Thanh niên luôn sẵn sàng khi Tổ quốc gọi

(PLO) - Để có được một đất nước tự do, hòa bình, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, lực lượng thanh niên đã đóng một vai trò quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến cứu nước. Trong thời bình, người trẻ cũng đã có nhiều hoạt động để tiếp nối truyền thống, thể hiện lòng yêu nước của mình.
Ông Nguyễn Đắc Vinh kịp thời biểu dương đoàn viên tiên tiến
Ông Nguyễn Đắc Vinh kịp thời biểu dương đoàn viên tiên tiến
Để hiểu hơn về lý tưởng tuổi trẻ hiện nay, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Đắc Vinh. 
Với tư cách là thủ lĩnh của thanh niên, ông đánh giá như thế nào về vai trò của thanh niên trong thời kỳ xây dựng đất nước hiện nay?
- Theo Nghị quyết 25 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Nhà nước với thanh niên, cũng theo ý Bác Hồ đã từng nói, thanh niên là rường cột của nước nhà, là chủ nhân tương lai của đất nước, lực lượng thanh niên chính là một trong những nhân tố quan trọng quyết định đến sự thành bại và thành công của sự nghiệp côn g nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là vinh dự nhưng cũng đồng thời là trách nhiệm của  người trẻ. Chúng ta cần phải nói ra để lớp trẻ ý thức được trách nhiệm của mình và làm tốt vai trò của bản thân. Nếu lớp trẻ làm tốt vai trò của mình với đất nước thì đất nước sẽ thịnh vượng và sung túc.
Thanh niên đã và đang đảm nhận vai trò rất quan trọng, chính là chủ nhân tương lai của đất nước. Ông có nhận định như thế nào về vai trò này của thanh niên?
- Đây là quy luật tự nhiên bởi con người ai cũng sẽ trải qua từng nấc thang trong cuộc đời. Tuổi trẻ thì năng động, sáng tạo, không sợ thử thách, làm nhiều sẽ có nhiều kinh nghiệm, đúc rút được nhiều bài học. Để đến khi trưởng thành sẽ chín chắn hơn, cẩn thận, có trách nhiệm cao hơn và sẽ đảm nhận những vai trò nhất định đối với công cuộc phát triển đất nước. 
Theo quy luật tự nhiên, trải nghiệm nhiều thì chúng ta sẽ tiến bộ. Khi có sự tiến bộ thì ngày mai ở một vị trí mới, một vai trò mới chúng ta sẽ phải làm tốt vai trò lãnh đạo, làm tốt việc truyền cảm hứng cho thế hệ đi sau. Cho nên mọi người nhắc nhở thanh niên là ở ý đó, rằng khi tuổi còn trẻ thì chịu khó mà học, mà rèn luyện.
Bác Hồ đã dạy phải học tập cho ngoan, rèn luyện cho tốt trở thành những công dân có ích. Những công dân có ích là trụ cột của nước nhà, chắc chắn nước nhà sẽ có những bước phát triển bền vững. 
Theo ông, kỳ vọng về việc “Sánh vai với cường quốc năm châu” như lời Bác Hồ dạy đã được người trẻ thực hiện đến đâu?
- Đây rõ ràng là một việc khá khó khăn bởi chúng ta đi, đang cố gắng bước những bước nhanh và mạnh nhưng thế giới người ta cũng đi, thậm chí người ta còn đi rất nhanh. Bản thân Đoàn cũng đã có rất nhiều cuộc hội thảo bàn về vấn đề này, để làm sao thanh niên có thể phát huy tốt nhất trí lực của mình. Hiện nay các nước đánh giá rất cao sự thông minh của tuổi trẻ Việt Nam, vậy tại sao sự phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam vẫn đi sau người ta. Người Việt Nam rất cần cù nhưng tại sao vẫn còn nghèo, vẫn khó khăn. Đây là những câu hỏi lớn được đặt ra rất nhiều lần và chúng ta phải giải quyết được câu hỏi này.
