Theo cập nhật gần nhất của đại diện Bộ Công Thương trong Tọa đàm “Thực trạng thuốc lá mới và giải pháp giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 19/10 vừa qua, Bộ đang tiếp tục đề xuất các giải pháp tiệm cận nhất với quan điểm của Bộ Y tế để đi đến kết luận đồng thuận sau hai lần trình Đề án lên Chính phủ với ý kiến khác biệt.
Cũng trong Tọa đàm này, các đại biểu đều thống nhất, các cơ quan tham mưu cho Chính phủ cần phải thay đổi tư duy về kiểm soát thuốc lá mới theo hướng tiếp cận đa chiều, hòa hợp lợi ích và tránh lý thuyết hay giải quyết vấn đề một chiều.
Quản lý thuốc lá mới: Đi từ nhận thức đến hành động
TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nêu quan điểm: “Đối với loại thuốc lá mới này, chúng ta phải đi từ nhận thức rồi mới đến hành động của các bên”.
Để bổ sung ý kiến trên, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp chỉ ra rằng, hiện nay vẫn còn nhiều nhầm lẫn trong việc phân biệt các loại thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử. Thậm chí, việc nhầm lẫn này còn xảy ra ở các cơ quan quản lý, cơ quan tham mưu, từ đó dẫn đến không thể đưa ra quyết định kiểm soát phù hợp cho hai sản phẩm này.
Ông Nguyễn Đức Kiên (trái) và ông Lê Đại Hải (phải) tại Tọa đàm. (Ảnh: PV) |
Trả lời câu hỏi “Thuốc lá mới có phải là thuốc lá không?”, ông Hải nói: “Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) đã định nghĩa rõ thế nào là thuốc lá, cho nên, cứ sản phẩm nào đáp ứng những tiêu chí đó thì nó là thuốc lá”. Đồng thời, ông Hải trích lại Điều 2.1 Luật PCTHTL: “Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”.
Theo đó, ông Hải khẳng định thuốc lá làm nóng là thuốc lá vì được tạo nên từ nguyên liệu thuốc lá, chỉ khác biệt là dùng thiết bị điện tử để làm nóng điếu thuốc tạo ra hơi chứa nicotine cho người dùng hít vào, thay vì hút trực tiếp điếu thuốc đốt cháy như thông thường. Sản phẩm thuốc lá này chỉ có một loại. Còn với thuốc lá điện tử, đây là sản phẩm phức tạp hơn với hai dạng đóng và mở. Trong đó, thuốc lá điện tử dạng mở đang là đối tượng bị kẻ xấu lợi dụng để bơm các chất cấm, chất ma túy trá hình vào, dẫn tới các trường hợp sốc, ngộ độc trong thời gian qua.
Ông Kiên và ông Hải đồng tình, phải ưu tiên thay đổi nhận thức rõ ràng về sản phẩm và cách tiếp cận vấn đề trong quản lý thuốc lá mới. Đồng thời, các Bộ, ngành liên quan phải phối hợp cùng nhau đề ra phương hướng hòa hợp, toàn diện và đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh thực tế khách quan về xu hướng sử dụng sản phẩm mới là khó tránh khỏi.
Cần đồng bộ, quyết liệt trong quản lý thuốc lá mới
Theo ông Kiên, Chiến lược mới nhất của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 568/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về PCTHTL đến năm 2030) nêu rõ, cần đề xuất giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ quyết liệt để kiểm soát thuốc lá mới, chứ không đặt vấn đề ngăn cấm.
Dựa theo chỉ đạo của Chính phủ nêu trên, ông Kiên khẳng định, cần tôn trọng quy luật cung - cầu của thị trường để từ đó đưa ra những chính sách đồng bộ trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, tránh thất thu ngân sách Nhà nước, ổn định về giá cả để tránh việc khiến thuốc lá mới trở thành sản phẩm siêu lợi nhuận. Như vậy, mới đảm bảo được sức khỏe người dân, nhất là thế hệ trẻ trước vấn nạn thuốc lá mới nhập lậu.
Quyết định 568/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về PCTHTL đến năm 2030. (Ảnh minh họa: PV) |
Về thực trạng thuốc lá mới ảnh hưởng đến giới trẻ, ông Hải cho rằng, Luật PCTHTL đã đưa ra quy định rõ ràng về đối tượng bị nghiêm cấm sử dụng thuốc lá. Vì vậy, dù thuốc lá mới hay thuốc lá truyền thống cũng đều bị cấm sử dụng đối với trẻ vị thành niên. Ông còn nhấn mạnh, kẽ hở pháp lý với thuốc lá mới trong những năm qua đến từ sự “chần chừ” của các Bộ tham mưu cho Chính phủ.
Về mặt giải pháp, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra 3 đề xuất trong định hướng kiểm soát thuốc lá mới dựa trên Luật PCTHTL. Đầu tiên, cần giảm nhu cầu sử dụng của tất cả các loại thuốc lá vì không có cầu, cung sẽ giảm, đó là vấn đề Quốc hội đặt ra cho từng cá nhân và xã hội. Đề xuất thứ hai là kiểm soát chặt chẽ và toàn diện nguồn cung thuốc lá ở mọi hình thức (doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước). Cuối cùng là quy định các điều kiện để PCTHTL.
Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cũng kiến nghị bảo vệ giới trẻ bằng cách có thể cấm đúng đối tượng, đúng mục đích, chẳng hạn như hành vi quảng cáo, mua bán, thu hút, gây ảnh hưởng đến đối tượng trẻ.
Do đó, cần phải có các biện pháp thực tiễn, hiệu quả hơn dựa trên nền tảng cân bằng, hài hòa và đồng bộ nhằm đảm bảo nhu cầu hợp pháp của người tiêu dùng. Song song với đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp cùng với chế tài nghiêm minh trong phòng chống buôn lậu, kiểm soát kênh bán lẻ, kiểm tra độ tuổi… nhằm ngăn chặn giới trẻ tiếp cận với mọi loại thuốc lá như Luật đã quy định.