Thành phố Hồ Chí Minh: Đẩy nhanh tiến độ giải quyết đối với án tín dụng ngân hàng tồn đọng

(PLVN) -Để nâng cao hiệu quả việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn Thành phố HCM, Cục Thi hành án dân sự Thành phố đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp.

Trước tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, tốc độ phục hồi kinh tế chậm, thị trường bất động sản trầm lắng là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng tăng lên, đã tạo ra áp lực và thách thức không chỉ cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng mà còn cho cả tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) . Nhận thức được tầm quan trọng trong việc thu hồi các khoản nợ theo các bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực thi hành, hàng năm Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp đều chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự địa phương đặc biệt quan tâm tổ chức thi hành những vụ việc liên quan đến án tín dụng, ngân hàng

Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) công tác THADS liên quan đến án tín dụng, ngân hàng luôn được lãnh đạo Cục THADS quan tâm chỉ đạo thường xuyên, tuy nhiên kết quả đạt được vẫn còn rất hạn chế. Năm 2022, số việc phải giải quyết là 4.689 việc, tương ứng với số tiền trên 18.354 tỷ đồng trong đó đã giải quyết được 292 việc với số trên 1.709 tỷ đồng đồng đạt tỉ lệ 15,42% về việc và 19,48% về tiền. Năm 2023, số việc phải giải quyết 5.423 việc, tương ứng với số tiền trên 24.785 tỷ đồng, trong đó, kết quả đã giải quyết được 370 việc với số tiền trên 3 tỷ ngàn đồng, đạt tỷ lệ 15,69% về việc và 23,03% về tiền. Như vậy có thể thấy, tiến độ giải quyết đối với án tín dụng ngân hàng còn chậm, chưa đạt theo tiến độ chung. Việc xử lý các tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, ngân hàng vẫn chưa đảm bảo về thời hạn theo luật định.

Nguyên nhân là do một số trường hợp hiện trạng tài sản thế chấp không phù hợp, có sai lệnh nhiều về diện tích giữa thực tế so với giấy chứng nhận quyền sở hữu; hiện trạng tài sản thế chấp bị thay đổi, xây dựng cơi nới thêm không giấy phép hoặc phá vỡ... dẫn đến việc xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án mất nhiều thời gian xác minh xử lý ảnh hưởng đến tiến độ thi hành án. Cùng với đó, hầu hết những vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng đều phải kê biên, xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, nhà đất có giá trị lớn. Trong khi đó tâm lý của người dân vẫn còn e ngại đối với việc mua tài sản thi hành án thông qua tổ chức bán đấu giá, tình trạng thị trường bất động sản đóng băng. Do vậy, nhà đất bán đấu giá không có người mua, tài sản phải giảm giá nhiều lần mới bán được dẫn đến việc thi hành án phải kéo dài. Trình tự, thủ tục xử lý tài sản (nhất là thủ tục xử lý bất động sản) còn khá phức tạp mất nhiều thời gian, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả giải quyết thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Ngoài nguyên nhân khách quan cũng vẫn còn tồn tại một số nguyên nhân chủ quan như: việc ủy thác thi hành án, ủy thác xử lý tài sản giữa các cơ quan và việc phối hợp giữa các cơ quan thi hành án còn chưa kịp thời; sự phối hợp của một số Chi nhánh Ngân hàng với cơ quan THADS nơi tổ chức thụ lý thi hành vụ việc chưa chặt chẽ, Ngân hàng chậm hoặc không đồng ý bàn giao bản chính giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp để cơ quan thi hành án thực hiện việc kê biên, bán đấu giá tài sản theo khoản 1 Điều 111 Luật THADS...

Để nâng cao hiệu quả việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn Thành phố, Cục Thi hành án dân sự Thành phố đã chỉ đạo triển khai thực hiện những giải pháp trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới như sau:

Đối với các cơ quan THADS và Chấp hành viên: triển khai và thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan có thẩm quyền khác liên quan đến công tác thi hành án dân sự nói chung và các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng nói riêng; nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ Chấp hành viên trong tổ chức thi hành các vụ việc được giao, đặc biệt lưu ý đến quy định về thời hạn, tránh để hồ sơ kéo dài, chậm đôn đốc, giải quyết. Chủ động tự rà soát, kiểm tra hồ sơ tổ chức thi hành án của Chấp hành viên để kịp thời chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc có điều kiện thi hành án hoặc khắc phục ngay các sai sót trong quá trình tổ chức thi hành án, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo. Duy trì việc tổ chức đối thoại giữa Chấp hành viên. Tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý và tổ chức thi hành án.

Đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng: phải kiểm tra chặt chẽ hồ sơ pháp lý của tài sản thế chấp khi cho vay; trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng, giải quyết tranh chấp và thi hành án, Ngân hàng phải thường xuyên kiểm tra hiện trạng tài sản thế chấp để tránh trường hợp khách hàng thay đổi hiện trạng tài sản sẽ gây khó khăn cho việc tổ chức thi hành án về sau; xác định rõ quan điểm và trách nhiệm khi tham gia giải quyết việc thi hành án đó là trách nhiệm chung, là sự phối hợp, hỗ trợ để cùng nhau xử lý các khoản nợ xấu của ngân hàng. Với việc thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, đồng thời cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành, tin rằng trong thời gian tới việc giải quyết thi hành án tín dụng ngân hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ từng bước được cải thiện./.

Đọc thêm