Thấy gì qua điểm trúng tuyển đại học?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các trường đại học đã công bố điểm trúng tuyển và nhập kết quả chính thức lên hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm nay, 30 điểm vẫn có thể trượt nguyện vọng 1 ở khối C, 27 điểm vẫn có thể trượt ở các ngành kinh tế, ngành công nghệ các trường tốp đầu.
Thấy gì qua điểm trúng tuyển đại học?

Điểm cao ngất ngưởng

Năm nay các ngành có xu hướng tăng điểm chuẩn nhiều như nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin, khoa học dữ liệu, công nghệ sinh học. Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội năm nay có 68% thí sinh đạt 29 điểm trở lên ở 3 môn tổ hợp A00 và A01 trúng tuyển ngành khoa học máy tính. Với chỉ tiêu 300, điểm chuẩn IT1 là 28,43 điểm.

Tương tự, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, PGS.TS Bùi Quốc Triệu - Trưởng Phòng Đào tạo cho biết điểm chuẩn trúng tuyển vào trường cao nhất là 28,3 điểm (ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng), nhiều ngành khác cũng có mức điểm từ 28 trở lên như kiểm toán, kinh tế quốc tế, thương mại điện tử. Ngành có mức điểm trúng tuyển vào trường thấp nhất là kinh doanh nông nghiệp, quản lý tài nguyên và môi trường, cùng 26,9 điểm.

Trường ĐH Ngoại thương, điểm chuẩn cao nhất là 28,55 và thấp nhất là 28,05. Như vậy để vào được ĐH Ngoại thương, thí sinh phải đạt từ 9,35 điểm/môn. Tuy nhiên, giữ kỷ lục điểm chuẩn khối C thuộc về ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của ĐH Hồng Đức với mức điểm 30,5 điểm. Đây là mức điểm kỷ lục chưa từng có của hầu hết các trường ĐH, đặc biệt là ĐH vùng như ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa). Với mức điểm chuẩn này, ngoài việc điểm thi cao, thí sinh còn phải có thêm điểm cộng ưu tiên mới có cơ hội trúng tuyển. Ngoài ra, ĐH Hồng Đức còn có điểm chuẩn cao ngất ngưởng như ngành Sư phạm Lịch sử chất lượng cao với 29,75 điểm; ngành Sư phạm Lịch sử 28,5 điểm; ngành Sư phạm Toán học chất lượng cao với 27,2 điểm.

Tiếp đó là ngành Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân của Học viện Chính trị Công an Nhân dân với mức điểm chuẩn lên tới 30,34 điểm. Mức điểm này được áp dụng với thí sinh nữ phía Bắc xét tuyển bằng tổ hợp C00. Điểm chuẩn ngành Nghiệp vụ An ninh của Học viện An ninh Nhân dân cũng ở mức rất cao với 29,99 điểm, áp dụng cho thí sinh nữ ở địa bàn 1 (10 tỉnh miền núi phía Bắc), dự thi khối A01; 29,84 điểm với thí sinh nữ ở địa bàn 2 (gồm các tỉnh, thành ở khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ). Điểm chuẩn trên 29 cũng xuất hiện ở nhiều trường như Học viện Cảnh sát nhân dân, Chính trị Công an nhân dân, ĐH An ninh nhân dân.

Và điểm chuẩn năm thứ hai đạt kỷ lục thuộc về ngành Hàn Quốc học ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội với điểm chuẩn tròn 30 điểm vào năm nay. Cũng ở khối C, Trường ĐH Luật Hà Nội, ngành lấy điểm chuẩn cao nhất là Luật Kinh tế (khối C00) là 29,25 điểm. Xếp thứ 2 là điểm chuẩn ngành Luật (khối C00) với mức 28 điểm…

Trước điểm chuẩn gây sốc ở các ngành trên, theo lý giải của lãnh đạo các trường ĐH, do đề thi giảm độ khó so với năm trước, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của các ngành này đều rất ít. Điều đáng nói, đây là những ngành học thí sinh sẽ có nhiều ưu đãi như miễn học phí, có thêm một khoản chi phí sinh hoạt và các em không phải lo xin việc. Bởi thế, ĐH Hồng Đức chỉ dành có 60 chỉ tiêu cho cả 4 ngành đào tạo sư phạm Toán học, Vật lý, Ngữ văn, Lịch sử chất lượng cao, mỗi ngành có 15 chỉ tiêu.

