Thành tích học của học sinh Việt Nam được báo nước ngoài ca ngợi

(PLO) -“Việt Nam là một trong những ngoại lệ lớn nhất của ngành giáo dục toàn cầu: Đây là nước có thu nhập thấp duy nhất đạt thành tích tương đương với các nước giàu về các cuộc kiểm tra về học thuật quốc tế” – tờ Business Insider viết như vậy hôm 14/7.
Một lớp học ở Việt Nam

“Hiệu ứng Việt Nam”

Thực tế cho thấy có mối quan hệ tích cực rõ ràng giữa sức mạnh kinh tế của một nước với việc các học sinh của nước đó đạt được thành tích tốt đến đâu trong những cuộc thi nhất định.

Song, tại Việt Nam, với mức GDP bình quân đầu người chỉ bằng một phần nhỏ của Mỹ nhưng thể hiện của các học sinh ở nước này tại các cuộc thi lại tốt hơn nhiều so với tưởng tượng của bạn về một nước có thu nhập ở mức như vậy. Không ai biết được rõ lý do thực sự nằm ở đâu.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu 2 cuộc thi có tính chất so sánh quốc tế nhằm tìm hiểu về “hiệu ứng Việt Nam”. Một là kỳ thi TIMSS – cuộc thi mà các học sinh Việt Nam đã cho thấy rằng người Việt Nam thể hiện tốt hơn nhiều so với người ở các nước có mức GDP bình quân đầu người tương tự họ. 

Một bài báo của Abhijeet Singh hồi năm 2014 đã phân tích các kết quả từ nghiên cứu Oxford Young Lives để so sánh kết quả thể hiện trong kỳ thi TIMSS và nhận thấy lợi thế của Việt Nam bắt đầu rất sớm - những đứa trẻ Việt Nam thể hiện tốt hơn trẻ ở những nước đang phát triển khác từ khi mới 5 tuổi và khoảng cách này ngày càng lớn hơn.

Bài báo này cho rằng một năm ở trường tiểu học tại Việt Nam hiệu quả hơn đáng kể so với một năm học ở Peru hay Ấn Độ nếu tính về kỹ năng mà các học sinh thu được.

“Câu hỏi mà nghiên cứu đưa đến từ kinh nghiệm của Việt Nam là tại sao hiệu suất của một năm học ở nước này lại cao hơn nước khác hay nói một cách đơn giản là tại sao các trường học ở nước này lại tốt hơn ở một số nước khác” – nhà nghiên cứu Lee Crawfurd khi đó đã đặt câu hỏi. 

Các nhà nghiên cứu Suhas D. Parandekar và Elisabeth K. Sedmik thuộc Ngân hàng thế giới đã tìm cách trả lời cho câu hỏi trên. Họ đã nghiên cứu Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) bằng cách sử dụng điểm số từ năm 2012.

7 nước đang phát triển khác ngoài Việt Nam đang tham gia PISA và ở mức 4.098 USD, Việt Nam có mức GDP bình quân đầu người thấp nhất trong số các nước này. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có điểm số cao hơn các nước đang phát triển khác.

Điểm số của học sinh ở Việt Nam cao ngang bằng Phần Lan và Thụy Sỹ và hơn Colombia và Peru. Ở môn toán, điểm số các học sinh Việt Nam cao hơn 128 điểm so với mức trung bình của 7 nước thu nhập thấp khác.

70 điểm ở phần toán học tương đương với khoảng 2 năm học ở một nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Điều đó có nghĩa là có một sự khác biệt đến gần 3 năm giữa trình độ giáo dục giữa Việt Nam và các nước đang phát triển khác tham gia kỳ thi PISA. 

Điều gì đang diễn ra?

Các nhà nghiên cứu của Ngân hàng thế giới đã sử dụng dữ liệu PISA, bao gồm những câu hỏi về xuất thân của các sinh viên, kinh nghiệm học tập và các hệ thống trường học để xác định nguyên nhân khiến các học sinh  ở Việt Nam có thành tích tốt hơn nhiều so với sự giàu có của đất nước họ. Họ phát hiện ra rằng những khoản đầu tư cho giáo dục và những sự nét khác về văn hóa có thể giải thích về một nửa những điểm khác biệt.

Nhiều khác biệt về văn hóa có ảnh hưởng đến tính cách của các học sinh. Về tổng thể, các học sinh người Việt Nam tập trung hơn và học hành nghiêm túc hơn. Chúng sẽ ít khi đi học muộn hơn, ít vắng mặt không phép hơn và cũng ít bỏ các lớp học hơn.

Chúng dành nhiều giờ mỗi tuần để học thêm ngoài trường học hơn so với học sinh ở các nước đang phát triển khác. Chúng ít lo lắng về môn toán học hơn và tự tin hơn về cách mà chúng sẽ sử dụng môn học này trong tương lai.

Ngoài ra cũng có thêm những khác biệt khác. Ví dụ, những bậc cha mẹ ở Việt Nam có xu hướng tham gia vào việc học hành của con cái họ nhiều hơn, tham gia vào các hoạt động hay gây quỹ ở trường.

Về mặt cấu trúc, hệ thống giáo dục tập trung hơn. Các giáo viên ít tự chủ hơn vì thành tích của họ bị giám sát chặt chẽ. Thành tích học tập của các học sinh ở Việt Nam cũng quan trọng hơn so với học sinh ở các nước đang phát triển khác. 

Bảng so sánh GDP với điểm PISA.

Nhưng, quan trọng là, Việt Nam dường như đầu tư vào giáo dục nhiều hơn so với các nước đang phát triển khác, đặc biệt nếu xem xét trong hoàn cảnh mức GDP thấp hơn của họ.

Mức độ phát triển kinh tế của họ thấp hơn so với 7 nước khác, các bậc phụ huynh ở đây cũng không được học hành nhiều và nước này cũng có ít trường học ở các thành phố hơn và nhiều trường ở các ngôi làng và thị trấn nhỏ hơn – tất cả những thứ không có lợi cho một hệ thống giáo dục tốt. 

Dù bất lợi về kinh tế nhưng chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng trường học và những nguồn lực giáo dục ở Việt Nam lại tốt hơn. Và dù có ít máy tính hơn nhưng các máy tính này đều được kết nối internet – điều mà theo các nhà nghiên cứu là bằng chứng của sự đầu tư ngày càng tăng của Việt Nam vào các ngôi trường.

Ngoài ra, các học sinh ở Việt Nam cũng có xu hướng tiếp cận giáo dục sớm khi những đứa trẻ thường đi học ở trường mẫu giáo hơn so với các học sinh ở các nước khác.

Dĩ nhiên, những yếu tố này chỉ chiếm một nửa trong khoảng cách thành tựu. Phần còn lại của hiện tượng Việt Nam vẫn còn là một bí ẩn. Nhưng những kết quả mà Việt Nam đạt được là một tín hiệu tốt cho giáo dục và nghiên cứu kinh tế và chúng ta có thể thấy rõ được rằng một nước nghèo hoàn toàn có thể đạt được những thành tích tốt về giáo dục như những nước giàu.

Sử dụng các kỹ năng

Viết trên tờ BBC hồi năm ngoái, ông Andreas Schleicher – Giám đốc về giáo dục và kỹ năng của OECD – cho biết, Việt Nam lần đầu tham gia kỳ thi PISA năm 2012.

Ngay trong năm đó, các học sinh của Việt Nam đã đứng thứ 17 ở môn toán, thứ 8 ở môn khoa học và thứ 19 ở môn đọc – cao hơn so với các học sinh của Mỹ ở tất cả các môn. Các học sinh của Mỹ xếp thứ 36 ở môn toán, 28 ở môn khoa học và 23 ở môn đọc.

Trong bảng xếp hạng toàn cầu do OECD công bố hồi tháng 5/2015, dựa trên các môn khoa học và toán, Việt Nam xếp thứ 12 trong khi Mỹ xếp thứ 28. Những thành tích mà Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực giáo dục trong thời gian ngắn như vậy là rất đáng kể.

Tuy nhiên, khoảng 37% những thiếu niên 15 tuổi ở Việt Nam không được đi học và thách thức hiện nay là làm sao để các em đến trường. 

Chính phủ Việt Nam đã đặt ưu tiên thực hiện các biện pháp để tất cả những người trẻ được hưởng giáo dục và cho đến nay thì hệ thống giáo dục của nước này đang làm tốt việc thu hút trẻ thiệt thòi đến trường, tạo điều kiện để chúng được tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng.

Gần 17% những học sinh 15 tuổi nghèo nhất ở Việt Nam nằm trong nhóm 25% học sinh có kết quả thi tốt nhất trong tất cả các nước và nền kinh tế tham gia vào kỳ thi PISA. Trong khi đó, ở các nước thuộc khối OECD chỉ có 6% các học sinh thuộc diện thiệt thòi được coi là có thành tích tốt như vậy.

Nhưng việc đạt được và duy trì chất lượng lại là việc khó khăn hơn so với việc mở rộng số lượng và Việt Nam sẽ phải cẩn thận để chất lượng của nền giáo dục nước này đảm bảo được bền vững. Để gặt hái được những thành quả của việc đầu tư vào giáo dục, Việt Nam phải thay đổi không chỉ cách thức cung cấp những kỹ năng cho các học sinh mà còn cả nhu cầu sử dụng những kỹ năng đó.

Một báo cáo gần đây cho thấy, đến năm 2095, Việt Nam sẽ có được mức GDP cao gấp 3 lần hiện nay nếu tất cả trẻ em của nước này theo học trung học, tiếp thu được những kỹ năng cơ bản nhất ở môn hóa học và khoa học vào năm 2030 và nếu thị trường lao động của nước này có thể hấp thụ và sử dụng được tất cả những tài năng này.

Nhưng nếu Việt Nam không tạo ra được nhu cầu đối với các kỹ năng cao hơn thì khi đó những người Việt Nam được giáo dục tốt có thể sẽ chọn đem các kỹ năng mà họ có được tới những nơi khác. Có rất nhiều vấn đề đang đặt ra đối với lĩnh vực giáo dục của Việt Nam nhưng nước này đang cho thấy họ đã sẵn sàng chấp nhận và đối phó với những thách thức đó. 

Đọc thêm