Ngày 15-7, UBND tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai, quán triệt một số văn bản pháp luật mới cho cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Ông Bùi Đình Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục (PHPBGDPL) pháp luật tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh; thành viên Hội đồng PHPBGDPL tỉnh. Tại các điểm cầu cơ sở có gần 1.400 đại biểu dự tại điểm cầu cấp huyện và hơn 3.200 đại biểu dự tại điểm cầu cấp xã.
Ông Bùi Đình Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp |
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lê Hữu Viên; Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Đình Tùng; Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Bá Cẩn lần lượt truyền đạt một số điểm mới quan trọng của các văn bản luật như: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 13-11-2020, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Luật bãi bỏ 3 điều, bổ sung mới 4 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành; sửa kỹ thuật 11/142 điều; sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều, trong đó 16 điều sửa đổi, bổ sung toàn diện, như: Sửa đổi bổ sung nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính; tăng mức phạt tiền tối đa của nhiều lĩnh vực giao thông đường bộ, phòng, chống tệ nạn xã hội…; bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực mới như tín ngưỡng, đối ngoại, cứu nạn, cứu hộ, an toàn thông tin mạng…; bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt; tăng thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính...
Những thay đổi này so với luật hiện hành đã đánh dấu một bước phát triển mới trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói riêng và trong hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung.
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 gồm 8 chương, 74 điều và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022. Luật có nhiều nội dung mới như: Bổ sung hình thức người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; Người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu bị ngược đãi, quấy rối tình dục; doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động phải có vốn từ 5 tỷ đồng; bổ sung thêm các hành vi bị cấm khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; bổ sung thêm danh mục các khu vực cấm đi làm việc ở nước ngoài; quy định cụ thể mức trần tiền dịch vụ….
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội Lê Đình Tùng triển khai Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. |
Với những quy định mới được bổ sung, Luật đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện chính sách, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của người lao động Việt Nam đi làm việc ngoài, bảo đảm hài hòa các quy định quản lý Nhà nước với việc thúc đẩy hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên cơ sở nguyên tắc của thị trường.
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021 với những điểm mới cụ thể, như: Bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV; Điều chỉnh, bổ sung một số đối tượng nguy cơ cao, được ưu tiên các biện pháp tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; Điều chỉnh, mở rộng sự tham gia của người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao được tham gia một số biện pháp phòng, chống HIV/AIDS; Luật hóa để quy định cụ thể các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV; Giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật…