Thanh lý tài sản của doanh nghiệp phá sản: Phát huy vai trò giám sát của cơ quan THADS

(PLVN) - Theo quy định của Luật Phá sản năm 2014, cơ quan THADS, Chấp hành viên có thẩm quyền giám sát Quản tài viên trong thực hiện thanh lý tài sản của DN phá sản. Tuy nhiên, Luật Phá sản chưa có quy định cụ thể nên khi thực hiện giám sát, cơ quan THADS, Chấp hành viên cần lưu ý một số vấn đề.
Hình minh họa

Đa dạng hình thức giám sát

Cụ thể, về thời điểm thực hiện giám sát, tại khoản 4 Điều 9 Luật Phá sản năm 2014 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản: “Giám sát hoạt động của Quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản”. Còn khoản 3 Điều 17 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan THADS: “Giám sát hoạt động của Quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản khi thực hiện thanh lý tài sản của DN, hợp tác xã phá sản; yêu cầu Quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản báo cáo việc thanh lý tài sản”.

Theo quy định này thì chức năng giám sát của Cơ quan THADS giám sát ở giai đoạn Quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản thực hiện thanh lý tài sản của DN, hợp tác xã phá sản. Còn Thẩm phán có chức năng giám sát toàn bộ hoạt động của Quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản cũng đồng thời giám sát cả khi thực hiện thanh lý tài sản của DN, hợp tác xã phá sản.

Như vậy việc giám sát một hoạt động được giao cho hai cơ quan thực hiện dẫn đến chồng chéo về thẩm quyền. Để giải quyết vướng mắc này, khoản 1 Điều 11 Thông tư liên tịch số 07/2018/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC quy định thời điểm Chấp hành viên thực hiện trách nhiệm giám sát hoạt động của Quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản trong việc thực hiện thanh lý tài sản của DN, hợp tác xã phá sản sau khi có văn bản yêu cầu Quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản tổ chức thực hiện thanh lý tài sản.

Về hình thức giám sát, khoản 1 Điều 11 Thông tư liên tịch số 07/2018/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC quy định: Chấp hành viên giám sát Quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản thông qua việc Quản tài viên, DN quản lý, thanh lý báo cáo Chấp hành viên. Như vậy, hình thức giám sát là trên cơ sở các báo cáo, hình thức của báo cáo rất đa dạng bảo đảm tính thời sự, nhanh chóng, linh hoạt trong việc thực hiện giám sát, cụ thể bao gồm báo cáo trực tiếp, thư bảo đảm, thư thường, thư điện tử, fax, telex… (khoản 2 Điều 49 Luật Phá sản).

Nhiều nội dung giám sát cụ thể

Về nội dung giám sát, theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ, khi tổ chức việc định giá tài sản theo quy định tại Điều 122 của Luật Phá sản, bán tài sản theo quy định tại Điều 124 của Luật Phá sản, Quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản báo cáo Chấp hành viên trong một số trường hợp.

Theo đó, khi thanh lý tài sản còn lại của DN, hợp tác xã thì Quản tài viên, DN quản lý thanh lý tài sản phải báo cáo Chấp hành viên trong việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá; thay đổi tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá; không lựa chọn được tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá, xử lý đối với các trường hợp bán đấu giá không thành.

Cụ thể, trước khi lựa chọn, thay đổi tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá, Quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản báo cáo Chấp hành viên. Nội dung báo cáo nêu rõ tài sản đưa ra thẩm định giá, bán đấu giá; tên, địa chỉ của tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá; lý do lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá. Nếu thay đổi tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá thì báo cáo phải nêu rõ lý do thay đổi.

Trường hợp không lựa chọn được tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá, Quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản phải báo cáo ngay Chấp hành viên. Trong báo cáo phải nêu rõ tài sản đưa ra thẩm định giá, bán đấu giá; quá trình lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá; lý do không lựa chọn được tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá. 

Trường hợp Quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản tham khảo ý kiến của cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn thì ngay sau khi nhận được các ý kiến tham khảo, Quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản báo cáo ngay Chấp hành viên kết quả. Nội dung báo cáo nêu rõ ý kiến của các cơ quan chuyên môn và nêu rõ mức giá mà Quản tài viên, DN quản lý thanh lý tài sản lựa chọn. 

Trước khi xác định giá của tài sản thanh lý, trong trường hợp tài sản thanh lý có nguy cơ bị phá hủy hoặc bị giảm đáng kể về giá trị, Quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản có văn bản báo cáo Chấp hành viên để cung cấp thông tin về tài sản được đưa ra xác định giá; lý do cần xác định giá; ý kiến của cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn về giá của tài sản thanh lý.

Ngay sau khi bán đấu giá tài sản không thành, Quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản cũng phải báo cáo Chấp hành viên để nêu rõ thông tin về tài sản đưa ra bán đấu giá; tên, địa chỉ của tổ chức bán đấu giá; quá trình bán đấu giá tài sản; lý do bán đấu giá tài sản không thành. Trước khi bán tài sản không qua thủ tục bán đấu giá, Quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản có văn bản báo cáo Chấp hành viên. Nội dung báo cáo nêu rõ tài sản bán không qua thủ tục đấu giá, căn cứ để không đưa ra bán đấu giá. 

Đọc thêm