Tháo gỡ vướng mắc của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP

(PLVN) - Nhằm kịp thời tiếp thu các góp ý để hoàn chỉnh dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, từ đó thực hiện các bước tiếp theo để trình Chính phủ đúng thời hạn đã đề ra, ngày 3/9, Tổng cục THADS đã phối hợp với Dự án JICA tổ chức hội thảo “Nghị định số 62/2015/NĐ-CP: Những vướng mắc từ thực tiễn”.

Phát biểu khai mạc, bà Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục THADS khẳng định sau 4 năm thực hiện, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã tạo được hành lang pháp lý cơ bản bảo đảm cho công tác THADS hiệu quả hơn. Cán bộ, công chức trong hệ thống THADS ngày càng được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và tính chất đặc thù của hoạt động này; trình tự, thủ tục thi hành án được quy định đầy đủ, cụ thể, dễ thực hiện hơn; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức được nâng lên.

Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập tại các điều luật hướng dẫn thi hành cần thiết phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đồng thời, một số vấn đề vướng mắc từ thực tiễn quản lý nhà nước về công tác THADS cũng cần thiết hướng dẫn để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất pháp luật về THADS và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Trên cơ sở nhận diện các vướng mắc, Tổng cục THADS đã tham mưu xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 34 khoản, điểm liên quan đến 18/85 Điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.


Do đó, Tổng cục THADS mong muốn các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ tham gia tích cực, có chất lượng, tập trung vào các nội dung bất cập hiện nay của Nghị định được dự kiến sửa đổi, đặc biệt là các Chuyên gia JICA sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý báu để Tổng cục THADS kịp thời tiếp thu, hoàn chỉnh Dự thảo Nghị định, thực hiện các bước tiếp theo để trình Chính phủ đúng thời hạn đã đề ra.

Giới thiệu tổng quan về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, đại diện Tổng cục THADS cho biết Dự thảo Nghị định bãi bỏ 1 điểm; sửa đổi, bổ sung 33 khoản, điểm của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Trong đó gồm các nội dung chính về: thời hiệu yêu cầu thi hành án (THA); thỏa thuận THA; ra quyết định THA chủ động, theo yêu cầu, xác minh điều kiện THA; thông báo THA; áp dụng biện pháp bảo đảm và cưỡng chế THA; ủy thác THA; việc THA khi có thay đổi giá tài sản tại thời điểm THA; kê biên tài sản; bán đấu giá và xử lý kết quả bán đấu giá tài sản THA; thủ tục thanh toán tiền và trả tài sản THA; tương trợ tư pháp về dân sự trong THA, việc xuất cảnh của người phải THA...


Phát biểu tại Hội thảo, ông Nagahashi Masanori, Chuyên gia Dự án JICA nhấn mạnh tới tầm quan trọng của công tác THADS ở Việt Nam từ đó khẳng định Nhật Bản luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc hoàn thiện thể chế về thi hành án. Tiếp đó, ông đã những bình luận cụ thể về các nội dung sửa đổi, bổ sung của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và cung cấp một số thông tin liên quan tới THADS tại Nhật Bản để Việt Nam tham khảo kinh nghiệm. 

Góp ý đối với vấn đề kê biên tài sản THA, đại biểu đến từ Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng hiện nay có nhiều trường hợp người phải THA cố tình thực hiện các giao dịch nhằm tẩu tán tài sản, trốn tránh việc THA. Theo đó, thực tế trong nhiều trường hợp tài sản đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm THA, cưỡng chế THA mà bị chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố, cho thuê thì vẫn bị kê biên, xử lý nhưng cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất lại không nhận được văn bản áp dụng các biện pháp nêu trên, do đó vẫn làm các thủ tục đăng ký như bình thường, phần nào ảnh hưởng tới công tác THADS.

Trường hợp khác, người phải THA thực hiện các giao dịch nhằm chuyển quyền sở hữu tài sản, chuyển quyền sử dụng đất nhưng chưa hoàn thành việc chuyển quyền thì Dự thảo Nghị định xác định đây vẫn đang là tài sản của người phải THA nên vẫn kê biên, xử lý. Song, thực tế cho thấy, tuy người phải THA chưa hoàn thành việc chuyển giao tại cơ quan đăng ký đất đai nhưng khi họ hoàn tất hợp đồng chuyển giao tại Phòng hoặc Văn phòng công chứng thì việc chuyển giao được coi là đã hoàn thành, tài sản đó không còn thuộc sở hữu của người phải THA. Vì vậy, cần làm rõ các quy định về chuyển giao tài sản THA đảm bảo thống nhất, đồng bộ.

Liên quan tới vấn đề ủy thác THA, Cục trưởng Cục THADS Hải Dương Nguyễn Văn Tuấn đồng tình với quy định “trường hợp tài sản không đủ để THA thì ủy thác đến nơi có giá trị tài sản lớn nhất”. Tuy nhiên, cần làm rõ tiêu chí để xác định giá trị tài sản như thế nào là lớn nhất. Còn đại diện Cục THADS Lạng Sơn góp ý về quy định trả lại tiền, tài sản cho đương sự. Theo đó, đối với các giấy tờ hết thời hạn, tài sản không còn giá trị sử dụng, thay vì phải chờ sau 1 năm đương sự không nhận mới được tiêu hủy thì kiến nghị tiêu hủy luôn để sớm kết thúc hồ sơ THA. Ngoài ra, các nội dung về tạm hoãn xuất nhập cảnh, đình chỉ THA, miễn giảm THA, ứng dụng công nghệ thông tin... cũng nhận được nhiều ý kiến trao đổi, góp ý. 

Đọc thêm