Phát biểu khai mạc, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh đây là hoạt động trong khuôn khổ thực hiện Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 2/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng phương thức trọng tài thương mại, hoà giải thương mại. Đồng thời khẳng định pháp luật về hợp đồng rất quan trọng đối với doanh nghiệp cũng như nền kinh tế, đây là một trong hai nội dung quan trọng nhất của pháp luật dân sự. Mặc dù Bộ Luật Dân sự năm 2015 đã có những bước thay đổi đột phá nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số về pháp luật hợp đồng dân sự tại Việt Nam vẫn còn thấp.
Toàn cảnh Diễn đàn. |
Tại diễn đàn, các đại biểu tham dự đã đề cập đến một số khó khăn, vướng mắc như: Quy định chung của pháp luật hợp đồng dân sự (chủ thể, đại diện, tài sản - đối tượng của hợp đồng, hiệu lực giao dịch, giao dịch vô hiệu, thời hiệu, trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ, xác lập, thực hiện, chấm dứt hợp đồng…); các hợp đồng dân sự thông dụng theo quy định của pháp luật dân sự (hợp đồng mua bán, hợp đồng trao đổi, hợp đồng tặng cho, hợp đồng vay tài sản, hợp đồng cho thuê tài sản, hợp đồng mượn tài sản, hợp đồng về quyền sử dụng đất, hợp đồng hợp tác, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng gia công, hợp đồng gửi giữ, hợp đồng ủy quyền, hợp đồng giao dịch bảo đảm và một số loại hợp đồng khác có liên quan)…
Các đại biểu tham dự Diễn đàn thông tin, chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc. |
Qua đó, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi, giải đáp những thắc mắc, khó khăn của các doanh nghiệp trong thực thi hợp đồng, giải quyết các bất đồng, tranh chấp trong kinh doanh, giúp các doanh nghiệp nắm bắt và vận dụng hiệu quả quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự.