Thấy gì từ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 1?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo Mai Văn Trinh đã có những lý giải, chia sẻ về điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 1 vừa qua.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Kết quả thi phản ánh khách quan chất lượng dạy học

- Thưa ông, với phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2021 (đợt 1), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có nhận xét gì?

- Qua tiến hành phân tích một số môn thi và tổ hợp xét tuyển truyền thống cho thấy, phổ điểm các môn thi năm nay so với năm 2020 về cơ bản không thay đổi gì nhiều. Điều đó có nghĩa kỳ thi tốt nghiệp năm 2021 về cơ bản ổn định như năm 2020 và sát với bản chất của kỳ thi.

Phân tích phổ điểm cho thấy, đề thi đã bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng, phù hợp với mục đích kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng vẫn có sự phân hóa phù hợp. Đi sâu vào phân tích phổ điểm các vùng miền, kết quả thi năm nay phản ánh khách quan chất lượng dạy học của học sinh giữa các vùng miền. Những tỉnh, vùng miền có truyền thống, có điều kiện dạy học tốt thì kết quả thi cao hơn. Các tỉnh, địa phương, vùng miền còn khó khăn thì kết quả học tập thể hiện qua kỳ thi năm nay thấp hơn.

- Trong số các môn thi, phổ điểm của môn Tiếng Anh năm nay xuất hiện đỉnh thứ hai. Đây có phải hình dáng bất thường của phổ điểm hay không và nó nói lên điều gì, thưa ông?

- Phổ điểm chung của cả nước đối với môn Tiếng Anh năm nay xuất hiện 2 đỉnh và dường như là phép cộng của 2 phổ điểm chuẩn. Một phổ điểm ứng với vùng có số điểm thấp, một phổ điểm ứng với vùng có số điểm cao hơn. Cũng cần nói thêm rằng, phổ điểm môn Tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của cả nước khá đồng dạng với phổ điểm thi Tiếng Anh của một số tỉnh, thành phố lớn vốn có sự khác biệt rõ về điều kiện dạy học, nhất là điều kiện dạy học môn Ngoại ngữ giữa các quận, huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.

Theo Bộ GD-ĐT, về cơ bản trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và trung bình điểm học bạ lớp 12 theo từng môn học có sự tương đồng và khoảng cách được thu hẹp hơn so với năm 2020. Nhiều môn ở nhiều tỉnh, thành phố có chênh lệch trên dưới 1 điểm.

Đối với các môn có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 còn thấp, như Tiếng Anh, Lịch sử, mức chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi có phần cao hơn các môn khác. Theo Bộ GD-ĐT, kết quả học tập môn Tiếng Anh và môn Lịch sử của học sinh còn hạn chế; quá trình kiểm tra, đánh giá các môn này trong trường phổ thông có phần “rộng” hơn. Đây là lý do dẫn tới độ chênh giữa trung bình điểm học bạ lớp 12 và trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh, Lịch sử cao hơn các môn khác.

Để có cách nhìn toàn diện, chính xác với phổ điểm môn Tiếng Anh, chúng tôi đã phân tích phổ điểm của từng nhóm thí sinh ở các vùng miền khó khăn và vùng miền có điều kiện dạy học thuận lợi. Đối với nhóm thí sinh thuộc vùng miền khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên…, đặc biệt 2 năm qua bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, các em phải học trực tuyến khiến việc học ngoại ngữ bằng hình thức này có những thiệt thòi nhất định. Kết quả phân tích phổ điểm của nhóm thí sinh thuộc vùng miền này cho thấy điểm trung bình thấp hơn nhưng dạng phổ điểm gần với phân bố chuẩn.

Tương tự phân tích với nhóm thí sinh ở vùng có điều kiện thuận lợi hơn thì kết quả điểm trung bình tốt hơn, có nhiều điểm cao hơn và phổ điểm cũng gần với phân bố chuẩn. Từ việc phân tích như vậy cho thấy, đề thi môn Tiếng Anh năm nay đã phản ánh khách quan kết quả học tập của thí sinh cũng như phản ánh trung thực điều kiện dạy học của các nhà trường là khác nhau, đặc biệt giữa các nhà trường ở vùng thuận lợi và vùng khó khăn.

Chất lượng dạy và học môn Ngoại ngữ trong trường phổ thông thời gian gần đây đang được chú trọng hơn, xu hướng đổi mới dạy học ngoại ngữ những năm gần đây đã thu hút nhiều học sinh đầu tư vào học Tiếng Anh. Số lượng học sinh dùng điểm thi môn Tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển vào các trường đại học khá nhiều, trong đó có cả trường top cao. Bên cạnh đó, cũng có nhiều học sinh phấn đấu để đạt được chứng chỉ ngoại ngữ uy tín để sử dụng tuyển sinh trong nước và du học nước ngoài. Điều này dẫn đến có nhiều học sinh đạt kết quả cao môn Ngoại ngữ trong kỳ thi năm nay.

Thuận lợi làm cơ sởtuyển sinh đại học

-Với môn Giáo dục công dân, năm nay số điểm 10 môn này là 18.640 bài thi, dẫn đầu với các môn thi khác và cao gấp nhiều lần năm trước. Ông có nhận định gì về điều này?

- Môn Giáo dục công dân dẫn đầu là kết quả thú vị. Nhiều năm qua, trong đổi mới giáo dục, công tác giáo dục đạo đức, pháp luật trong nhà trường được nâng cao. Ngoài nhiều chương trình giáo dục trong nhà trường có các chương trình, dự án hỗ trợ nhà trường trong giáo dục đạo đức, nhân cách cho các em. Đáng chú ý, định hướng ra đề thi môn Giáo dục công dân những năm gần đây là không đi nặng vào việc yêu cầu học sinh ghi nhớ máy móc mà tăng cường câu hỏi vận dụng pháp luật, gắn liền với những gì diễn ra trong đời sống xã hội. Vì vậy, bằng phương pháp vận dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống giải quyết vấn đề thì nhiều học sinh đã vận dụng xử lý được vấn đề.

Kết quả môn Giáo dục công dân cũng cho thấy, việc đổi mới dạy học Giáo dục công dân và ra đề thi môn Giáo dục công dân theo hướng thực hành pháp luật, nâng cao các chuẩn mực đạo đức, vận dụng pháp luật vào cuộc sống là một định hướng đúng. Xu hướng này, tinh thần này cần được tiếp tục được triển khai trong dạy học, kiểm tra, đánh giá môn Giáo dục công dân trong những năm tới.

- Với phổ điểm thi năm nay, ông đánh như thế nào về tác động của kết quả thi tốt nghiệp THPT đối với công tác tuyển sinh của các trường đại học?

- Phân tích phổ điểm của một số tổ hợp xét tuyển truyền thống cho thấy phổ điểm của các tổ hợp này khá gần với phân bố chuẩn. Điểm trung bình của các tổ hợp tăng nhẹ so với năm 2020, kết quả thi có độ phân hóa tốt. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học, kể cả các trường top cao làm cơ sở để tuyển sinh.

- Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm