Thanh tra 'bó tay' trước nạn khiếu tố 'cù nhầy'

(PLO) - Chánh Thanh tra tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thị Loan đưa ra dẫn chứng, qua rà soát, phân loại, trong 6 tháng đầu năm 2016, Thanh tra tỉnh Lạng Sơn tiếp khoảng 900 lượt công dân đến khiếu nại tố cáo (KNTC), kiến nghị; song chỉ hơn 300 trường hợp có nội dung; và trong đó có trên 100 trường hợp là KNTC mới. 
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu phát biểu tại Hội nghị.
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu phát biểu tại Hội nghị.

Không những thế, các vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch 1130 trên địa bàn tỉnh đều đã ra quyết định giải quyết cuối cùng, hết sức thấu tình, đạt lý trong khuôn khổ pháp luật nhưng một số công dân vẫn tiếp tục khiếu tố.

Hôm qua (13/7), Hội nghị sơ kết công tác thanh tra, giải quyết KNTC và phòng chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2016 của ngành Thanh tra diễn ra dưới sự chủ trì của Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cùng sự tham dự của các Phó Tổng Thanh tra và đông đảo cán bộ toàn ngành Thanh tra.

Chưa có chế tài xử lý, răn đe

Là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thanh tra nên theo bà Loan, Lạng Sơn luôn quan tâm việc tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân, từng bước gắn tiếp dân với xử lý đơn, giải quyết KNTC. Việc phối hợp trong công tác tiếp dân cũng ngày càng chặt chẽ, kịp thời hơn, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp. Lãnh đạo tỉnh nghiêm túc tiếp công dân định kỳ và đột xuất theo quy định, ra quyết định giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc của người dân.

Tuy nhiên, bà Loan cho biết, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC vẫn còn những tồn tại nhất định. Những bất cập này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bên cạnh sự hạn chế trong năng lực giải quyết của cán bộ thanh tra thì bà Loan chỉ ra một lý do quan trọng không kém. Đó là những trường hợp công dân cố tình KNTC sai trong khi pháp luật hiện hành lại chưa có chế tài xử lý, không răn đe được những trường hợp như vậy. 

Bà Loan dẫn chứng, qua rà soát, phân loại, trong 6 tháng đầu năm 2016, Thanh tra tỉnh Lạng Sơn tiếp khoảng 900 lượt công dân đến KNTC, kiến nghị song chỉ hơn 300 trường hợp có nội dung và trong đó có trên 100 trường hợp là KNTC mới. Không những thế, các vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch 1130 trên địa bàn tỉnh đều đã ra quyết định giải quyết cuối cùng, hết sức thấu tình, đạt lý trong khuôn khổ pháp luật nhưng một số công dân vẫn tiếp tục khiếu tố.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng nêu bật tình hình khiếu kiện của công dân có nhiều diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan hành chính nhà nước các cấp tiếp đến hơn 182 nghìn lượt công dân đến KNTC, kiến nghị, phản ánh; có gần 2.500 đoàn đông người, tiếp nhận trên 117 nghìn đơn. 

Phân tích kết quả giải quyết 8.805 đơn khiếu nại cho thấy có 12,7% đơn khiếu nại đúng; 69,3% đơn khiếu nại sai; 17% đơn khiếu nại có đúng, có sai. Phân tích kết quả giải quyết 2.143 đơn tố cáo cho thấy có 11,5% đơn tố cáo đúng; 59,5% đơn tố cáo sai; 29 % đơn tố cáo có đúng, có sai. Thanh tra Chính phủ còn nêu đích danh một số địa phương có nhiều vụ việc tồn đọng, kéo dài cần tập trung giải quyết là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Ninh Bình, An Giang, Bạc Liêu, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang và TP HCM. 

Kinh nghiệm của Hà Nội

Đại diện Thanh tra TP Hà Nội, Chánh Thanh tra Nguyễn Văn Tuấn Dũng lại chia sẻ, Hà Nội vài năm trước đây phát sinh nhiều “điểm nóng” phức tạp về an ninh nông thôn và đòi đất tôn giáo. Điều đáng mừng trong năm qua là hiện tượng này giảm hẳn, còn 6 tháng đầu năm thống kê số lượng KNTC tăng trên 20% so với cùng kỳ năm ngoái do liên quan đến công tác bầu cử. Tuy nhiên, TP Hà Nội đã tập trung giải quyết kịp thời, đảm bảo 100% đơn thư liên quan đến bầu cử được giải quyết đúng thời hạn, đúng quy định.

“Tỷ lệ công dân sau khi được giải thích, chấp nhận kết quả giải quyết ngày càng tăng. 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ rút đơn là 18%, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước”, ông Dũng phấn khởi nói.

Kinh nghiệm được ông Dũng cho biết là các cấp chính quyền đã quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng KNTC, mục tiêu là giải quyết dứt điểm tại cơ sở. Đồng thời các vụ việc đông người phức tạp luôn được các cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo, cần thiết tổ chức đối thoại với nhân dân ngay tại cơ sở để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, kịp thời chỉ đạo giải quyết, ổn định tình hình địa phương. Đặc biệt không để các đối tượng lợi dụng kích động lôi kéo khiếu kiện đông người, quá khích, mất an ninh trật tự trên địa bàn thành phố, nhất là trong thời gian diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. 

Hoan nghênh những kết quả đạt được trong công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu nhận định, ngành Thanh tra đã giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước tham mưu giải quyết nhiều vụ việc đạt hiệu quả cao, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, chính trị xã hội tại địa phương…

Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm trong công tác này, ông Sáu đề nghị các cơ quan tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương nghiên cứu mô hình mới, chính sách mới nhằm giải quyết kịp thời, có hiệu quả KNTC của công dân ngay tại cơ sở khi mới phát sinh. 

Ông Sáu yêu cầu phải đặc biệt quan tâm giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; tập trung giải quyết KNTC, phấn đấu đạt tỉ lệ trên 85% đối với các vụ việc mới phát sinh; chú trọng việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Bên cạnh đó là thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về tiếp dân, KNTC; kiểm tra kết quả thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đọc thêm