Thấy gì từ hiện tượng du lịch quốc tế quá tải?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Du lịch quá tải đang trở thành một vấn đề cấp bách, ảnh hưởng đến các điểm du lịch nổi tiếng trên toàn cầu. Thực trạng này khiến nhiều quốc gia phải điều chỉnh các chính sách du lịch như tăng thuế, phí để kiểm soát dòng du khách và giảm các tác động tiêu cực.
Người dân Barcelona (Tây Ban Nha) phản đối du lịch quá tải. (Ảnh: AP)
Người dân Barcelona (Tây Ban Nha) phản đối du lịch quá tải. (Ảnh: AP)

Châu Âu phản ứng với quá tải du khách

Sự gia tăng của các chuyến bay quốc tế, dịch vụ lưu trú giá rẻ, quảng bá du lịch rầm rộ đang khiến nhiều điểm đến ở châu Âu tràn ngập du khách quốc tế. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là tín hiệu vui khi dòng khách du lịch quá đông đúc vào cùng một thời điểm, gây áp lực lên cơ sở hạ tầng, làm suy giảm môi trường tự nhiên và xáo trộn cuộc sống của người dân địa phương.

Thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) và Venice (Ý) là những ví dụ tiêu biểu, nơi các con đường nhỏ hẹp và trung tâm lịch sử tràn ngập hàng triệu du khách mỗi năm. Thành phố Venice đón một lượng du khách khổng lồ hàng năm, ước khoảng gần 30 triệu người. Chính quyền địa phương đã triển khai một loạt các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại, trong đó thành phố đã thử nghiệm áp dụng thuế du lịch ngắn ngày từ tháng 4 đến tháng 7 và đã thu về kết quả tích cực. Được biết, khoản phí 5 euro (khoảng 5,35 USD), có thể được thanh toán một lần và cho phép đi lại trong ngày đến Venice và các hòn đảo nhỏ của khu vực đầm phá xung quanh. Giải pháp này góp phần chi trả cho chi phí bảo vệ và bảo tồn các di sản văn hoá của thành phố.

Tương tự, Tây Ban Nha đã chứng kiến sự bùng nổ du khách đáng kể, đặc biệt trong các sự kiện quốc tế như Giải đua ô tô Công thức 1 tại thành phố Barcelona. Tình trạng này không chỉ gây áp lực lên hệ thống giao thông công cộng, tăng giá bất động sản mà còn khiến người dân cảm thấy khó chịu. Vì vậy, chính phủ đã hạn chế số lượng khách sạn mới và thắt chặt các quy định về cho thuê ngắn hạn nhằm kiềm chế sự gia tăng của các nền tảng như Airbnb. Ví dụ, đảo Palma de Mallorca đang áp đặt giới hạn thời gian cho khách du lịch thuê bất động sản. Trong khi đó, chính quyền thành phố Barcelona thông báo, giấy phép cho thuê khoảng 10.000 căn hộ nghỉ dưỡng sẽ hết hạn vào năm 2028 sẽ không được gia hạn với mục tiêu giảm bớt áp lực lên thị trường nhà đất. Thành phố này cũng đã ban hành kế hoạch cấm cho thuê căn hộ ngắn hạn bắt đầu từ tháng 11/2028.

Du khách quá đông gây áp lực lớn tại điểm đến. (Ảnh: AP)

Du khách quá đông gây áp lực lớn tại điểm đến. (Ảnh: AP)

Đầu tháng 9, Chính phủ New Zealand đã thông báo sẽ tăng gần gấp ba lần thuế nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế, quy định này có hiệu lực từ tháng 10/2024. Mức phí nhập cảnh mới sẽ được áp dụng, với mức tăng từ 35 đô la New Zealand lên 100 đô la New Zealand (tương đương khoảng 62,2 USD). Mục tiêu của việc tăng phí này là để bảo đảm du khách đóng góp nhiều hơn vào việc bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng dịch vụ công cộng trong thời gian tham quan đất nước. Được biết, phí 35 đô la New Zealand đã được áp dụng từ tháng 7/2019, nhưng mức này không đủ để trang trải chi phí phát sinh từ tình trạng quá tải du lịch. Chính phủ cũng đã tăng phí thị thực và đề xuất tăng chi phí tại các sân bay khu vực nhằm tạo thêm nguồn thu hỗ trợ cho việc phục hồi du lịch.

Ngày càng nhiều điểm đến ở châu Âu áp dụng các biện pháp để hạn chế số lượng du khách vào những mùa cao điểm du lịch như mùa hè. Điều đáng quan tâm là phần lớn người dân châu Âu đều ủng hộ những động thái này từ Chính phủ. Một cuộc khảo sát của Công ty Evaneos cho thấy du khách và người dân tại các nước Pháp, Tây Ban Nha và Ý đang nhận thấy những tác động tiêu cực của tình trạng quá tải, chẳng hạn như ô nhiễm môi trường, đông đúc và sự gia tăng căng thẳng giữa du khách và người dân địa phương. Pháp ghi nhận 92% người dân đã thấy ảnh hưởng xấu từ du lịch quá tải, trong khi hơn 50% người Tây Ban Nha cảm thấy tình trạng này quá nghiêm trọng. Người Ý cũng né tránh các điểm du lịch đông đúc với 70% từ chối thăm những nơi quá tải. Họ ủng hộ việc hạn chế số lượng du khách thông qua các biện pháp như hạn ngạch và quản lý du lịch bền vững, đồng thời khuyến khích khám phá những điểm đến ít nổi tiếng hoặc du lịch trái mùa để giảm bớt áp lực.

