Thanh niên thời ChatGPT: Phụ thuộc công nghệ hay làm chủ công nghệ?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều người lo ngại rằng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ khiến người trẻ trở nên thụ động, mất đi sáng tạo. Tuy nhiên, kết quả là tích cực hay tiêu cực còn tùy thuộc vào bản thân mỗi người phụ thuộc công nghệ hay làm chủ công nghệ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thanh niên khởi nghiệp thời ChatGPT. (Ảnh N. T)

Thanh niên khởi nghiệp thời ChatGPT. (Ảnh N. T)

Người trẻ trước cuộc cách mạng công nghệ

Chỉ sau 2 tháng ra mắt, ChatGPT - một công cụ AI (trí tuệ nhân tạo) đã đạt được 100 triệu người dùng. Đến nay, công cụ này đã vượt mốc 10 triệu người dùng/ngày. Tại Việt Nam, cụm từ “ChatGPT”, “OpenAI” đã lọt top từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất.

Thời gian qua, nhiều bàn luận sôi nổi quay quanh chủ đề ChatGPT, đồng thời nhiều người cũng chia sẻ những trải nghiệm đầy mới mẻ khi sử dụng ứng dụng này. Ngoài những trải nghiệm vui được chia sẻ hàng loạt trên mạng như nhờ ChatGPT hướng dẫn “cách thức tỏ tình”, yêu cầu làm thơ viết văn hay nịnh nọt ai đó, thì nhiều người trẻ đã khám phá được những lợi ích từ công cụ ChatGPT. Với mỗi một công việc, nghề nghiệp, người trẻ có thể tìm kiếm ở ChatGPT sự trợ giúp “đáng ngạc nhiên”.

Sau một thời gian trải nghiệm ChatGPT, bạn Nguyễn Kim Hạnh (25 tuổi), nhân viên marketing của một công ty phân phối thực phẩm tại TP HCM phát hiện ra ứng dụng này có thể đem đến nhiều hữu ích cho công việc của mình. Kim Hạnh cho biết, công việc của cô là mỗi ngày viết nội dung ngắn cho sản phẩm, đăng kèm hình ảnh lên Fanpage của công ty. Tuy nhiên, vì sản phẩm rất nhiều, tần suất đăng dày đặc nên đôi khi cô gái trẻ này bị “bí” ý tưởng.

Kim Hạnh đã thử “mượn” ý tưởng từ ChatGPT bằng cách nhập mô tả, tính năng của sản phẩm và yêu cầu công cụ này viết một bài quảng cáo ngắn gọn về sản phẩm. Kết quả, ChatGPT đã cho ra những bài quảng cáo không phải là hoàn chỉnh, nhưng mang những ý tưởng mới mẻ mà nhân viên marketing có thể chỉnh sửa để sử dụng.

Một số bạn trẻ khác đã dùng ChatGPT để làm những văn bản đơn giản, lấy ý tưởng cho các tiểu luận, rà lỗi ngữ pháp, hỗ trợ cho việc tự học và nghiên cứu tiếng Anh... Tại một số trường học, ChatGPT đã được nhiều sinh viên phục vụ như một công cụ hỗ trợ học tập. Ứng dụng này được dùng như một trợ lý cá nhân ảo để trả lời các câu hỏi về kiến thức môn học khi không có sự hướng dẫn của giáo viên.

Đáng ngạc nhiên, ChatGPT còn có thể hỗ trợ những công việc có tính “chuyên môn cao” như lập trình, viets code. Một số lập trình viên đã dùng ChatGPT thử viết nội dung tự động cho website, mạng xã hội, sửa code cơ bản, xử lý những lỗi sai của đoạn mã lập trình,…

Theo đánh giá của nhiều người dùng, ChatGPT là một công cụ “đa năng”, ngoài những khả năng mang tính giải trí như trả lời câu hỏi, chuyện trò, viết văn, làm thơ, dựng kịch bản, soạn nhạc, thiết kế, viết thư, công cụ này còn có thể cung cấp thông tin đa dạng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: khoa học, lịch sử, địa lý, thể thao…

Các chuyên gia đưa ra nhận định, ChatGPT sẽ khởi đầu một cuộc cách mạng về công nghệ và nhiều lĩnh vực khác, thay đổi rất nhiều thói quen, cách thức làm việc và tư duy của nhân loại.

Tất nhiên, ChatGPT cũng chỉ là một trong số nhiều sản phẩm công nghệ đã góp phần làm thay đổi thế giới. Trước đó, những công cụ như tìm kiếm Google, các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Youtube... mỗi khi ra mắt đã trở thành những cuộc “bùng nổ” về công nghệ, góp phần làm thay đổi cuộc sống của nhân loại.

Đặc biệt, thế hệ trẻ là thế hệ dễ dàng, nhanh chóng thích ứng và hấp thu những tiện ích mà các sản phẩm công nghệ mang đến. Họ là những người dùng tiên phong, cũng là những “khách hàng” đông đảo nhất của các nhà sáng tạo công nghệ. Bản thân người trẻ, trong quá trình sử dụng công nghệ, cũng đồng thời đóng góp sự sáng tạo của mình khiến các sản phẩm công nghệ ngày càng trở nên hoàn thiện và phổ biến hơn. Nhiều người trẻ còn dựa vào những nền tảng sẵn có để phát triển thêm những sản phẩm mới, cho ra đời nhưng ứng dụng mới phục vụ cho nhân loại.

