Thay đổi kháng thể thế nào sau tiêm trộn mũi 2 là vaccine Pfizer?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau khi được Bộ Y tế cho phép, bệnh viện Phổi Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai tiêm trộn vaccine mũi 1 AstraZeneca và mũi 2 là vaccine Pfizer. Các chuyên gia y tế đã có những đánh giá ban đầu về việc tiêm trộn 2 loại vaccine này.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Nguồn ảnh: Internet)
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Nguồn ảnh: Internet)

Nồng độ kháng thể tốt khi tiêm trộn vaccine

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, “chúng tôi có tìm hiểu thì nhiều nghiên cứu cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể tiêm trộn 2 loại vaccine, việc tiêm trộn này được các nghiên cứu chứng minh rằng tạo ra kháng thể khác tốt đặc biệt là tránh được các biến thể. Việc phối hợp này đã được Bộ Y tế cho phép. Tại BV Bạch Mai đã thực hiện tiêm trộn 2 loại vaccine như vậy khi có vaccine Pfizer".

Tuy nhiên, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng khuyên người dân tránh tình trạng để quá ngày vì muốn lựa chọn vaccine. Không nên chờ đúng loại vaccine để tiêm trộn, khi tiêm mũi 1 nếu tiêm AstraZeneca rồi đến ngày tiêm mũi 2 có thể tiêm AstraZeneca hoặc vaccine Pfizer, tuỳ theo sự sắp xếp của bệnh viện cũng như sự đồng ý của người tiêm.

“Tất cả các vaccine thường sau khoảng 2 tuần thì nồng độ kháng thể sẽ tăng dần lên trong máu. Thực tế chúng tôi đã làm xét nghiệm trong 1 nhóm tại BV Bạch Mai sau khi tiêm trộn vaccine và kết quả thấy nồng độ kháng thể khá tốt", ông Cơ chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung,Giám đốc Bệnh viên Phổi Trung ương

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung,Giám đốc Bệnh viên Phổi Trung ương

Cũng theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, hiện tại, Bộ Y tế và Chính phủ đã có quyết định ưu tiên cho những người trên 65 tuổi được tiêm phòng vaccine, đặc biệt những bệnh nhân có bệnh lý nền. Tuy nhiên với những người này thì nên được khám sàng lọc rất kĩ trước khi tiêm phòng vaccine. Những người có bệnh lý nền nặng thì nên điều trị ổn định bệnh lý nền của mình. Ví dụ như những người tăng huyết áp, suy tim, tiểu đường…, cần điều trị ổn định bệnh lý trước khi tiêm phòng vaccine. Đây là đối tượng nên tiêm vaccine vì họ có bệnh nền nặng và khi nhiễm COVID sẽ có tỉ lệ tử vong cao hơn nhóm khác.

Bệnh viện phổi Trung ương cũng là tiến hành tiêm trộn vaccine, có những người tiêm mũi 1 là AstraZeneca, mũi 2 là Pfizer. Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viên Phổi Trung ương cho hay, Bộ Y tế cho biết việc tiêm trộn có thể được, mặc dù chưa có bằng chứng hoàn toàn khách quan hay thử nghiệm lâm sàng lớn.

Ông Nhung thông tin thêm, tại một số nước phát triển cũng đã có những bài báo trên tạp chí có uy tín cho thấy tính an toàn, hiệu quả tiêm trộn vaccine có thể tương đương, thậm chí tốt hơn. "Tiêm như vậy cũng là cung cấp bằng chứng thực tiễn, chỉ có 2 yếu tố là có hiệu quả và an toàn hay không, thì trả lời là có an toàn", ông Nhung nói.

Cũng theo Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương, toàn bộ số lượng người tiêm, hỗn hợp hay đơn lẻ tại bệnh viện hầu hết không có phản ứng nặng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là kết quả ban đầu. Về mặt lý thuyết, đa dạng kháng nguyên có thể có những hiệu quả cao hơn nhưng việc này lại đòi hỏi những nghiên cứu khác.

Người bị tim mạch có thể tiêm được tất cả vaccine ngừa COVID-19

Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thông tin, đối với người mắc bệnh tim mạch thì các loại vaccine không ảnh hưởng, những người bị bệnh tim khi được tiêm vaccine không phải lựa chọn loại vaccine nào mà có thể tiêm bất kì loại vaccine nào Bộ Y tế đã phê duyệt.

"Những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch và bệnh lý thì không có chỉ định về tiêm vaccine phòng COVID. Tuy nhiên, những bệnh nhân có bệnh lý về tim mạch đang dùng thuốc chống đông tôi khuyên xét nghiệm đông máu trước khi tiêm. Bởi vì những trường hợp này khi tiêm cần nói rõ ràng với bác sĩ để bác sĩ sử dụng kim tiêm nhỏ thì trường hợp chảy máu hay sang chấn không đáng kể", Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói.

Theo ông Cơ, việc cần làm trước và sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 là phải đăng ký trước khi tiêm, đăng ký ngay tại khu vực của mình đang sinh sống. Có nhiều cách đăng kí tiêm, tuy nhiên hiện đăng kí online là hình thức dễ nhất, đặc biệt phù hợp trong thời kì giãn cách. Tất cả các điểm tiêm đều đã tổ chức đăng kí online.

Vấn đề thứ 2 cần lưu ý,người đi tiêm cũng phải tìm hiểu về các chỉ định tiêm vaccine mà Bộ Y tế đã đăng tải trên cổng thông tin để xem mình có thuốc diện tiêm vaccine hay không.

Sau khi tiêm, tiêm vaccine phòng COVID cũng giống các loại vaccine khác, thông thường người bệnh có thể có những phản ứng phụ như mệt mỏi, sốt, đau tại nơi tiêm… Do vậy, người bệnh nên nghỉ ngơi, hoạt động nhẹ nhàng trong 1 đến 3 ngày sau tiêm. Đặc biệt, trước và sau khi tiêm không nên dùng những chất có cồn, rượu bia và chất kích thích. Hoạt động thể thao nặng trong thời gian này cũng cần hạn chế trong 1 - 3 ngày...

Bộ Y tế có công văn gửi Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố và đơn vị trực thuộc về hướng dẫn tiêm 2 liều vaccine COVID-19. Theo Bộ Y tế, từ tháng 3/2021 đến nay, Bộ Y tế đã tiếp nhận nhiều loại vaccine có công nghệ sản xuất khác nhau như AstraZeneca, Pfizer/BioNtech, Moderna, Sinopharm, Sputnik V...

Qua nghiên cứu bước đầu tại một số quốc gia, đến nay, cơ quan y tế đã có bằng chứng về việc tiêm phối hợp mũi 1 là vaccine AstraZeneca và mũi 2 là vaccine Pfizer đáp ứng miễn dịch tốt. Tuy nhiên, việc tiêm trộn này có thể tăng nhẹ phản ứng thông thường sau tiêm chủng.

Trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vaccine Pfizer/BioNtech cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca, nếu người được tiêm chủng đồng ý (khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8-12 tuần). Tất cả vaccine Bộ Y tế đã lựa chọn và phê duyệt để mua về sử dụng cho người dân hoàn toàn đã được thông qua các hội đồng khoa học thẩm định và an toàn có hiệu quả để sử dụng cho người dân trong tình hình dịch hết sức phức tạp như hiện nay. Do vậy người dân không nên có tâm lý chờ đợi, chọn vaccine để tiêm, làm mất đi khoảng thời gian quý báu phòng dịch. Người dân nếu đến lượt cần tiêm ngay.

Đọc thêm