Thay đổi tư duy để phát triển giá trị hệ sinh thái rừng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, cần có tư duy mới về rừng trong bối cảnh phải cân đối giữa sứ mệnh giữ rừng và tạo ra giá trị từ rừng.
Thay đổi tư duy để phát triển giá trị hệ sinh thái rừng

Tại tọa đàm “Xã hội hoá trồng rừng - Vì một Việt Nam xanh hơn” do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 20/11, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp thông tin, Nhà nước hiện đóng cửa rừng tự nhiên ít nhất đến năm 2030, nên rừng đặc dụng, phòng hộ (khoảng 7 triệu ha) phải giữ nguyên. Phần còn lại, khoảng 4 triệu ha rừng phòng hộ cần để phục hồi. Do đó, chỉ còn gần 4 triệu ha có thể khai thác, sản xuất.

Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp nhận định, hạ tầng lâm nghiệp tại các vùng như Tây Bắc, Tây Nguyên có nhiều dư địa về trồng rừng nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Theo ông Trần Nho Đạt, Phòng Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ - Cục Lâm nghiệp, hàng năm, rừng Việt Nam cung cấp khoảng 31 triệu m3 gỗ, góp hơn 17 tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, rừng còn tiềm năng lớn về giảm phát thải, hấp thụ và lưu giữ các bon và cung cấp dịch vụ môi trường rừng.

Tuy nhiên, bảo tồn, phát triển rừng còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, chủ yếu là thiếu quy hoạch vùng trồng gỗ lớn tập trung, chưa có tổ chức sản xuất theo chuỗi và mức thu còn chưa tương xứng với giá trị mang lại.

Hiện Bộ NN&PTNT, trực tiếp là Cục Lâm nghiệp, được giao xây dựng Đề án Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến trong tháng 11/2023, Bộ sẽ hoàn thiện và trình Chính phủ.

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đề án nêu ra 6 giải pháp trọng tâm. Đó là: Cơ chế chính sách; Quản lý rừng và phát triển vùng nguyên liệu; Khoa học và công nghệ; Tổ chức sản xuất; Đào tạo, tập huấn, tuyên truyền nâng cao năng lực; Hợp tác quốc tế.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

"Chúng tôi ưu tiên các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng, phục hồi, nâng cao chất lượng rừng. Song song với đó, là phát triển bền vững lâm sản ngoài gỗ, dược liệu gắn với văn hóa truyền thống của cộng đồng, người dân địa phương"- ông Đạt nói.

Chia sẻ tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cần có một tư duy mới về rừng trong bối cảnh phải cân đối giữa sứ mệnh giữ rừng và tạo ra giá trị từ rừng.”Quan điểm thuê người dân giữ rừng cần chuyển đổi sang làm thế nào để tạo ra được nhiều việc làm, nhiều sinh kế dưới tán rừng thì mới bền vững, hiệu quả và đó là lý do vì sao định nghĩa “rừng đa dụng” ra đời…”- Bộ trưởng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, giá trị của rừng đem lại hiện vẫn chưa xứng đáng với tiềm năng của rừng. “Nếu chúng ta khám phá được những giá trị to lớn hơn, thì ngay cả các DN cũng sẽ vào cuộc, cùng người dân và cơ quan chức năng để bảo vệ và phát triển rừng”- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Đồng thời nhấn mạnh, mở cửa rừng là mở một tư duy mới về rừng và tạo ra không gian giá trị nhiều hơn cho rừng. “Rừng không chỉ là kinh tế, giá trị môi trường mà còn giá trị về cộng đồng, giá trị về văn hóa, tín ngưỡng ngàn đời của bà con” - người đứng đầu Bộ NN&PTNT phân tích và nhấn mạnh thêm, khi bà con hiểu được rằng, tán rừng mất đi là giá trị dưới tán rừng cũng mất đi thì ai cũng tự giác giữ rừng.

Mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng tại xã Nâm Xe, Phong Thổ (Lai Châu)Mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng tại xã Nâm Xe, Phong Thổ (Lai Châu)

Với các DN, Bộ trưởng gợi ý, các DN cần có thêm sự thay đổi, thay vì quan hệ mua - bán với người trồng rừng, có lẽ cần ngồi lại với nhau để xem đó là sự đầu tư, hợp tác với người dân. Cụ thể, các DN có thể phối hợp với người dân, tạo nên một chuỗi liên kết, hình thành các hợp tác xã, tạo ra sự ưu tiên cho những cộng đồng, tạo ra không gian để bà con có thể giữ rừng một cách tự nguyện và hiệu quả.

"Nhìn rừng không chỉ có rừng, không chỉ có gỗ mà còn là văn hóa, là tín ngưỡng và đó là những giá trị to lớn hơn rất nhiều. Qua đó, không chỉ người dân mà các lực lượng chức năng đang làm công tác giữ rừng cũng yên tâm hơn để hoàn thành nhiệm vụ..."- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Theo Bộ NN&PTNT, trong nhiều năm qua, nhà nước đã khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng, thông qua nhiều chính sách quan trọng như giao đất giao rừng, các chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, hỗ trợ vốn vay ưu đãi,… Từ đó đã huy động tổng lực, đa dạng các nguồn vốn để thực hiện, trong đó nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 17%, còn lại 83% là nguồn vốn xã hội hóa từ huy động đầu tư, đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, DN, cá nhân.

Đọc thêm