Chúng ta đã có chủ trương, chính sách và đường lối phát triển khoa học công nghệ nhưng bản thân người trẻ phải ý thức về việc đó như thế nào, phải phấn đấu, học hỏi, mở lòng, chịu khó đi đến các nước tiên tiến… cố gắng học hỏi, nắm bắt cơ hội, vận dụng thực tế đến đâu… Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta cần nêu cao tinh thần tập thể, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, tạo ra sức mạnh cộng đồng mới tạo ra sức bật bởi nếu mỗi người tự làm, tự thân thì khó phát triển được.
Một vấn đề nữa là nếu chỉ chăm chỉ thôi thì chưa đủ. Chúng ta nên nhìn sang những nước phát triển để thấy rằng họ không chỉ chăm chỉ mà còn biết làm mới, biết sáng tạo đổi mới tư duy trong từng công việc, từ nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu, học hỏi, tiếp thu cái mới thì sẽ có cơ hội phát triển mọi mặt của đất nước. Thách thức này thực sự là khó. Khó nhưng không phải là không thể làm. Thế hệ trẻ phải xác định chúng ta sẽ phải làm được, phải là nỗ lực, cố gắng rất lớn của nhiều thế hệ, người sau phải giỏi hơn người trước thì mới mong đáp ứng được kỳ vọng của Bác Hồ. 
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Đắc Vinh
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Đắc Vinh 
Hiện có nhiều ý kiến lo ngại rằng, lý tưởng của giới trẻ đã phai nhạt, lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc cũng không còn là thế mạnh trong mỗi thanh niên. Với tư cách là thủ lĩnh trẻ, ông có ý kiến gì trước những nhận xét này?
- Đúng, chúng tôi đọc được nhiều suy nghĩ và ý kiến này ở nhiều tầng lớp khác nhau. Nhưng quả thực, qua các sự kiện lớn của đất nước như Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam thì tất cả chúng ta đều thấy rằng, các bạn trẻ vẫn đang yêu nước, đang thể hiện tinh thần tự hào dân tộc mỗi khi Tổ quốc cần, vẫn đang thực hiện tinh thần “Đâu cần thanh niên có. Đâu khó có thanh niên” từng ngày, từng giờ. 
Bản thân Trung ương Đoàn cũng vẫn đang kêu gọi các bạn trẻ, yêu nước thì hãy cống hiến cho đất nước, từ những việc rất nhỏ như ứng xử với môi trường cho đẹp, đừng xả rác bừa bãi, phải tuân thủ nếp sống văn minh cho đến việc lớn lao như công tác an sinh xã hội, tổ chức đoàn thể tình nguyện.
Còn những người đi làm hãy thể hiện tinh thần thi đua yêu nước qua công việc, dạy tốt, rèn luyện tốt… từng người ở từng vị trí của mình làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình là đã thể hiện tinh thần yêu nước. Tôi tin rằng, tinh thần ấy luôn có sẵn trong trái tim của mỗi người Việt. 
Điều quan trọng là làm sao khơi gợi được lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc ở mỗi trái tim, mỗi trí óc, làm sao lòng yêu nước trở thành động lực để lớp trẻ phấn đấu vươn lên. Bản thân Đoàn đã có nhiều chương trình hành động phù hợp để khơi gợi tinh thần yêu nước trong mỗi đoàn viên thanh niên mà chương trình Tôi yêu Tổ quốc tôi là một ví dụ.
Chúng tôi vẫn đang ngày đêm thực hiện các phong trào giáo dục tinh thần yêu nước và bằng nhiều cách khác nhau để những truyền thống của dân tộc ngấm dần vào lớp trẻ. 
Trước ngưỡng cửa của thế giới hội nhập hiện nay, người trẻ có những cơ hội và thách thức gì, thưa ông? 
