Thanh Hóa: Phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

(PLVN) -  Hiểu được những khó khăn trong hiểu biết kiến thức pháp luật của người dân miền núi, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh việc tuyên truyền PBGDPL cho đồng bào DTTS.
Các đại biểu tham dự hội nghị tuyên truyền PBGDPL cho đồng bào các thôn, bản đặc biệt khó khăn ở huyện Lang Chánh.

Thanh Hóa có 11 huyện miền núi nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, điều kiện môi trường sống và đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, việc hiểu biết kiến thức pháp luật hạn chế, dẫn đến nhiều thiệt thòi trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp, cũng như vô tình vi phạm pháp luật.

Những năm gần đây, huyện Lang Chánh đã và đang triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho Nhân dân ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. Việc tuyên truyền pháp luật được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, phong tục tập quán của từng dân tộc, từng vùng.

Hội nghị tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào DTTS tại huyện Lang Chánh.

Lang Chánh là huyện miền núi biên giới của tỉnh Thanh Hóa với dân số khoảng 52.600 người. Trong đó, đồng bào DTTS chiếm gần 90% sinh sống ở 78 thôn, bản, khu phố thuộc 10 xã, thị trấn.

Để việc tuyên truyền đạt hiệu quả cao, địa phương đã chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tuyên truyền PBGDPL có kỹ năng nghiệp vụ tốt, am hiểu pháp luật và biết tiếng đồng bào DTTS.

Nói về vấn đề này, bà Lê Thị Thiết – Trường Phòng Tư pháp huyện Lang Chánh cho biết: “Lang Chánh là huyện miền núi cao, điều kiện môi trường sống và đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, nên việc hiểu biết kiến thức pháp luật của người dân còn rất nhiều hạn chế, dẫn đến nhiều thiệt thòi trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp, cũng như vô tình vi phạm pháp luật.”

Công tác tuyên truyền PBGDPL cho đồng bào các thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023.

Năm 2023, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn huyện Lang Chánh giai đoạn 2022-2026” huyện đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền PBGDPL bằng nhiều hình thức.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm nay, huyện đã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức 16 hội nghị, với 1.284 đại biểu tham dự, tại cấp xã tổ chức 13 hội nghị, với 1.986 đại biểu tham dự về các nội dung như: Tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Triển khai Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác... giúp các đơn vị, cán bộ lâm nghiệp, các chủ cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn nắm rõ các quy định.

Cùng với đó, UBND huyện Lang Chánh đã phối hợp với các đơn vị tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền PBGDPL cho đồng bào các thôn, bản đặc biệt khó khăn huyện Lang Chánh năm 2023. Đã có 300 đại biểu thuộc các xã có thôn, bản đặc biệt khó khăn tham dự.

Bên cạnh những kết quả nổi bật của huyện Lang Chánh, huyện miền núi Như Thanh cũng được xem là “điểm sáng” trong tuyên truyền PBGDPL của tỉnh Thanh Hóa. Huyện đã kiện toàn Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), 100% thành viên viên đều có trình độ chuyên môn luật; các tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải viên cơ sở là những người có trình độ, kinh nghiệm thực tiễn, có uy tín trong thôn, bản và cộng đồng dân cư.

Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành đổi mới nội dung tuyên truyền pháp luật. Nội dung tuyên truyền đều được xây dựng đảm bảo tiêu chí ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ tác động trực tiếp tới nhận thức của người dân.

Hiện có 100% các xã, thị trấn của huyện Như Thanh được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó có 9 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền PBGDPL, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân được nâng lên, hạn chế những vi phạm pháp luật xảy ra, giúp người dân, các doanh nghiệp tự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình khi tham gia vào các quan hệ dân sự, hình sự.

Tại huyện Quan Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn huyện đã tổ chức 54 cuộc PBGDPL trực tiếp, thu hút 4.862 lượt người tham gia. Trong tháng 7 và 8, phòng Tư pháp đã phối hợp với các đơn vị tổ chức 5 hội nghị PBGDPL trực tiếp về công tác trợ giúp pháp lý cho vùng đồng bào DTTS & MN.

Hội nghị Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào các thôn, bản đặc biệt khó khăn ở Quan Sơn.

Nhờ áp dụng hình thức tuyên truyền phù hợp, nội dung sát thực tại các địa phương đã giúp cho người dân trên địa bàn huyện hiểu rõ và chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL đã được nâng lên.

Còn tại Thạch Thành, trong 9 tháng đầu năm UBND huyện đã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền PBGDPL và triển khai các văn bản luật mới ban hành cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện và tuyên truyền viên pháp luật cấp xã với 352 người tham gia.

Tăng cường tổ chức tập huấn, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý cho 410 đại biểu là các đối tượng đồng bào DTTS và người dân tại 2 xã Thạch Tượng và Thạch Quảng.

Ngoài tổ chức hội nghị, huyện Thạch Thành còn đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh ở các xã, thị trấn, thông qua các hội nghị của xã, thôn, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ. Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ xã, thôn, khu phố, người có uy tín, chức sắc tôn giáo và Nhân dân các xã, thị trấn vùng DTTS & MN.

Ở huyện Như Xuân có khoảng hơn 70 nghìn người sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 43%, dân tộc Thổ chiếm 14,5%, dân tộc Mường chiếm 5,5% và dân tộc Kinh chiếm 37%.

Với lượng lớn người dân đồng bào DTTS, huyện Như Xuân đã thực hiện công tác tuyên truyền một cách đa dạng hóa các loại hình PBGDPL, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, an toàn giao thông, tệ nạn xã hội, từng bước giảm số vụ về người vi phạm pháp luật.

Có thể nói, việc đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL cho đồng bào DTTS đã góp phần nâng cao nhận thức, hiệu quả công tác tuyên truyền cho cán bộ thôn, bản, người dân các huyện miền núi Thanh Hóa về các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Từ đó, đoàn kết tích cực lao động sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh - quốc phòng địa phương.

Đọc thêm