Thất lạc phôi sổ đỏ, Bộ trưởng nhận khuyết điểm

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang hôm qua có buổi đối thoại trực tuyến với người dân qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về những vấn đề “nóng” liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường. Nhiều băn khoăn của người dân về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, tình trạng phôi sổ đỏ giả… đã được Bộ trưởng TN&MT giải đáp.   

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang hôm qua có buổi đối thoại trực tuyến với người dân qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về những vấn đề “nóng” liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường. Nhiều băn khoăn của người dân về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, tình trạng phôi sổ đỏ giả… đã được Bộ trưởng TN&MT giải đáp.

 

Thất lạc phôi sổ đỏ: “Chúng tôi đã nhắc nhở”

Trả lời câu hỏi của người dân về tình trạng Hà Nội hiện đang có tình trạng phôi chứng nhận quyền sử dụng đất là thật nhưng số liệu là giả gây hoang mang trong việc mua bán bất động sản của người dân, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thẳng thắn: “Chúng tôi xin nhận khuyết điểm trong vấn đề phôi này”.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, có 2 trường hợp có thể xảy ra: Hoặc phôi có serie mà lọt ra ngoài là liên quan tới việc quản lý của các Sở, hoặc các phôi đó là giả. Hà Nội vừa qua có nơi làm mất phôi sổ đỏ, có nơi làm mất 483 chiếc có seri.
Dư luận lo ngại người ta sẽ sử dụng cái này để làm thế chấp hoặc lừa đảo, có trường hợp nhà 5 tầng có 5 giấy khác nhau.
“Phải nói rằng quy định hiện về vấn đề này khá chặt chẽ, nhưng thực tế vẫn diễn ra các trường hợp như đã nói. Chúng tôi đã có công văn nhắc nhở, đồng thời thông báo về số phôi bị mất để người dân cảnh giác. Đề nghị bà con nếu mua nhà đất, có thể kiểm tra tại cơ quan đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, theo tôi, các văn phòng công chứng có thể xác nhận thật giả của các sổ đỏ nếu liên lạc với các cơ quan đăng ký sổ đỏ” – ông Quang nhấn mạnh.  
Tuy nhiên, về vấn đề trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan như thế nào thì Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường chỉ khái quát rằng: “Việc xử lý những người có trách nhiệm, pháp luật đã có quy định và chúng ta phải tiến hành theo luật”. 
Giữ ổn định, không gây xáo trộn việc sử dụng đất nông nghiệp
Trước băn khoăn của người dân về thời hạn năm năm 2013 sẽ hết thời hạn giao đất nông nghiệp 20 năm theo Nghị định 64, vậy đất nông nghiệp trong thời gian tới sẽ được xử lý như thế nào, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định: “Theo Luật Đất đai 2003, Nghị định hướng dẫn 181, đối với hộ gia đình được giao đất lấy mốc thời điểm là năm 1993, thì tới đây vẫn được tiếp tục sử dụng đất đó. Thẩm quyền là thuộc Quốc hội, nhưng chúng tôi sẽ tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội theo hướng như vậy. Việc sử dụng đất vẫn giữ ổn định, không xáo trộn”.
Vừa qua, Bộ TN &MT đã bàn, báo cáo Chính phủ và sẽ trình lên Quốc hội. Về thời hạn sử dụng đất, về thẩm quyền quyết định, theo luật, thuộc về Quốc hội. Do đó, việc quy định thời hạn sử dụng đất tiếp theo cũng thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trong khi chưa sửa Luật năm 2003 thì vẫn áp dụng luật hiện hành. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, có một số loại đất không thuộc đối tượng trên, như đất bãi bồi ven sông, ven biển, thì sau khi hết thời hạn, nếu hộ gia đình có nhu cầu sử dụng tiếp, họ cần tiến hành các thủ tục để gia hạn sử dụng. Về thủ tục gia hạn, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT nghiên cứu, xây dựng và Bộ TN&MT đang chuẩn bị thông tư hướng dẫn. 
Công khai kết quả thanh tra ô nhiễm môi trường
Trả lời câu hỏi của người dân về tình hình thanh tra 4 lĩnh vực trọng tâm của ngành TN&MT trong năm 2012 như quản lý và sử dụng đất đai, chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, hoạt động khoáng sản, khai thác sử dụng và xả nước thải vào nguồn nước, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, các kết quả thanh tra theo thẩm quyền sẽ được công khai để người dân biết và giám sát. 
Riêng tình hình ô nhiễm tại khác khu công nghiệp, khu chế xuất, theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến, tính đến cuối  năm 2011, Việt Nam có 283 KCN, trong đó có 180 đã đi vào hoạt động và có 65% có xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, mức độ sử dụng các hệ thống xử lý này là khác nhau. Nên nhân dân quanh các KCN vẫn có than phiền, đặc biệt là việc gây hại hoa màu, ô nghiễm không khí, tiếng ồn...
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến nhận định: vấn đề các KCN gây ô nhiễm môi trường đã có đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật để xử lý, việc thực hiện nghiêm túc sẽ đảm bảo môi trường ở các khu này. Lãnh đạo Bộ TN&MT cũng hy vọng, trong thời gian tới, khi các quy định đầy đủ hơn, Bộ tích cực phối hợp với địa phương giám sát và xử phạt các KCN vi phạm thì việc gây ô nhiễm môi trường sẽ giảm đi. 
Lan Phương

Đọc thêm