Thanh toán không dùng tiền mặt: Nông dân chưa hết băn khoăn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thanh toán không cần có tài khoản ngân hàng, thậm chí không cần internet hay data, giờ đây việc thanh toán tiền trở nên đơn giản khi Mobile Money chính thức được triển khai. Tuy nhiên, không ít nông dân vẫn băn khoăn về cách thức sử dụng, cước phí, tính an toàn, bảo mật.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nông dân - đòn bẩy phổ cập tài chính số

Ngày 1/12, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp tổ chức Hội thảo “Ngày nông dân không dùng tiền mặt”.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Đề án đặt mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực và từng bước phát triển về TTKDTM ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa với các chỉ tiêu cụ thể như: Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản; số lượng điểm chấp nhận TTKDTM lên trên 450.000 điểm; Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đạt 20 - 25%/năm…

“Để đạt được mục tiêu đó, với lực lượng đông đảo, việc triển khai chính sách phát triển TTKDTM hướng tới người nông dân là vô cùng quan trọng…”, Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh. Đồng thời ông cho biết, Chính phủ đã có Quyết định 316/QĐ-TTg Phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money) và đã cấp phép cho 3 nhà mạng viễn thông gồm Viettel, VNPT và Mobiphone triển khai thí điểm dịch vụ này.

Hiện, NHNN cũng đã cho phép triển khai thí điểm các mô hình TTKDTM ở khu vực nông thôn với 3 mô hình ngân hàng hợp tác với các tập đoàn viễn thông, cửa hàng xăng dầu để cung ứng dịch vụ chuyển tiền nhanh tới người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người chưa có tài khoản ngân hàng…

Ông Trương Quang Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel bày tỏ: “Đối với Viettel, việc phổ cập tài chính số với Viettel Money cũng giống như câu chuyện phổ cập dịch vụ viễn thông cách đây hàng chục năm - lấy nông thôn bao vây lấy thành thị”.

Theo đại diện Viettel, chính những người nông dân - những người dân đang sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, những nơi chưa có đầy đủ điều kiện tiếp cận dịch vụ số sẽ là đòn bẩy, là điểm tựa để Viettel phổ cập tài chính số, mang dòng chảy thịnh vượng của công nghệ, kiến tạo cuộc sống mới - hiện đại, thông minh, tiện lợi…

“Việc chuyển đổi từ tiền mặt sang thanh toán bằng các phương thức TTKDTM, trong đó có Viettel Money để mua sắm cây trồng, thanh toán các chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hay những chi phí khác tạo ra một bản sắc kinh tế mới, một nông thôn mới với nhiều ưu thế trong việc giao thương, mua bán...” - ông Việt hào hứng.

Ngoài ra, với Viettel Money, bà con nông dân có thể trực tiếp quảng bá sản phẩm của mình tới người dùng cuối mà không cần thông qua bất cứ kênh trung gian. Đặc biệt, với hệ thống điểm giao dịch phủ đến từng bản làng, Viettel Money sẽ góp phần giúp người nông dân tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, giảm thiểu được rủi ro trong quá trình đi lại.

Tăng cường tuyên truyền

Nông dân Lê Phước Thọ (Vĩnh Long) cho rằng, tập quán dùng tiền mặt như là một nét văn hóa, trong khi không phải người nông dân nào cũng có điện thoại thông minh, chưa kể phí chuyển tiền sẽ như thế nào? “Vậy làm thế nào để thay đổi? Họ phải thấy được lợi ích để họ không dùng tiền mặt nữa”, ông Thọ nói.

Còn nông dân Lý Văn Bon (Cần Thơ) thẳng thắn: “Dùng Mobile Money có an toàn không? Mất điện thoại sẽ như thế nào? Có khi nào mất tiền trong Mobile Money?”.

Khẳng định những lợi ích to lớn mà TTKDTM đem đến cho người nông dân, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam cho rằng, để thực hiện thành công Đề án TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ còn nhiều thách thức và khó khăn, nhất là với khu vực nông thôn. “Điểm chấp nhận phương thức TTKDTM rất hạn chế và thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân khiến việc triển khai TTKDTM gặp nhiều khó khăn”, ông Nam băn khoăn.

Ngoài ra, những khó khăn về hạ tầng viễn thông, internet; cơ sở pháp lý cho hoạt động ngân hàng đại lý; thiếu cơ sở hạ tầng dữ liệu định danh điện tử; đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trước rủi ro an ninh mạng, các hành vi lừa đảo; gian lận; đảm bảo an toàn dữ liệu cá nhân… cũng tác động tới hành vi TTKDTM của người dân.

Do vậy, muốn phát triển TTKDTM ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng xa, theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, trước hết cần phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này để người dân tự đưa ra quyết định phù hợp.

Theo Vụ trường Vụ Truyền thông NHNN Lê Thị Thúy Sen, truyền thông cho đối tượng người dân ở khu vực nông thôn phải quan tâm tới những vấn đề nông dân cần, sự thuận lợi, an toàn, dễ sử dụng của các tiện ích của TTKDTM. Tiếp đó là tuyên truyền rõ về các giải pháp an ninh an toàn bảo mật khi nông dân còn e dè...

“Chúng tôi sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường các tầng nấc bảo đảm an toàn để người dân nông thôn cũng có thể sử dụng dịch vụ TTKDTM tiện lợi nhất, an tâm nhất. Việc này các tổ chức tín dụng phải hướng dẫn bà con cách sử dụng”, Vụ trưởng Vụ Truyền thông nhấn mạnh.

Đọc thêm