Thất nghiệp nhưng không muốn học nghề - vì sao?

(PLVN) - Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động, số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong năm 2020 lên tới gần 1,1 triệu người, tăng 32,3% so với năm 2019. Tuy nhiên, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện số người lựa chọn học nghề chiếm tỉ lệ rất thấp trong số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đã thất nghiệp lại không chịu học nghề - vì sao có mâu thuẫn này?
Số người được hỗ trợ học nghề chỉ chiếm khoảng 5% số người hưởng trợ cấp thất nghiệp. (Ảnh minh họa)
Số người được hỗ trợ học nghề chỉ chiếm khoảng 5% số người hưởng trợ cấp thất nghiệp. (Ảnh minh họa)

Nhiều lý do từ chối 

Thông tin từ Phòng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Nghệ An cho biết, trung bình mỗi ngày, Phòng tiếp nhận hơn 30 bộ hồ sơ. Đa số người đến xin hưởng trợ cấp thất nghiệp đều là lao động phổ thông, nhưng khi được cán bộ của Trung tâm tư vấn, định hướng học nghề thì ai cũng lắc đầu.

Chị Trần Thị Hoài, sinh năm 1990 ở Đà Sơn – Đô Lương, tốt nghiệp THPT đi làm công nhân cho Công ty TNHH Electronics ở TP Hồ Chí Minh với thu nhập 2,9 triệu đồng/tháng. Gần đây chị quyết định xin nghỉ việc luôn để về quê với mong muốn tìm được một công việc gần nhà.

Chị cho biết lý do mình không muốn đăng ký học nghề theo chính sách hỗ trợ của BHTN là vì chuyển đổi nghề sẽ mất một quãng thời gian dài để học và trong thời gian này sẽ không có thu nhập, học nghề xong cũng không biết có xin được việc làm hay không. Trong khi đó, trong thời gian mấy năm qua, chị đã thành thạo nghề gắn linh kiện điện tử nên muốn tìm cơ hội theo nghề. 

Đến Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội để làm hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), anh Đặng Quang Huy ở Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, anh không chọn học nghề bởi chính sách học nghề không thực sự thu hút.

Theo anh Huy, anh đã có nghề kỹ thuật điện tử điện lạnh rồi, nếu giờ chuyển đổi nghề khác thì phải mất một thời gian dài đi học, chính sách hỗ trợ học nghề mỗi người chỉ được khoảng 1 triệu/tháng, tối đa được 6 tháng. Số tiền ấy chưa đủ để trả các khoản học ở trường nghề, nói gì đến các khoản chi tiêu khác. Cách giải quyết của anh Huy khi thất nghiệp là đi làm cùng một vài nhóm thợ, gia đình nào cần lắp đặt, sửa chữa thì anh em bảo nhau làm, vừa làm kiếm sống vừa túc tắc chờ tìm chỗ làm mới. 

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có khoảng 13,3 triệu người tham gia BHTN, bằng 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Hơn 5,2 triệu lượt người được hưởng TCTN, được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, với hơn 230.000 người được hỗ trợ học nghề.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số người đề nghị hưởng TCTN trong năm 2020 lên tới gần 1,1 triệu người, tăng 32,3% so với năm 2019. Các cơ quan chức năng đã có quyết định hưởng TCTN cho hơn 1,06 triệu người, với tổng số tiền trợ cấp hơn 18.200 tỉ đồng (mức hưởng bình quân là hơn 3 triệu đồng/người/tháng). 

Cùng với việc nhận tiền trợ cấp, 100% số người hưởng chính sách BHTN còn được tư vấn, định hướng việc làm. Tuy nhiên, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện số người lựa chọn học nghề chiếm tỉ lệ rất thấp trong số người đề nghị hưởng TCTN.

Theo thống kê, năm 2015 có hơn 24.000 người được hỗ trợ học nghề; đến cuối năm 2020, tổng số người được hỗ trợ học nghề là hơn 251.000 người, với số tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN là hơn 482 tỉ đồng. Như vậy có thể thấy, số người được hỗ trợ học nghề chỉ chiếm khoảng 5% số người hưởng TCTN. 

Vì sao không thích học nghề?

Theo các chuyên gia về lao động, nguyên nhân chính dẫn tới thất nghiệp của người lao động hiện nay là do nghề nghiệp hiện tại không phù hợp với nhu cầu của thị trường hoặc trình độ tay nghề không đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Thế nhưng khi được hỗ trợ học nghề thì họ lại từ chối. 

Từ thực tiễn, trao đổi với truyền thông lãnh đạo Phòng BHTN, Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Nghệ An phân tích, nguyên nhân chủ yếu người lao động thất nghiệp không chịu học nghề là do quy định về mức hỗ trợ học nghề còn thấp.

Với mức tiền hỗ trợ và thời gian học ngắn như vậy thì người lao động chỉ được đào tạo nghề sơ cấp, sau khi tốt nghiệp cũng không dễ tìm việc làm. Mà nếu có tìm được việc làm thì mức lương chênh lệch giữa trình độ THPT và trình độ sơ cấp cũng không cao, do vậy người lao động chọn phương án tìm việc làm ngay sau khi thất nghiệp hơn là học nghề.