- Nhiều lắm, cơ hội và thách thức bao giờ cũng song hành với nhau. Với thế giới mở hiện nay, sự chia sẻ kiến thức, công nghệ mới chúng ta đều được tiếp nhận, phổ biến như các bạn trẻ năm châu chính là cơ hội nhưng chúng ta sẽ tiếp thu được những kinh nghiệm gì, chúng ta cải tiến, phát triển kiến thức đó ra sao lại là thách thức quá lớn. 
Cũng như thế giới cộng đồng mở ra những cơ hội hợp tác, cơ hội làm ăn lớn hơn nhưng cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải đối đầu với rất nhiều nguy cơ. Bản lĩnh của người trẻ cần phải được thể hiện trong sự hội nhập này. Người trẻ phải tiếp thu những giao tiếp thông minh, những văn hóa văn minh và tẩy chay các làn sóng văn hóa làm tha hóa, biến chất giới trẻ. Có như thế mới phát huy được hết tinh thần, trí tuệ của người trẻ. 
Đúng là hiện nay bản lĩnh của giới trẻ đang được khẳng định khá tốt trên các mặt trận văn hóa xã hội. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, một bộ phận giới trẻ đang có những xu hướng sẵn sàng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Theo ông, hiện tượng này có nguyên nhân từ đâu? 
- Thế giới mở đồng nghĩa với vô số nguy cơ, điều này không thể chối cãi được. Phim ảnh, internet có tác động trực tiếp đến nhận thức của mỗi con người. Nói đơn giản, nếu chúng ta không nhìn thấy nó, không bị tác động thì sẽ không xuất hiện trong đầu óc mỗi chúng ta nhưng nếu thấy những hình ảnh không tốt quá nhiều thì lẽ dĩ nhiên, chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nguyên nhân khác, theo tôi, đó là do kích thích của ma túy, rượu, bia… Còn một nguyên nhân khá lớn khác, chính là hiện nay đang thiếu các sinh hoạt cộng đồng. 
Trước đây người ta cởi mở hơn, sống vì cộng đồng hơn. Trong cộng đồng những giá trị tốt được đề cao, những biểu hiện xấu thường được cộng đồng uốn nắn rất kịp thời. Bây giờ sân chơi ít, tính cá thể từng gia đình rất cao, hoạt động sinh hoạt cộng đồng cũng ít đi, tính cá thể phát triển thành cá nhân, một số bộ phận sẽ có những suy nghĩ lệch chuẩn, phát triển theo hướng không tốt.
Lại thêm việc quan tâm của gia đình ít đi vì áp lực công việc lớn, điều kiện chăm lo cho con cái khó khăn hơn. Thêm vào đó có thể là do thiếu việc làm bởi khi không có việc làm, không có thu nhập, một phận trong đó dễ bị ảnh hưởng tiêu cực và những hành động tiêu cực tất yếu sẽ nảy sinh. 
Nhìn nhận là tổng thế, giải pháp là toàn diện, phía Đoàn cũng nhìn thấy việc đó và tham gia phần của mình. Chúng tôi thực hiện các phong trào sinh hoạt tập thể, truyền cho nhau những giá trị tốt. Trong bộ phận thanh niên tiên tiến, phong trào có tác dụng rất nhiều nhưng chúng tôi không bỏ quên đối tượng là các thanh niêm chậm tiến. 
Những hoạt động dành cho họ khá nhiều như Câu lạc bộ thắp sáng niềm tin, cai nghiện, tổ chức lớp mô hình đơn giản như rửa xe, may vá… giúp các bạn trẻ chậm tiến hoặc các bạn thanh niên vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, làm lại cuộc đời…
Dù sự tham gia của những đối tượng này chưa nhiều nhưng tôi tin, cùng với bản lĩnh của các bạn đoàn viên, việc cảm hóa sẽ chỉ là vấn đề thời gian.
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Đọc thêm