Năng lực và tính hợp lý
“Có lẽ bất kỳ sinh viên kỹ thuật ở một trường đại học Việt Nam nào cũng có thể trả lời được liệu chúng ta có thể sản xuất được ốc vít đủ tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu thị trường hay không, nhưng chắc chắn rằng sẽ chẳng có DN nào sẵn sàng đầu tư để sản xuất ra một mớ ốc vít đạt chuẩn nhưng chẳng biết lắp vào đâu, dùng vào đâu…” - ông Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển DN khẳng định.
Theo ông Quân, có hai câu hỏi được đặt ra: Một là, có làm được không? Hai là, có nên làm không? Câu hỏi thứ nhất liên quan đến năng lực, câu hỏi thứ hai liên quan đến tính hợp lý. Lâu nay chúng ta thường bàn về khái niệm “năng lực” với cách hiểu chung chung, đôi khi mơ hồ. Nếu hiểu một cách kỹ lưỡng hơn, năng lực thể hiện trên hai phương diện là năng lực nhận thức /tri thức và năng lực hành động /kỹ năng” - ông Quân chia sẻ.
Ông Quân cũng cho rằng, câu chuyện về con ốc vít đã động chạm đến lòng tự ái của các nhà sản xuất công nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ tích cực, nó buộc chúng ta phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về những vấn đề bấy lâu nay các nhà công nghệ, quản lý, sản xuất, hoạch định chính sách không ít lần nhắc đến nhưng chưa thật sự trao đổi một cách nghiêm túc.
Cũng theo ông Quân, người Việt Nam nổi tiếng là khéo tay, sự tài hoa của người thợ thủ công Việt Nam từng làm xiêu lòng không chỉ bạn bè quốc tế... Thế nhưng, tham gia vào mạng lưới kinh tế toàn cầu, dường như “chiếc ốc vít - DN Việt Nam” chẳng biết lắp ghép vào đâu trong “cỗ máy kinh tế toàn cầu”. Những bàn tay tài hoa của người thợ thủ công Việt Nam dường như không thể tìm được “đất diễn” trong một hệ thống các công việc phức tạp, chi tiết được thiết kế một cách kỹ lưỡng đòi hỏi sự chính xác gần như tuyệt đối.
Chi tiết hay công nghệ?
Bkav - một DN “tay trắng” vốn được biết đến đầu tiên với phần mềm diệt virus đã phát triển được các sản phẩm công nghệ tiên tiến khẳng định chỗ đứng trên thị trường, với đội ngũ nhân viên lành nghề và các DN phụ trợ đều là DN Việt Nam. Ông Vũ Thanh Thắng – Phó Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ Bkav chia sẻ: “Tôi rất mong DN vươn lên, đạt được sản phẩm Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu”.
“Nếu chúng ta tham gia và sản xuất chỉ con ốc vít và hơn thế nữa thì chúng ta chỉ chạy theo đuôi chuỗi giá trị toàn cầu. Cho nên tôi khẳng định chúng ta thừa khả năng để sản xuất ốc vít, nhưng vấn đề là chúng ta có đáng làm hay không, có đúng sản phẩm then chốt hay không. Câu chuyện lại trở về việc lựa thế so sánh và lợi thế tương đối với sản phẩm mà DN lựa chọn trong chuỗi giá trị toàn cầu” - TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế khẳng định. Theo ông Ánh, trước khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu phải xác định chúng ta là ai, lựa chọn quan tâm sản phẩm nào trong chuỗi giá trị đó và tham gia vào đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu?
Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng mới đây một số DN Việt Nam đi tiên phong, mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu với thiết bị hiện đại và nhân lực trình độ cao để triển khai nghiên cứu phát triển những sản phẩm đạt đẳng cấp quốc tế cả về công nghệ, chất lượng và giá thành. Điều này cho thấy chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào năng lực DN Việt Nam có thể tự làm chủ công nghệ nguồn, đạt trình độ sản xuất không thua kém các nước tiên tiến trên thế giới…
“Để nhân rộng hơn nữa mô hình sản xuất thành công của các DN Việt Nam điển hình, cần có sự vào cuộc không chỉ của chính DN mà cần có sự sát cánh, hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước, các trung tâm, viện nghiên cứu trong việc giúp DN hình thành, phát triển các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh về tính mới, về chất lượng và giá thành dựa trên việc khai thác các lợi thế so sánh về nhân lực, tài nguyên và điều kiện tự nhiên của đất nước” - ông Lộc nói.