Làm chủ công nghệ để phát huy sáng tạo

Quay lại với câu chuyện về ChatGPT, sau thời gian đầu được sử dụng như một ứng dụng “trào lưu”, để “mua vui”, thì hiện nay, nhiều người trẻ đã bắt đầu khám phá ra những tính năng cực kì hữu ích của công nghệ này để phục vụ cho công việc.

Tuy nhiên, đó đây, đã có những hệ lụy do sự phụ thuộc công nghệ mang lại. Trên thế giới, một số nơi đã bắt đầu cấm sinh viên sử dụng ChatGPT vì sinh viên có dấu hiệu dùng công cụ này thay cho chất xám bản thân. Tại Việt Nam, hiện nay việc học sinh, sinh viên sử dụng ChatGPT để viết bài tiểu luận ngắn bằng tiếng Việt hay tiếng Anh, rà lỗi chính tả, ngữ pháp khá phổ biến. Song, việc phụ thuộc quá mức vào công cụ này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Với sinh viên, học sinh, nó sẽ tạo ra thói quen ỷ lại, lười phân tích, tổng hợp dữ liệu. Từ đó làm giảm khả năng tư duy của các em. Với người trẻ nói chung, việc sử dụng “chất xám” từ ChatGPT cũng làm giảm đi khả năng sáng tạo, sự phụ thuộc công nghệ, lười suy nghĩ. “Bắt” ChatGPT suy nghĩ thay mình cũng là một dạng “ăn cắp chất xám”, tạo thói quen xấu trong tư duy. Và hiện nay, ChatGPT cũng chưa phải là một sản phẩm hoàn chỉnh, vẫn còn cung cấp nhiều kiến thức sai lệch. Dùng ChatGPT như “cứu tinh” mà không kiểm tra, rà soát kĩ lưỡng, người dùng cũng dễ gặp phải những “tai nạn” không đáng có trong công việc.

Phụ thuộc công nghệ không phải câu chuyện của chỉ riêng ChatGPT. Trước khi ChatGPT ra đời, học sinh, sinh viên và người trẻ nói chung vẫn sử dụng Google để tìm gợi ý, hoặc website, văn bản tham khảo cho chủ đề muốn nghiên cứu, tìm thông tin cho các dự án công việc của mình. Cũng đã không ít trường hợp “ăn cắp chất xám”, “đạo sáng tạo” diễn ra, bằng cách cắt ghép, tổng hợp thông tin.

Đã có những bài luận văn, nghiên cứu khoa học bị phát hiện lấy cắp từ tài liệu trong nước hoặc nước ngoài. Cũng đã từng có những người làm nghề dịch thuật sử dụng công cụ “Google dịch” thay cho sự tư duy của bản thân. Rồi hiện tượng lấy thơ trên mạng phổ nhạc, lấy hình trên mạng không ghi nguồn... liên tục diễn ra. Có một thời, người ta coi Google như một cái kho khổng lồ, miễn phí, “ai muốn thì dùng”, biến của người thành của mình, tạo ra biết bao nhiều hệ lụy không hay về mặt sáng tạo lẫn vi phạm pháp luật.

Thời gian qua, bên cạnh ChatGPT, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra những sản phẩm sáng tạo chuyên nghiệp cũng khiến cả thế giới ngỡ ngàng. Người ta có thể dùng AI để vẽ ra những bức tranh tuyệt mĩ, dùng AI để thiết kế nên những công trình vĩ đại, hay những chiếc ô tô, điện thoại có tính mỹ thuật cao, những sản phẩm thời trang độc đáo... Điều này cũng làm dấy lên mối lo rằng trong tương lai, trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người trong mọi công việc, và sẽ dẫn đến sự “thất nghiệp hàng loạt” của giới trí thức, người làm nghề sáng tạo.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã khẳng định rằng, thực tế, cuộc cách mạng công nghệ và sự ra đời của những sản phẩm trí tuệ nhân tạo không nhằm làm ngưng trệ chất xám của con người. Mà con người chính là chủ của công nghệ, dùng công nghệ tạo ra chất lượng cuộc sống, kiến tạo tương lai. Trong sự tương tác với công nghệ, với trí tuệ nhân tạo, trí tuệ con người vẫn là trung tâm, con người vẫn phải và luôn luôn là “người điều khiển” công nghệ.

Chính vì thế, thanh niên thế hệ “ChatGPT”, điều cần làm không phải là dựa vào trí tuệ nhân tạo để bớt tư duy, mà là học cách để thích ứng, để sống chung với công nghệ, sử dụng và phát huy công nghệ một cách tốt nhất, “đứng trên vai người khổng lồ” để ngày càng tăng cường và phát huy sức sáng tạo, đưa trí tuệ nhân loại đến tầm cao mới.

Nói về ChatGPT, TS. Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC nhận định: “ChatGPT sẽ không thể thay thế được hoàn toàn con người. ChatGPT có thể tăng năng suất lao động, giảm bớt nguồn nhân lực. ChatGPT dù có thể đưa nội dung nhưng không có tính sáng tạo nên luôn cần những ý tưởng. Ngoài ra, vì thông tin cần người kiểm chứng nên vẫn cần yếu tố con người”.

Quả thật bản thân ChatGPT là ứng dụng có thể phân tích kho dữ liệu online một cách có hệ thống và tự nâng cao kiến thức nhưng phải thông qua quá trình tương tác với người dùng. Do đó, cũng giống những ứng dụng khác, con người vẫn phải quan sát và điều chỉnh nội dung ChatGPT chứ bản thân ứng dụng công nghệ không thể tự vận hành một mình được.

Đọc thêm