Quá tải du khách đang diễn ra trầm trọng hơn ở châu Âu. (Ảnh: Tourism Review)

Quá tải du khách đang diễn ra trầm trọng hơn ở châu Âu. (Ảnh: Tourism Review)

Bài học cho ngành Du lịch Việt Nam

Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên như một trong những điểm đến hấp dẫn nhất tại Đông Nam Á. Gần đây, tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) khu vực châu Á và châu Đại Dương lần thứ 31 năm 2024, du lịch Việt Nam đã vinh dự được xướng tên trong 48 hạng mục giải thưởng hàng đầu châu Á. Cụ thể, Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến hàng đầu châu Á 2024”, “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á 2024” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2024”; trong khi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng đạt nhiều giải thưởng quan trọng. Một tín hiệu đáng mừng khác là chỉ trong 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón hơn 11,4 triệu lượt khách quốc tế, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Sự phát triển mạnh mẽ này mang lại nguồn thu kinh tế lớn, nhưng cũng đặt ra những thách thức nghiêm trọng về môi trường, giao thông và đời sống xã hội. Các điểm du lịch nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Hội An, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… đều đang đối mặt với tình trạng quá tải, gây áp lực lên cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên. Ở các khu vực du lịch trọng điểm, người dân địa phương phải đối mặt với các vấn đề như tình trạng đông đúc, ùn tắc giao thông, rác thải và tiếng ồn. Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh cũng từng nhấn mạnh rằng tình trạng quá tải du khách là một trong những vấn đề lớn của ngành Du lịch Việt Nam.

Nhiều điểm đến tại Việt Nam chứng kiến sự gia tăng du khách đáng kể. (Ảnh: laocaitourism.vn)

Nhiều điểm đến tại Việt Nam chứng kiến sự gia tăng du khách đáng kể. (Ảnh: laocaitourism.vn)

Một trong những giải pháp để giải quyết tình trạng này là đa dạng hóa điểm đến và trải nghiệm du lịch, đặc biệt là phát triển các điểm đến vệ tinh, giúp giảm áp lực cho các điểm du lịch lớn, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho các địa phương khác. Ví dụ, tại Sa Pa, Lào Cai, chính quyền địa phương đang phân chia các khu vực du lịch, xây dựng sản phẩm đặc trưng cho từng vùng, như Bắc Hà, Y Tý, nhằm phân tán lượng khách, giảm áp lực cho Sa Pa. Đồng thời, các địa phương và doanh nghiệp du lịch cũng cần chú trọng đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững và bảo vệ các điểm đến khỏi tình trạng khai thác quá mức. Các biện pháp như giảm thiểu lượng rác thải, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và tôn trọng văn hóa địa phương cần được khuyến khích. Thành phố di sản UNESCO Hội An là minh chứng cho hướng phát triển du lịch bền vững dựa trên sự cân bằng giữa bảo vệ môi trường, văn hóa và lợi ích của người dân. Các chiến lược của Hội An tập trung phát triển đồng bộ ba khu vực là đô thị, biển đảo, làng quê, hướng tới trở thành thành phố “sinh thái - văn hóa và du lịch”. Cần nhấn mạnh rằng, việc thực hiện phát triển bền vững là một quá trình lâu dài, cần quy hoạch phù hợp, đòi hỏi sự liên kết giữa các điểm đến, sự tham gia tích cực của cộng đồng, sự hỗ trợ từ chính quyền và hệ thống chính sách nhất quán.

Có thể thấy, ngành Du lịch nước nhà đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng, tạo ra nhu cầu cần có một khung pháp lý điều chỉnh phù hợp để cân bằng giữa lợi ích kinh tế và những vấn đề môi trường và xã hội. Tình trạng quá tải du lịch là thách thức chung của nhiều điểm đến nổi tiếng trên thế giới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Theo đó, xu hướng du lịch có trách nhiệm và bền vững đang ngày càng được nhiều quốc gia và du khách ủng hộ. Qua đó, Việt Nam có thể học hỏi, rút kinh nghiệm từ các quốc gia đã thành công trong việc điều tiết lượng khách du lịch và phát triển bền vững. Như tại New Zealand, với sự cam kết của cả Chính phủ và người dân, việc áp dụng các biện pháp quản lý dòng khách du lịch giúp quốc gia này trở thành một trong những điểm đến du lịch bền vững, giữ gìn được vẻ đẹp tự nhiên và văn hóa đặc trưng, đồng thời không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân bản địa.

Đọc thêm