Và khối ngành an ninh với truyền thống điểm cao bởi thí sinh sẽ không phải lo học phí và việc làm khi theo học. Khối trường này cũng có chỉ tiêu rất ít cho thí sinh nữ, nên thí sinh nữ phải thật sự tự tin với điểm thi gần như tuyệt đối mới có thể đăng ký vào khối ngành này. Còn ở ngành Hàn Quốc học, theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ngoài chỉ tiêu vào ngành học này hạn chế, trong đó, nhà trường đã xét tuyển thẳng hơn một nửa số chỉ tiêu. Thêm nữa, hai năm lại đây, các trường ĐH đã linh hoạt xét tuyển bằng nhiều hình thức, nên nhiều thí sinh đã trúng tuyển trước đó.

Khó phân loại thí sinh giỏi

Qua thống kê các trường có thể thấy, hầu hết điểm chuẩn của nhiều ngành xét tuyển theo tổ hợp có môn Tiếng Anh tăng phi mã. Ví dụ như, ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là một trong những trường tăng kỷ lục về điểm trúng tuyển. Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, xét tuyển theo tổ hợp A00, A01, C00, D01, tăng đến 9 điểm, từ 16 điểm năm 2020 lên 25 điểm năm 2021. Học viện Chính sách và Phát triển cũng có điểm chuẩn tăng mạnh ở các ngành xét tuyển theo hai tổ hợp bao gồm môn Tiếng Anh như A01 và D01.

Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng công bố điểm chuẩn 17 trường với mức cao nhất theo kết quả thi tốt nghiệp THPT là 29,44. Mức điểm 29,44 áp dụng với thí sinh nữ xét tuyển bằng tổ hợp D01 vào ngành Ngôn ngữ Anh của Học viện Khoa học quân sự. Điểm này đã được quy đổi về thang 30 sau khi nhân hệ số 2 môn tiếng Anh. Ngành có điểm chuẩn cao thứ hai là Ngôn ngữ Nga cũng thuộc Học viện Khoa học quân sự. Thí sinh nữ thi tổ hợp D01 và D02 vào trường phải đạt điểm 29,3. Ở nhóm ngành ngoài ngôn ngữ, mức cao nhất là 28,5, xuất hiện ở một số trường như Học viện Quân y, Học viện Biên phòng, Trường Sĩ quan chính trị…

So với năm ngoái, điểm chuẩn đầu vào khối ngành ngôn ngữ tăng mạnh, soán vị trí dẫn đầu của ngành Y. Điều này có thể lý giải do năm nay điểm thi Ngoại ngữ cao hơn.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, kỳ thi diễn ra trong đại dịch nên đề thi khá dễ thở - kỳ thi nghiêng về tốt nghiệp THPT hơn là xét tuyển ĐH, bởi tính phân loại của đề thi không cao. Song thực tế, việc lạm phát điểm cao sẽ khó phân loại thí sinh giỏi.

Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Hóa học ở Hà Nội, cho rằng năm 2021, điểm chuẩn của nhiều ngành xét tuyển theo tổ hợp có môn Tiếng Anh tăng phi mã. Năm ngoái, nhiều trường đã ở mức điểm cao kỷ lục, năm nay còn tăng thêm. Bởi những năm trước, thí sinh đạt mức điểm đó đã là thủ khoa của trường. Năm 2021, cùng mức điểm như vậy, thí sinh vẫn trượt, do đề thi tiếng Anh chưa phân loại tốt, điểm thi cao. Do đó, điểm trúng tuyển cao hơn 4-9 điểm so với năm ngoái. Điều này, dẫn trường hợp có những trường tuyển sinh hàng nghìn sinh viên mà điểm chuẩn ngành thấp nhất cũng gần 27 điểm.

