Ngày 3-1, Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hoá tổ chức hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Theo báo cáo trình bày tại hội nghị, năm 2019, ngành tư pháp tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức triển khai thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả các lĩnh vực công tác tư pháp, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng vào thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong đó, nổi bật là công tác xây dựng văn bản, tham mưu có hiệu quả công tác tham gia ý kiến, thẩm định văn bản của HĐND, UBND tỉnh. Sở Tư pháp đã tham gia thẩm định 100% văn bản QPPL trình HĐND, UBND tỉnh ban hành, bảo đảm kịp thời, chất lượng, khả thi khi thực hiện. Tham gia ý kiến 35 dự thảo văn bản của trung ương; thẩm định, tham gia ý kiến 329 dự thảo văn bản của tỉnh. Các văn bản thẩm định và tham gia ý kiến được chú trọng về thẩm quyền ban hành, nội dung, tính khả thi của văn bản… Sở đã tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh giải quyết, xử lý 221 vụ việc; tham gia ý kiến đối với 79 hồ sơ cưỡng chế giải phóng mặt bằng thuộc các hộ dân ở huyện Tĩnh Gia, TP Sầm Sơn…
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã được triển khai đầy đủ, kịp thời các luật mới được Quốc hội thông qua. Thực hiện có hiệu quả quy định về đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật, góp phần công nhận xã đạt chuẩn NTM bảo đảm thời gian. Năm 2019, Sở đã thẩm định hồ sơ công nhận 70 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Công tác bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp đã đáp ứng yêu cầu và phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của công dân. Đặc biệt, đối với hoạt động đấu giá tài sản, Sở đã triển khai có hiệu quả Luật Đấu giá Tài sản, hoạt động bán đấu giá, nhất là đấu giá quyền sử dụng đất. Trong năm, Sở đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh hoạt động bán đấu giá, đồng thời Sở trực tiếp ban hành một số văn bản hướng dẫn, xây dựng kế hoạch kiểm tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất tại 9 huyện. Trên địa bàn tỉnh hiện có 26 tổ chức hành nghề đấu giá với 33 đấu giá viên. Các tổ chức đã bán đấu giá thành 640 cuộc, trong đó tổng giá khởi điểm 4.152 tỷ đồng, bán tăng so với giá khởi điểm 932 tỷ đồng, thu phí 13,8 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 807 triệu đồng.
Đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 3 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua |
Công tác trợ giúp pháp lý có nhiều chuyển biến, tỷ lệ vụ việc tham gia tố tụng ngày càng cao. Năm 2019, Trung tâm đã thụ lý 705 vụ việc trợ giúp pháp lý, trong đó chủ yếu là các vụ việc tham gia tố tụng. Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, Sở Tư pháp đề ra các nội dung trọng tâm trên các lĩnh vực; đồng thời đề ra 6 nhóm giải pháp trọng tâm, gồm: Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó chú trọng xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, có tính khả thi cao, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, địa phương và chương trình công tác của ngành. Tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối làm việc; tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành công việc và thực hiện nhiệm vụ.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị, trong đó, nhiều ý kiến đã phản ánh thêm những vướng mắc trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ đối với tư pháp cơ sở; đồng thời đề xuất các kiến nghị, giải pháp để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ.
Nhân dịp này, có 3 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua theo chuyên đề “Cơ quan tư pháp địa phương thi đua siết chặt kỷ cương, tăng cường đoàn kết, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao năm 2019”. Có 19 tập thể, 60 cá nhân được nhận giấy khen của Giám đốc Sở Tư pháp vì đã thành tích xuất sắc trong công tác tư pháp năm 2019.