Theo quy định của Bộ luật Dân sự, họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ. Như vậy, về nguyên tắc, dù việc xác định họ cho con theo tập quán vẫn phải đảm bảo con theo họ cha hoặc họ mẹ.
Tuy nhiên trên thực tế, theo tập quán tại địa bàn một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, việc xác định họ cho trẻ em không bảo đảm quy định nêu trên. Việc xác định họ cho con căn cứ vào giới tính của người đó; một số dân tộc có họ dành riêng cho con trai và con gái. Đối với các trường hợp này, việc đăng ký hộ tịch thực hiện theo tập quán trên cơ sở yêu cầu riêng của công dân, dẫn đến các quy định pháp luật chưa được tuân thủ triệt để, ảnh hưởng tới hiệu quả, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Còn đối với việc đăng ký khai tử, theo Bộ luật Dân sự, khai tử là quyền nhân thân quan trọng của cá nhân, cá nhân chết phải được khai tử. Luật Hộ tịch đã quy định trách nhiệm đi đăng ký khai tử của các nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Tuy nhiên trong thực tế vẫn còn rất nhiều trường hợp người chết không được khai tử do ảnh hưởng của phong tục, tập quán lạc hậu, quy định ràng buộc trách nhiệm đăng ký khai tử của pháp luật hiện hành cũng chưa thực sự hiệu quả.
Ngoài ra, trong quá trình đăng ký hộ tịch, công chức tư pháp-hộ tịch còn gặp không ít khó khăn do những quan niệm “ăn sâu bám rễ” của người dân liên quan đến đăng ký kết hôn, đặt tên… Một số đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, nhất là người Mông, người Thái ở xã Quang Phong, xã Cắm Muộn (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) còn có tục lệ đổi tên ít nhất 3 lần trong đời (khi mới sinh ra, khi trưởng thành, khi thành chủ hộ, về già…); đàn ông dân tộc Mông thường có phần đệm là “A” nhưng khi lập gia đình, sinh con lại được bố vợ đặt cho tên đệm khác; người con gái khi ở với cha mẹ thì mang tên mình, về nhà chồng thì mang luôn tên chồng nên có trường hợp sinh con, đi làm giấy khai sinh, khai tên cha mẹ giống nhau.
Thậm chí theo phong tục của một số dân tộc, việc kết hôn không dựa vào độ tuổi mà chỉ căn cứ vào vóc dáng bên ngoài, việc kết hôn của họ chỉ cần già làng công nhận chứ không cần đăng ký tại UBND xã. Khi ly hôn, cũng không đưa ra pháp luật mà tự giải quyết, chỉ cần già làng đồng ý thì hai vợ chồng được bỏ nhau và có quyền kết hôn với người khác. Trong những trường hợp này, cán bộ tư pháp phải xem xét, nghiên cứu kỹ hồ sơ để giải quyết.
Ngoài ảnh hưởng của phong tục tập quán, việc di cư tự do cũng tác động không nhỏ tới việc thực hiện quy định pháp luật về hộ tịch. Theo báo cáo của các địa phương, hầu hết các trường hợp dân di cư tự do thuộc diện không xác định được quốc tịch, không có giấy tờ tùy thân, chứng minh nơi cư trú. Trẻ em sinh ra từ các cặp vợ chồng di cư tự do thì không có giấy tờ chứng minh về nơi sinh, thời gian sinh, mối quan hệ cha, mẹ con; cha mẹ không có giấy tờ chứng minh mối quan hệ hôn nhân. Vì vậy không có cơ sở để đăng ký và cấp các giấy tờ hộ tịch cho các đối tượng này.
Điều này vừa ảnh hưởng tới quyền lợi cho chính bản thân người dân vừa gây ra khó khăn trong công tác quản lý nhà nước nói chung, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng. Đối với địa bàn những tỉnh có đông người di cư tự do, tỷ lệ đăng ký khai sinh, khai tử bị ảnh hưởng do có một số lượng nhất định những người di cư không thực hiện việc đăng ký hộ tịch.
Để phần nào tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, các địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quyền, nghĩa vụ, ý nghĩa của việc đăng ký hộ tịch cho người dân. Bộ tư pháp tiếp tục nghiên cứu tham mưu hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực hộ tịch; tập huấn, hướng dẫn chuyên môn sâu cho công chức làm hộ tịch ở cơ sở trong việc giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch.