Thanh Hoá: Ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới phương pháp chỉ đạo điều hành

(PLVN) - Năm 2022 ngành Tư pháp Thanh Hoá cần tiếp tục đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành, nâng cao trách nhiệm, trình độ, đạo đức công vụ để tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện trong hoạt động tư pháp.
Thanh Hoá: Ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới phương pháp chỉ đạo điều hành

Vừa qua Sở Tư pháp Thanh Hoá đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 với nhiều nhiệm vụ trọng tâm cụ thể.

Năm 2021, Sở Tư pháp đã tham gia ý kiến 37 dự thảo văn bản của Trung ương, thẩm định 296 dự thảo văn bản của HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành; tham gia ý kiến 582 dự thảo văn bản của các sở, ban, ngành trước khi trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành; tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết, xử lý 318 vụ việc pháp luật.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Sở Tư pháp cũng đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tự kiểm tra 3.012 văn bản do UBND, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành. Kiến nghị ban hành mới, sửa đổi, bổ sung 3 văn bản; bãi bỏ 1 văn bản để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản dưới luật đang có hiệu lực thi hành.

Tham mưu UBND tỉnh ban hành 15 kế hoạch về công tác PBGDPL. Tổ chức 2 hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai các văn bản Luật mới ban hành cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện. Tổ chức thành công Cuộc thi “Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng, chống tham nhũng” với 92 báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tham gia cuộc thi. Toàn tỉnh có 11.000 lượt người tham gia Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND” với hơn 13.000 bài dự thi (xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố).

Sở đã phối hợp với Ban Dân tộc, Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, tổ chức 38 hội nghị tuyên truyền, PBGDPL. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố; các xã, thị trấn tổ chức được 3.496 cuộc tuyên truyền PBGDPL.

Ông Nguyễn Văn Thi, Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hoá trao Bằng khen của Bộ Tư pháp cho 1 tập thể và 2 cá nhân.
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hoá trao Bằng khen của Bộ Tư pháp cho 1 tập thể và 2 cá nhân.

Trong năm, các tổ chức giám định tư pháp đã thực hiện 4.582 vụ việc; tổ chức luật sư thực hiện 1.552 việc; tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng 156.430 hợp đồng, giao dịch; chứng thực 223.516 trường hợp; tổ chức hành nghề đấu giá tài sản đã tổ chức 754 cuộc đấu giá; các văn phòng thừa phát lại đã lập 168 vi bằng, tống đạt 2.048 văn bản; 2 tổ chức quản tài viên đã thực hiện 4 vụ việc; Trung tâm Trợ giúp pháp lý thực hiện 1.134 vụ việc...

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ công chức, viên chức và người lao động Sở Tư pháp đạt được trong công tác năm 2021. Đồng thời, đề xuất năm 2022 ngành ngành Tư pháp cần tiếp tục đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành, nâng cao trách nhiệm, trình độ, đạo đức công vụ để tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện trong hoạt động tư pháp.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực đăng ký, quản lý hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp. Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, tạo điều kiện để đẩy mạnh giải quyết các thủ tục đăng ký hộ tịch trên môi trường điện tử, kết nối chia sẻ dữ liệu hộ tịch cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác…

Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước ông Nguyễn Văn Thi đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho đồng Lê Hữu Viên, Phó Giám đốc Sở Tư pháp; trao Bằng khen của Bộ Tư pháp cho 1 tập thể và 2 cá nhân. Ngoài ra còn có 19 tập thể, 46 cá nhân được nhận Giấy khen của Giám đốc Sở Tư pháp vì đã thành tích xuất sắc trong công tác tư pháp năm 2021.

Đọc thêm