Băn khoăn khi số ca F0 tăng kỷ lục
Hà Nội hiện cho trẻ mầm non, học sinh lớp 1-6 các quận nội thành nghỉ học, số còn lại vẫn học trực tiếp. Những ngày gần đây, Thủ đô ghi nhận tới 10.000 ca COVID-19 mỗi ngày, tiếp tục xu hướng tăng mạnh ca mắc mới trong cộng đồng từ hai tuần qua. Số F0 là giáo viên, học sinh cũng tăng nhanh, khiến các trường quay cuồng với lịch học lúc online, lúc offline. Trong bối cảnh này, nhiều ý kiến băn khoăn, thành phố có nên duy trì mở cửa trường?
Thực tế, học sinh đến trường trong tuần qua đang giảm dần bởi số học sinh là F0, F1 tăng cao. Cùng với đó, số thầy cô thuộc diện F0, F1 tăng, đồng nghĩa với việc các nhà trường khó duy trì đủ thầy cô đứng lớp. Có khi học sinh lên lớp nhưng 4/5 tiết vẫn học qua hình thức trực tuyến. Các thầy cô F0 nếu không quá nặng vẫn cố gắng dạy học online. Thậm chí, không ít lớp học chỉ duy trì học sinh đến lớp, nhưng các em tự học phần lớn thời gian bởi không đủ giáo viên.
Trong bối cảnh Hà Nội ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 mỗi ngày, một số trường xoay xở tổ chức học kết hợp online và offline: gom F0, F1 vào một lớp tạm thời hoặc gửi các “F” học trực tuyến với những lớp trực tiếp. Tình trạng học sinh đến trường nhưng thầy cô dạy online từ nhà ngày càng trở nên phổ biến. Những bất cập từ mô hình giảng dạy kết hợp này khiến không ít phụ huynh lo ngại.
Theo hiệu trưởng một số trường, có thời điểm, có lớp học chỉ có 1-2 học sinh đến học trực tiếp. Đơn cử tại Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), đến nay đã có gần 1.000 học sinh là F0, F1 và một số giáo viên thuộc diện phải cách li. Đại diện trường này cho rằng, những lớp học sinh đến trường quá ít mà vẫn duy trì dạy học trực tiếp là cứng nhắc và không hiệu quả.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hoà nhận định, quyết tâm đưa trẻ trở lại trường là đúng, nhưng cần căn cứ vào điều kiện thực tế. Nếu quá nhiều học sinh F0, F1, cô cho rằng nên linh hoạt chuyển sang trực tuyến hoàn toàn. Việc tập trung dạy theo một hình thức cũng giúp giáo viên có thể quan sát, quản lý học sinh và dễ dàng thiết kế bài giảng hơn.
Nhiều hiệu trưởng cũng cho rằng, với tình hình dịch bệnh phức tạp cùng sự thiếu hụt cơ sở vật chất, hệ thống chính sách hỗ trợ như hiện nay, Hà Nội nên cho các trường dạy trực tuyến hoàn toàn để ổn định và hạn chế lây nhiễm. Bởi lẽ, với mô hình dạy kết hợp online - offline, như cách các trường học ở Hà Nội triển khai hiện nay, chỉ hiệu quả khi cơ sở vật chất, thiết bị máy móc, đường truyền, chính sách hỗ trợ rất tốt. Chưa kể, việc giảng dạy kết hợp cần có lộ trình chứ không phải thực hiện một cách bị động theo tình huống.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, các trường nên được trao quyền nhiều hơn. Mặc dù học trực tiếp mang lại chất lượng cao, dễ quản lý học sinh nhưng là trong điều kiện bình thường. Với 9.000-10.000 ca nhiễm được ghi nhận mỗi ngày như ở Hà Nội hiện nay, việc học trực tiếp khó thực hiện và không đem lại hiệu quả như mong đợi. Trường Đinh Tiên Hoàng có khoảng 1/3 giáo viên và học sinh là F0. Những em không đủ điều kiện học trực tiếp sẽ được dạy trực tuyến vào buổi tối. Do đó, nếu số F0 ở giáo viên tăng lên 50%, hình thức này cũng không thể duy trì, buộc phải chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn.
Linh hoạt nhưng kiên định đưa học sinh trở lại trường
Tại phiên giải trình do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ GD-ĐT đã báo cáo, giải trình về vấn đề dạy học trong bối cảnh COVID-19. Trao đổi về những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến mở cửa trường học, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận, đây là thời điểm ngành Giáo dục đứng trước thách thức chưa từng có, khó khăn phát sinh rất lớn, dịch bệnh ngày càng phức tạp. Ông Sơn cũng khẳng ngành Giáo dục đã chỉ đạo rất quyết liệt, nhất quán, toàn diện, bám sát thực tế và phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để triển khai việc mở cửa trường học.
Bên cạnh thuận lợi, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chỉ ra một số khó khăn khi học sinh quay trở lại học trực tiếp: nhiều trường phải dạy online - offline hỗn hợp dẫn tới căng thẳng, vất vả cho giáo viên; trường học cho học sinh trở lại nhưng chưa tổ chức bán trú dẫn tới khó khăn trong chăm sóc, đưa đón của phụ huynh. Những lúng túng trong khoanh vùng xử lý ca F0, F1 trong trường học; thời gian cách ly, phương án chăm sóc cho các trường hợp nhiễm, việc test sàng lọc… Tuy nhiên, Bộ trưởng thông tin, những khó khăn này đã phần nào được giải quyết khi mới đây, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chi tiết xử lý những vấn đề nêu trên.
Về định hướng tiếp theo, Bộ trưởng cho biết, ngành Giáo dục tiếp tục nhất quán chỉ đạo đưa học sinh quay trở lại trường học, dẫu đang có nhiều băn khoăn nhưng đưa học sinh quay trở lại trường học là tất yếu, không thể khác. Trên thực tế, mặc dù dịch bệnh phức tạp, một số nơi phải quay lại học trực tuyến nhưng ở nhiều địa phương, lộ trình đưa học sinh đi học trực tiếp vẫn đang được tiếp tục.
“Một số địa phương đưa ra khẩu hiệu, chỉ có một học sinh đến lớp vẫn mở cửa lớp, có ý kiến cho rằng điều này là không hiệu quả. Nhưng tôi lại nghĩ rằng có hiệu quả, đó là sự khẳng định cho một thái độ. Có một vài em số ít gia đình không thể trông nên đưa đến lớp, việc này sẽ cổ vũ cho các cháu khác và những người khác” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh – “Khó có thể có một phương án toàn diện, trong khó khăn cần chọn phương án khả dĩ hơn cả. Phương án hiện nay đang là linh hoạt với tình hình địa phương, nhưng việc đưa học sinh trở lại trường học là kiên định, nhất quán”.