này xuất hiện vào tối ngày 2/11, thành hố phía bắc kết hợp mặt đường tạo thành một vách vòm hàm ếch. Ngoài ra, mặt đất xung quanh khu vực "hố tử thần" hiện có nhiều vết nứt chạy dài dạng chân chim và hướng vào nhà dân. Theo một cán bộ địa phương, nhiều khả năng trong vài ngày tới, hố mới có thể sụt thêm, nối thông với hố lớn ban đầu bởi việc hai miệng hố thông với nhau sẽ khiến phạm vi ảnh hưởng tăng lên. Các khoảng đất liền kề có thể sụt bất cứ lúc nào.
Trước đó trong quá trình khảo sát địa chất. Ngày 4/11, Sở TN&MT Thanh Hóa cho biết, đoàn công tác thuộc viện Mỏ - Địa chất và Tổng cục Mỏ - Địa chất và khoáng sản Bộ TN&MT cùng với Sở TN&MT Thanh Hóa tiến hành khảo sát, kiểm tra khu vực hố sụt lún. Qua đó, cơ quan chuyên môn cho hay đã phát hiện ra một hang động caster nằm gần nơi xuất hiện “hố tử thần”. Theo giải thích của đại diện sở TN&MT Thanh Hóa. Caster (Karst) là hiện tượng đá bị xâm thực, bào mòn do nước kết hợp đất theo thời gian tạo nên. Hiện tượng trên diễn ra trong lòng đất tạo nên những hang động, sông ngầm. Điều này thường thấy ở những vùng đá vôi. Hiện tượng Karst tạo nên những khung cảnh thiên nhiên kỳ thú như vịnh Hạ Long, động Phong Nha... Tuy nhiên, đôi khi nó cũng tạo ra nhiều nguy cơ như động đất, sụt lún...
Lo ngại trước những diễn biến bất thường có thể gây ra tác động xấu đến người dân. Ngày 1/11, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn chỉ đạo xã Quý Lộc khẩn trương di dời 6 hộ dân trong phạm vi ảnh hưởng của “hố tử thần”; lập rào chắn trong bán kính từ 10 – 15 m, tuyệt đối không để người dân đến gần hố sạt lở; đồng thời tuyên truyền để người dân trong khu vực biết về hiện tượng địa chất này, tránh gây tâm lý hoang mang trong dư luận. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng nghiêm cấm người dân khoan giếng dưới lòng đất, tạm dừng các hoạt động nổ mìn, khai thác đá trong phạm vi cách “hố tử thần” 500 m. Đồng thời, các cơ quan chức năng tiếp tục khảo sát, theo dõi diễn biến để có phương án xử lý hố sụt lún.
PLVN tiếp tục thông tin tới bạn đọc