Năm nay, theo thầy Ngọc, rất nhiều thí sinh đã đỗ với điểm sát nút, ví dụ như 26,5 điểm, trên 27 điểm với cùng ngành hot ở những trường vừa sức hơn. Do đó, thực tế, yếu tố quyết định đỗ hay trượt chỉ là may rủi chứ không phải năng lực thực sự của thí sinh. Điểm chuẩn tăng cao dẫn đến thí sinh khó dự đoán để sắp xếp, đặt nguyện vọng cho phù hợp. Nhiều thí sinh 27 điểm vẫn trượt ở các khối ngành kinh tế và công nghệ tốp đầu như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương…

Cùng với đó, nhiều thầy cô cho rằng, điểm chuẩn cao ngất ngưởng vẫn thuộc về những ngành hot hoặc theo trào lưu. Còn đó những ngành đòi hỏi kiến thức cao mang tính chất chuyên ngành như khoa học vũ trụ, các chuyên ngành khối tự nhiên khoa học cơ bản như Toán, Lý, Hóa ở nhiều trường chưa đến 20 điểm. Đây là điều chạnh lòng những chuyên gia đầu ngành khi không hút được thí sinh giỏi vào những ngành học cơ bản này…

Do vậy, theo thầy Ngọc, nếu năm sau, điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn được sử dụng để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, thầy Ngọc mong muốn Bộ GD-ĐT tính toán lại độ phân hóa đề thi để đảm bảo được cả hai nhiệm vụ vừa để tốt nghiệp THPT và vừa để xét tuyển ĐH.

Thí sinh làm gì sau khi biết điểm chuẩn?

Đối với thí sinh trúng tuyển kỳ tuyển sinh 2021 đợt 1, sau khi các thí sinh biết chắc chắn mình đã trúng tuyển sẽ cần nộp giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021 bản gốc trước 17h ngày 26/9. Thí sinh có thể nộp theo 2 hình thức là qua đường bưu điện hoặc nộp trực tuyến.

Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT đã đề nghị các trường đại học cho thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến. Các trường sẽ hướng dẫn các thí sinh gửi ảnh mã vạch qua hình thức trực tuyến để xác nhận và nhập mã vạch lên hệ thống. Nếu sau thời hạn 17h ngày 26/9, các thí sinh không xác nhận nhập học được xem là từ chối nhập học.

Để làm thủ tục nhập học tại trường, các thí sinh cần tham khảo các giấy tờ bắt buộc phải có khi nhập học. Về cơ bản sẽ cần các giấy tờ sau: Sơ yếu lý lịch, giấy khai sinh, giấy chứng nhận tốt nghiệp, học bạ... Lưu ý yêu cầu công chứng hoặc yêu cầu bản gốc.

Trong giấy báo nhập học, các trường đại học sẽ ghi thời gian nhập học là khi nào. Thí sinh cần xem chính xác thời gian, địa điểm để nhập học đúng quy định.

Các thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 vẫn có thể làm theo 2 cách sau để tiếp tục xét tuyển: Xét tuyển dựa theo kết quả học bạ THPT; Xét tuyển nguyện vọng bổ sung: Các thí sinh hãy tìm hiểu thông tin tuyển sinh đợt 2 của các trường đại học còn xét tuyển theo kết quả học bạ THPT.

Các thí sinh tìm hiểu thông tin trên website các trường đại học và đảm bảo nộp tuyển vọng bổ sung theo thời gian Bộ GD&ĐT quy định.

Đọc thêm