Thất nghiệp nhưng không muốn học nghề - tình trạng phổ biến của người lao động hiện nay.
 Thất nghiệp nhưng không muốn học nghề - tình trạng phổ biến của người lao động hiện nay.

Trên thực tế, những lớp đào tạo nghề với trình độ sơ cấp thì người lao động chưa đủ khả năng để nâng cao kỹ năng làm việc. Còn nếu muốn nâng cao tay nghề, người lao động phải bỏ thêm chi phí vượt trội.

Trong khi đó, đại đa số người lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh lại là lao động phổ thông, đời sống vốn khó khăn, khi bị mất việc, tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp mới chỉ bù được một phần khó khăn của cuộc sống thì lấy đâu ra tiền để tái đầu tư cho một nghề mới. Do vậy, tâm lý chung của họ là dành thời gian đó để làm các công việc khác nhằm duy trì cuộc sống hơn là đầu tư vào học nghề.

Từ phía cơ quan quản lý nhà nước, lý giải về tình trạng này, lãnh đạo Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, nguyên nhân là do phần lớn lao động thất nghiệp là lao động phổ thông nên không có tích lũy về tài chính để học nghề. Mức hỗ trợ học nghề hiện nay chưa đáp ứng được mức học phí mà các cơ sở đào tạo nghề đang thực hiện.

Theo Cục Việc làm, số liệu thống kê, số người tham gia BHTN tăng dần qua các năm, nhưng thực tế chính sách BHTN mới chỉ tập trung vào việc hỗ trợ sau khi thất nghiệp chứ chưa có nhiều biện pháp chủ động để giúp người lao động duy trì việc làm và tránh thất nghiệp. Đáng chú ý, có không ít trường hợp người lao động chỉ muốn nhận TCTN mà chưa quan tâm đến việc tham gia đào tạo để có việc làm mới.

Thậm chí, một số người lao động còn khai báo không đúng tình trạng việc làm trong quá trình thẩm định giải quyết hưởng TCTN. Hầu hết người lao động đến trung tâm nộp hồ sơ hưởng TCTN đều được tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề miễn phí. Tuy nhiên, thực tế số lao động đăng ký chuyển đổi nghề nghiệp chưa được nhiều so với kỳ vọng. 

TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội nêu quan điểm: “Mức hỗ trợ học nghề hiện nay thấp (hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/tháng) và thời gian hỗ trợ ngắn (tối đa 6 tháng) nên chưa đáp ứng được một số nghề trình độ trung cấp trở lên.

Tại một số địa phương, người lao động ít có cơ hội lựa chọn nghề vì các danh mục nghề đào tạo chưa phong phú, trang thiết bị dạy nghề lạc hậu, ít cơ sở dạy nghề... nên chưa hấp dẫn người lao động tham gia học nghề. Người lao động không học nghề thì khó thoát thất nghiệp. Nhưng cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực hơn để người lao động có thể tiếp cận thuận lợi hơn với các chương trình đào tạo nghề và đảm bảo tỷ lệ có việc làm sau học nghề ở mức cao thì mới thu hút được người thất nghiệp tham gia học nghề”. 

Cần có sự vào cuộc của doanh nghiệp

Được biết, để tăng tính hấp dẫn của chính sách BHTN, đồng thời nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm cho nhóm lao động đặc thù này, Cục Việc làm đã và đang nghiên cứu để đề xuất các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan theo hướng nâng mức hỗ trợ học nghề cho lao động hưởng TCTN; xây dựng danh mục nghề nghiệp, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nguyện vọng của người lao động.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia BHTN thay thế Quyết định 77. Theo đó, mức hỗ trợ học nghề của người lao động được nâng lên so với quy hiện hành và linh hoạt hơn.

Tuy nhiên, còn một số quy định trong luật hiện đang cần nghiên cứu sửa đổi như danh mục nghề được hỗ trợ đào tạo, về thời gian hỗ trợ học nghề... cũng như chưa có cơ chế hỗ trợ cho các khóa đào tạo ngắn hạn.

Và một điều quan trọng nữa là bên cạnh việc điều chỉnh mức hỗ trợ phí học nghề lên cao hơn và kéo dài thời gian học nghề thì cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp.

Cụ thể, nếu doanh nghiệp cần lao động về ngành nghề, lĩnh vực gì thì sẽ trực tiếp mở lớp đào tạo cho người lao động về ngành nghề đó, kinh phí đào tạo sẽ do bảo hiểm xã hội trích từ nguồn BHTN chi trả cho doanh nghiệp. Sau khi học xong, doanh nghiệp nhận lao động vào làm việc đúng với ngành nghề mà doanh nghiệp đã đào tạo cho họ.

Chỉ khi thấy được “đầu ra” mới mong tác động đến nhận thức của người lao động để họ chịu học nghề và chuyển đổi nghề một cách thích hợp, nhằm giảm tỷ lệ người thất nghiệp trên địa bàn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Đọc thêm