70 năm và khí thế một thời còn mãi
Có mặt tại nhà cụ Bùi Danh Châu (SN 1923) nguyên là Ủy viên Quân sự Ủy ban Kháng chiến xã Thanh Thủy (tức Nam Thanh, Nam Đàn) thời kỳ năm 1945, dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ánh mắt vẫn sáng rực khi nhắc lại những năm tháng kiên cường đó. Cụ Châu kể, bố cụ là liệt sỹ Bùi Danh Bích, nguyên Huyện ủy viên huyện Nam Đàn, ngày 12/5/1931 bị địch bắn chết, lớn lên đã mang trong lòng căm thù giặc, nung nấu một ý chí trả thù giặc đã giết chết bố mình và giải phóng quê hương khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp.
Thời thanh niên, Bùi Danh Châu tham gia tổ chức thanh niên Phan Anh (là Đoàn Thanh niên Tiền tuyến - còn gọi là Thanh niên Phan Anh, Thanh niên Xã hội) của một số thanh niên trí thức trong vùng. “Hồi đó không biết tổ chức Phan Anh là một tổ chức của Việt Minh, những hoạt động định hướng thanh niên yêu nước hoạt động cách mạng, sau này được giải thích mới hiểu…”, cụ nói. Cụ Châu nhớ lại, tháng 12/1944, đồng chí Trần Văn Quang (Chính ủy Quân khu 4) về bí mật tổ chức gặp mặt một số thanh niên trí thức yêu nước trong địa phương để tuyên truyền về tình hình chiến sự cũng như hoạt động cách mạng; đồng thời giải thích về việc “Nhật là kẻ thù số 1 của Đông Dương”, hiểu rõ được định hướng của Cách mạng nên các thanh niên yêu nước thêm tinh thần tích cực hoạt động.
Lúc đó, cụ Bùi Danh Châu đang phụ trách lực lượng thanh niên của Ủy ban Khởi nghĩa Thanh Thủy. “Ngày 14/8 bắt được điện của Trung ương với nội dung “chuẩn bị cướp chính quyền nếu điều kiện có thể”, lập tức Ban Chấp hành Việt Minh họp bí mật tại chùa Viên Quang để chuẩn bị công tác cướp chính quyền. Nhận định hệ thống bang tá, hương lý, cường hào ở Thanh Thủy đang rất hoang mang, dao động, lính khố đỏ, khố xanh của Pháp bỏ ngũ về địa phương sẵn sàng tham gia các lực lượng vũ trang của cách mạng, lòng căm thù của nhân dân cũng đã dâng lên đến tột độ, đây là thời cơ tốt nhất để giành chính quyền”.
Ánh mắt cụ rực sáng khi nhắc đến ký ức này: “Ngày 16/8, toàn bộ nhân dân Thanh Thủy đồng loạt nhất tề đứng lên kéo đến trụ sở ủy ban cướp chính quyền, rồi kéo quân đến nhà các lý trưởng, cường hào để bắt giữ những đối tượng này cướp tài sản về tay nhân dân…”. Thanh Thủy giành được chính quyền và thành lập Ủy ban Khởi nghĩa thì ông là Ủy viên Quân sự.
93 tuổi nhưng đôi mắt cụ Châu vẫn luôn rực sáng khi nhớ về ngày cướp chính quyền. |
Tự hào mảnh đất anh hùng trên quê hương Bác
Thanh Thủy là đơn vị đầu tiên cướp chính quyền thành công từ thực dân Pháp về tay nhân dân nên vẫn hơi lo lắng. Những người đứng đầu chính quyền lâm thời lúc bấy giờ đã ban hành lệnh giới nghiêm với việc “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Theo cụ Châu: “Vì chính quyền mới về tay nhân dân, đóng tại đình Đức Nam, nhưng do chính quyền còn non trẻ, sợ bị thực dân Pháp tổ chức cướp lại nên đã ban hành lệnh giới nghiêm. Nếu có kẻ lạ mặt xuất hiện thì lập tức vây bắt”. Thời điểm đó, có hai tên lính Nhật mang theo súng ngắn vào làng, nhân dân đã kéo đến rất đông để vây ráp đối tượng. Tuy nhiên, hai tên lăm lăm tay súng sẵn sàng đáp trả nếu có ai đó tấn công. Sau một lúc vây hai tên địch giữa cánh đồng, anh Năm Cẩn tay không xông vào khống chế được một tên, tên còn lại chưa kịp chống trả thì bị người dân lao vào vây bắt.
Sau xã Thanh Thủy, các địa phương khác trong tỉnh lần lượt nổi lên đấu tranh giành chính quyền: Ngày 17/8, các làng Yên Dũng, Lộc Đa ở ngoại thành Vinh; ngày 18/8 huyện Quỳnh Lưu; ngày 21/8 là thành phố Vinh và huyện Diễn Châu... Đến ngày 23/8, nhân dân huyện Nam Đàn mới nhất tề đứng dậy gương cao cờ đỏ sao vàng kéo đến thị trấn Sa Nam giành chính quyền ở huyện.
Ngày 2/1/1946, thanh niên Bùi Danh Châu được vinh dự kết nạp vào hàng ngũ của Đảng bộ Thanh Thủy, được cử đi học lớp đảng viên mới, trở về đảm nhận chức vụ Bí thư Đảng bộ xã; năm 1946 được điều lên Ban Tuyên huấn huyện Nam Đàn; năm 1947 về giữ chức vụ Chủ tịch xã… Năm 1950 ông tiếp tục đi bộ đội tham gia những trận đánh như Biên giới thu đông, Điện Biên Phủ trên không... mãi cho đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng năm 1975 mới phục viên trở về quê hương xây dựng kinh tế.
Ông Nguyễn Đình Cung, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Nam Thanh cho biết: “Quê hương luôn tự hào về một thế hệ cha ông đã dũng cảm, kiên cường nổi lên cướp chính quyền về tay nhân dân. Cụ Châu cùng nhiều bậc tiền bối, lão thành cách mạng khác của địa phương luôn là tấm gương để con cháu đời đời noi theo, phát huy truyền thống quý báu trong sản xuất kinh tế, xã hội…”.
Đã 70 năm trôi qua kể từ cái thời khắc lịch sử đó, hòa bình lập lại, Nam Thanh cũng là xã tiên phong trong sản xuất nông nghiệp và ổn định kinh tế. Tiếp nối truyền thống của cha ông, các thế hệ Nam Thanh hôm nay đang cố gắng xây dựng xã nhà có cuộc sống ấm no, đàng hoàng hơn./.