Năm 2023, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen nhưng với sự đoàn kết, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, Nhân dân trên địa bàn nên tình hình kinh tế - xã hội (KT- XH) của TP Huế tiếp tục chuyển biến tích cực, 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Đáng chú ý, thu ngân sách đạt trên 100%; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng 12%, doanh thu du lịch đạt 4.585 tỷ đồng - đạt 186% so với năm 2022, tổng vốn đầu tư trên địa bàn tăng gần 11%. Các chỉ tiêu văn hóa - xã hội - môi trường duy trì tốt.
Ngoài ra, thành phố cũng tổ chức thành công Festival Nghề truyền thống Huế 2023 và nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội tầm cỡ khác; quốc phòng - an ninh được bảo đảm. Đặc biệt, công tác chỉnh trang đô thị được chú trọng với việc đầu tư, nâng cấp các trục chính, hai bờ sông Hương, đường liên xã liên phường, đường vào các khu di tích, lăng tẩm... tạo diện mạo đô thị Huế khang trang.
Trong năm 2023, thành phố đã triển khai 22 đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị; quy chế quản lý kiến trúc đô thị thành phố Huế; Chương trình thành lập 3 phường trên cơ sở 3 xã: Phú Dương, Phú Mậu và Thủy Bằng; Chương trình phát triển đô thị thành phố Huế đến năm 2023 và định hướng đến năm 2030. Thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư để ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Đồng thời, hạ tầng đã được đầu tư, nâng cấp làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống của Nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm đáng kể so với trước năm 2021,… tạo đà cho Huế phát triển năng động, sáng tạo, hội đủ điều kiện lõi trung tâm đô thị di sản đặc thù, đóng góp quan trọng vào việc nhận diện mô hình đô thị di sản đặc thù của thành phố Huế trong tương lai (bao gồm cả tỉnh Thừa Thiên Huế).
Trong năm 2024, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổ chức nhiều hơn nữa các lễ hội văn hóa chuyên nghiệp và quy mô, trọng tâm là các hoạt động hưởng ứng tại Festival Huế 2024 gắn với văn hóa Huế, con người Huế. Tiếp tục nghiên cứu để triển khai một số Đề án nhằm khai thác tốt tiềm năng phục vụ du lịch.
Cụ thể, thành phố Huế đã đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết (ưu tiên các phường, xã mới), chủ động điều chỉnh, đề xuất điều chỉnh các quy hoạch không phù hợp, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, phát triển kinh tế - xã hội; chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai, xây dựng và phát triển đô thị, xử lý môi trường; tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm: Di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế; dự án Cải thiện Môi trường nước thành phố Huế; chỉnh trang Công viên 2 bờ sông Hương; dự án chỉnh trang các tuyến đường trung tâm.
Đô thị Huế đang đổi thay từng ngày theo hướng "mở", văn minh, thân thiện môi trường. |
Khai thác hiệu quả các tuyến phố đi bộ, phát triển kinh tế đêm, du lịch biển và đầm phá. Xây dựng đề án gia nhập mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực ẩm thực; tiếp tục đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, nâng cấp hệ thống chiếu sáng và hệ thống đèn trang trí… với kỳ vọng du lịch Huế trong năm 2024 sẽ đạt được nhiều kết quả khởi sắc hơn, qua đó tạo không khí vui tươi, rộn ràng trên toàn địa bàn.
Với trọng trách được giao, thành phố đang nỗ lực đổi mới trong quá trình lãnh, chỉ đạo điều hành nhằm thực hiện đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các giải pháp nhằm vượt qua thách thức, phát huy các tiềm năng lợi thế, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2024, đáp ứng sự kỳ vọng của Nhân dân trên địa bàn, để TP Huế xứng tầm là “đầu tàu”, động lực để đưa Thừa Thiên Huế thành Thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Bí thư Thành ủy thành phố Huế, Đảng bộ, Nhân dân thành phố Huế đang quyết tâm, nỗ lực hết sức mình để hoàn thành sứ mệnh, trọng trách được giao phó, cùng với toàn tỉnh thực hiện thành công Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mới đây, Thành phố Huế là 1 trong 3 điểm đến của Việt Nam vừa được trao giải thưởng Thành phố Du lịch sạch ASEAN 2024, trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á (ATF) năm 2024.
Đây là các giải thưởng cao quý của ASEAN, góp phần tôn vinh và phát triển thương hiệu du lịch chất lượng cao trong khu vực, là dịp để các đơn vị quảng bá, nâng cao hiệu quả xúc tiến du lịch Việt Nam và thương hiệu điểm đến quốc gia “Vietnam Timeless Charm”. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch cũng như các tổ chức du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp thị hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch.
Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc, những giải thưởng mà thành phố Huế và ngành du lịch Thừa Thiên Huế liên tục nhận được trong thời gian qua là "một hiệu ứng tốt", góp phần quảng bá mạnh mẽ cho du lịch Việt Nam nói chung và Huế nói riêng trong khu vực. Bên cạnh đó, các giải thưởng Du lịch ASEAN 2024 cũng giúp Huế tạo được nét đặc trưng nổi bật với các điểm đến khác trong khối ASEAN và Việt Nam, là cơ hội để thu hút du khách trong thời gian đến.