Trước đó, báo chí phản ánh về quần thể gồm biệt thự, nhà sàn, cầu treo, hồ nước... được cho là tư gia của gia đình Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái. Trong năm 2015, tỉnh này đã có nhiều quyết định cho phép chuyển đổi hơn 13.000 m2 đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở cho gia đình ông Quý. Theo thông tin được “loan báo” toàn bộ khu đất này do bà Hoàng Thị Huệ là vợ ông Phạm Sỹ Quý đứng tên.
Để góp phần làm “yên lòng” dư luận, đầu tháng 6/2017, UBND tỉnh Yên Bái đã ra quyết định thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho vợ chồng ông này; đồng thời xác minh việc chấp hành các quy định của pháp luật đất đai; việc cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép với lô đất nói trên.
Tóm lại do ông Phạm Sỹ Quý là em bà Phạm Thị Thanh Trà - Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái, nhân thân rất đặc biệt nên để đảm bảo tính khách quan, lãnh đạo tỉnh này đã đề nghị các cơ quan trung ương vào cuộc làm rõ. Được biết, Đoàn thanh tra sẽ làm việc với ông Phạm Sỹ Quý và các ban ngành liên quan về những nội dung như quy hoạch sử dụng đất đai, chủ trương, chế độ chính sách, kê khai tài sản... để xem các công việc liên quan có được làm đúng pháp luật không?.
Dư luận lại được dịp để “hồi hộp”. Câu hỏi được đặt ra là đoàn thanh tra sẽ “làm thật” hay làm cái việc gọi là đóng dấu “bảo hành” cho “cặp đôi hoàn hảo” hiện đang sử hữu quyền sử dụng hơn 13.000m2 đất kia?
Không có gì là dân và dư luận không nghi ngờ, bởi cuộc sống, thực tiễn luôn dạy chúng ta như vậy.
Tham nhũng về đất đai, sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai đang hết sức nóng bỏng. Đơn giản vì “người sinh, đất không đẻ”, địa tô tư bản đang từ “sở hữu toàn dân về đất đai” rơi vào túi của các nhóm lợi ích đến mức sốt ruột. Tham nhũng trong quản lý đất đai ở Việt Nam luôn được đánh giá ở mức độ cao nhất trong tất cả các lĩnh vực quản lý, mặc dù các cấp có thẩm quyền đã có nhiều nỗ lực nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý. Trong các hình thức tham nhũng về đất đai có tham nhũng trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn gọi là cấp “sổ đỏ”.
Đất đai cũng chính là lĩnh vực ngành thanh tra thanh tra từ chuyên đề đến diện rộng, từ theo kế hoạch đến thanh tra theo đơn thư khiếu nại, tố cáo sớm nhất, thường xuyên nhất. Đáng tiếc, hiệu lực và hiệu quả thanh tra là kém nhất.
Bao giờ thanh tra thực sự là công cụ của quản lý? Câu hỏi này chắc rất khó có ai dám trả lời!