Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo như vậy tại Hội nghị Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) nông nghiệp, nông thôn (NN, NT) gắn với xây dựng nông thôn mới diễn ra sáng qua (20/8).
Chưa có đột phá về thể chế và nhận thức
Qua 30 năm thực hiện CNH-HĐH NN, NT, việc cơ giới hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật hiện đại trong sản xuất nông nghiệp, nòng cốt là hợp tác xã từng bước được đổi mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả quan trọng. Đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân được cải thiện; chính trị - xã hội, trật tự an toàn khu vực nông thôn được ổn định.
Tuy nhiên, ông Vương Đình Huệ - Trưởng ban Kinh tế Trung ương chỉ ra, nền nông nghiệp hiện nay chưa xác định rõ những ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên trong chính sách công nghiệp quốc gia cho từng giai đoạn; thiếu gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa CNH - HĐH với đô thị hóa, giữa phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn với xây dựng nông thôn mới; chưa nhận thức đầy đủ và xử lý mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Quá trình CNH - HĐH NN, NT những năm qua diễn ra còn chậm so với mục tiêu cũng như so với các nước đi trước ở cùng giai đoạn phát triển như nước ta. Chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao; năng suất lao động và thu nhập của người nông dân còn thấp. Tỷ trọng lao động trong nông nghiệp còn lớn. Sự phát triển giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng còn thiếu liên kết và phối hợp…
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, NN, NT nước ta vẫn là khu vực chậm phát triển và phát triển thiếu bền vững; đang còn không ít khó khăn như đầu tư cho nông, lâm nghiệp, thủy sản chưa tương xứng với vị trí, vai trò của ngành, thị trường nông thôn yếu kém tác động tiêu cực đến “đầu vào” và “đầu ra” của sản xuất nông nghiệp, một số chính sách của Nhà nước lại chưa đủ mạnh để kích thích sản xuất nông nghiệp….
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức, chưa có đột phá về thể chế để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực phát triển theo cơ chế thị trường; chưa xác định rõ những ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên trong chính sách nông nghiệp quốc gia cho từng giai đoạn….
Không thể làm nhanh nhưng không nên quá chậm
Việt Nam có 70% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, gần 50% lao động hoạt động trong nông nghiệp, vì vậy phát triển NN, NT mang ý nghĩa quan trọng. Trong bối cảnh hội nhập thì yêu cầu nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp là hết sức cấp bách.
Nhưng “đẩy mạnh CNH - HĐH NN, NT gắn với xây dựng nông thôn mới không thể làm nhanh cũng không nên quá chậm” – các chuyên gia lưu ý. Để đẩy mạnh CNH - HĐH NN, NT, cần phải nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí quan trọng của NN, NT; tập trung cao hơn với những dự án thiết thực, cụ thể để đẩy nhanh CNH - HĐH NN, NT; dành một tỷ lệ tương xứng các nguồn vốn huy động được để đầu tư cho phát triển NN, NT; đổi mới chính sách và khơi thông các điểm nghẽn để thực sự giải phóng sức sản xuất ở nông thôn và thu hút các nguồn lực cho phát triển toàn diện.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, cần phải thay đổi tư duy sản xuất từ “sản xuất cái ta có” sang “sản xuất cái thị trường cần, sản xuất các mặt hàng có lợi thế theo từng vùng, từng tỉnh”, từ đó xây dựng lợi thế quốc gia để nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, cạnh tranh với nền sản xuất nông nghiệp thế giới, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân.
Trong mô hình sản xuất cần phải liên kết tạo ra những sản phẩm mới chất lượng cao, năng suất cao, liên kết các doanh nghiệp gắn sản xuất, tiêu thụ với chế biến… Giá trị bình quân sản xuất nông nghiệp hiện nay mới đạt 120 - 130 triệu đồng/ha là quá thấp, vì vậy cần phải đẩy mạnh tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, sản phẩm cạnh tranh được với thế giới…
Qua 30 năm đổi mới, tăng trưởng GDP của khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản bình quân đạt 3,7%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại. Tính đến hết năm 2014, đóng góp GDP của khu vực này trong nền kinh tế còn hơn 18%, tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm từ 70% trong những năm 1990 còn khoảng 47%. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 30 tỷ USD vào năm 2014. (Nguồn: Ban Kinh tế Trung ương)