Trong sự việc “chụp ảnh con đứng ở cổng trường” xảy ra tại Hải Phòng, phụ huynh đã nhận sai khi có hành vi dàn dựng nhằm trả đũa nhà trường. Nhưng cũng cần nhìn nhận lại gốc rễ sự việc. Trước đó, không đăng kí bán trú nhưng đến trường sớm, em học sinh nói trên đã bị cô giáo và sao đỏ đuổi ra ngoài vì sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ của các em bán trú.
Không những thế, giáo viên còn bắt các em đi học sớm đứng lên bục giảng, chụp ảnh rồi đăng vào zalo của lớp, khiến phụ huynh học sinh xấu hổ, bức xúc và hành động bột phát. Rõ ràng, cả giáo viên và phụ huynh đều có những hành xử chưa thích hợp.
Ở vị thế của người dạy dỗ học sinh và cha mẹ học sinh, họ đã không có những cuộc trò chuyện thiện chí cùng nhau để đưa ra những quy định, thỏa thuận hợp lý hơn, thay vì liên tục làm tổn thương nhau.
Thời gian qua, không ít sự việc đình đám gây bức xúc trong xã hội đến từ hành xử “lệch chuẩn” của một bộ phận giáo viên. Đó là những thầy, cô giáo có thói quen hành hung, sỉ nhục học sinh, làm tổn thương học sinh của mình. Như một trường hợp ở Sóc Trăng, cả một lớp 12 cùng kí đơn xin đổi giáo viên dạy văn vì sợ hãi những trận đòn roi của thầy giáo.
Hay chuyện thầy giáo bắt học sinh liên tục tát vào mặt mình, dùng chân đạp học sinh trong lớp... Còn cả những thầy, cô giáo có nhận thức “lệch lạc”, kì thị giàu nghèo, thậm chí kì thị... mẹ đơn thân như trường hợp một cô giáo ở quận Hoàng Mai, Hà Nội đề nghị những phụ huynh không đủ điều kiện kinh tế, đơn thân không được tham gia Ban phụ huynh.
Đau lòng hơn, có những sự việc giáo viên lạm dụng chức trách của mình để gây ra những hành vi vô đạo đức, xâm hại chính học sinh của mình, như những sự việc đình đám đã được vạch trần thời gian qua trên cả nước.
Ngành Giáo dục cũng chứng kiến không ít sự việc tiêu cực, mà những người thầy đã bị tha hóa, biến chất bởi nhận thức sai lạc, bởi sự lóa mắt do vật chất, dục vọng... Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự mất niềm tin của xã hội, của phụ huynh và học sinh đối với một bộ phận thầy, cô giáo.
“Tôn sư trọng đạo” là một đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta từ ngàn xưa. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, để có được sự “tôn sư trọng đạo” ấy, nhiều thầy, cô giáo đã hết sức nỗ lực, đạo đức và chuẩn mực, xứng đáng với danh hiệu “nhà giáo”.
Trong một xã hội hiện đại mà mọi thứ đều bị “phơi trần”, nhiều giá trị đổ vỡ thì hơn bao giờ hết, người thầy càng cần chuẩn mực, sống đúng với vị thế của mình, có như thế mới mong mối quan hệ phụ huynh - thầy, cô giáo, mối quan hệ thầy - trò còn được gìn giữ, trân trọng.