Thanh tra phải tham gia dự án từ đầu để ngăn tiêu cực

Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội hôm qua, Tổng Thanh tra Chính phủ (CP) Trần Văn Truyền cho rằng, tới đây trong sửa luật thanh tra sẽ kiến nghị được nắm tình hình ngay từ đầu quá trình thực hiện dự án nhằm ngăn chặn thất thoát tiêu cực từ ban đầu.

Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội hôm qua, Tổng Thanh tra Chính phủ (CP) Trần Văn Truyền cho biết, sẽ kiến nghị để Luật thanh tra cho phép cơ quan chức năng được nắm quá trình thực hiện dự án từ đầu, nhằm ngăn thất thoát, tiêu cực.

- Thưa ông, Thanh tra CP mới công bố một số kết luận với rất nhiều sai phạm lớn nhưng cơ quan điều tra lại chỉ coi đó là tài liệu tham khảo. Phải chăng có sự không thống nhất giữa hai cơ quan?

- Thanh tra có 2 dạng kiến nghị: kiến nghị điều tra làm rõ, vì nghiệp vụ hoạt động của cơ quan thanh tra chỉ dừng lại ở mức kiểm tra chứ không có khả năng để tiến hành điều tra những vấn đề khuất tất đằng sau. Trong trường hợp cụ thể cơ quan thanh tra thấy có dấu hiệu, đủ các yếu tố xác định là vi phạm luật hình sự và đề nghị khởi tố để xử lý hình sự,  trường hợp này cơ quan điều tra phải xem cơ sở tài liệu của cơ quan thanh tra chuyển sang là một tài liệu cần thiết ban đầu để quyết định cho việc khởi tố chứ không phải là giá trị tham khảo.

Còn nếu không khởi tố thì cơ quan điều tra phải trả lời cho thanh tra theo đúng quy định của pháp luật, nhất là luật phòng chống tham nhũng. Thực tế, cơ quan thanh tra và cơ quan điều tra cũng có sự gắn kết với nhau, khi chuẩn bị kết luận việc gì đó mà chúng tôi thấy có những yếu tố để xử lý hình sự thì mời cơ quan điều tra nghe và cho ý kiến để xem có đủ yếu tố để chuyển sang hay không. Cả hai không làm miễn cưỡng. Có thể khẳng định, những trường hợp xác định đã đủ yếu tố rồi thì bắt buộc phải làm.

- Tỷ lệ các vụ án khởi tố từ kết luận thanh tra trên thực tế được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Có một thời gian việc này chưa được quan tâm rốt ráo nên số vụ được kiến nghị xử lý còn chậm, nhưng từ đầu năm 2010 trở lại đây, sự phối hợp giữa cơ quan điều tra với thanh tra tốt hơn nên tỷ lệ xử lý  vụ việc cũng tốt hơn. Đơn cử, vừa qua chúng tôi kiến nghị 87 trường hợp thì cho đến nay cơ quan điều tra đã xem xét giải quyết hơn 70 trường hợp. Tỷ lệ này tôi cho là đã thể hiện sự rất tích cực.

- Nhiều dự án các địa phương được giao nhưng không thực hiện, làm lãng phí đất đai, tình trạng này cần giải quyết theo hướng nào?

- Nhiều địa phương do điều kiện chậm phát triển, khó khăn nên phải có chính sách khuyến khích đầu tư.  Vấn đề là phải nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, năng lực cấp phép, năng lực thực hiện và việc đó pháp luật quy định dự án phải bảo đảm được thực hiện.

Dù cấp phép rồi nhưng nếu thấy những chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp không có đủ khả năng, năng lực để thực hiện, Nhà nước chỉ đạo phải xử lý thu hồi. Tuy nhiên, thực tế, một số địa phương do muốn tranh thủ nguồn lực để phát triển nên còn chần chừ, điều này là trái với chủ trương chính sách pháp luật của hà nước. Nếu kéo dài như vậy là gây ra lãng phí, gây bức xúc trong dân, không tạo hiệu quả cho phát triển mà cuối cùng chỉ làm lợi cho một số người.

- Thưa ông, thông thường các dự án thực hiện xong thì thanh tra mới vào cuộc, tại sao chúng ta không thực hiện việc thanh tra, giám sát ngay từ đầu?

- Hệ thống thanh tra, kiểm tra của chúng ta dày đặc nhưng  cơ chế phân định rõ ràng thì chưa có, hiện nay thanh tra cũng không được tham gia vào  quá trình kiểm soát từ đầu.

Giá như thanh tra được tham gia vào quá trình xây dựng, đấu thầu, triển khai thực hiện các dự án thì chúng tôi có thể tham gia được nhiều ý kiến. Hiện nay thanh tra chỉ vào khi dự án làm rồi và đã xảy ra sai phạm. Tới đây trong sửa luật thanh tra chúng tôi sẽ kiến nghị để thanh tra được nắm tình hình, yêu cầu các địa phương báo cáo quá trình triển khai dự án từ đầu mới có thể ngăn chặn thất thoát, tiêu cực triệt để.

Việt Hưng

Đọc thêm