“Thầy giáo quân hàm xanh” của các bản làng Cơ Tu

(PLO) - Tôi gặp anh - Trung úy Coor Trung, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Đắc Pring, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam tại Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ IX vừa được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức tại thủ đô Hà Nội. 
Nhìn dáng vẻ săn chắc, nước da bánh mật và tác phong nhanh nhẹn của người lĩnh ít ai ngờ rằng chàng trai này lại là một “thầy giáo quân hàm xanh” nổi tiếng khắp vùng núi biên giới miền Tây của xứ Quảng. 
Trung úy Coor Trung, tại Đại hội Thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX
Trung úy Coor Trung, tại Đại hội Thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX
Đồn Biên phòng (BP) Đắc Pring, nơi Trung đang công tác, có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ bao gồm 2 xã Đắc Pring và Đắc Pre của huyện biên giới Nam Giang, gồm có 8 thôn, bản.  Dân số của cả 2 xã khoảng 556 hộ/2.469 khẩu, chủ yếu là người dân tộc Ve và Cơ tu.  
Hiện nay, 2/2 xã đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, số hộ nghèo cao (trên 76%), trình độ dân trí thấp và không đồng đều, (theo kết quả thống kê mới nhất năm 2013 địa bàn xã Đắc Pring, Đắc Pre vẫn còn trên 100 người mù chữ và tái mù chữ), mức hưởng thụ đời sống văn hóa của nhân dân hạn chế, cơ sở y tế, giáo dục còn nhiều khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu và tệ nạn xã hội vẫn còn xảy ra.
Thực hiện nghị định của Chính phủ, chủ trương của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam và chương trình phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Giang về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và thực hiện sự chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy đồn BP, Trung úy Coor Trung đã cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Đắc Pring băng rừng, lội suối, lặn lội đến nhà dân ở từng bản, làng tiến hành điều tra, nghiên cứu, nắm chắc tình hình, nhất là trình độ học vấn của từng người dân, phân loại những người mù chữ và tái mù chữ để có kế hoạch tổ chức lớp học. 
Kết quả Trung đã vận động và tham mưu cho đơn vị phối hợp với ngành giáo dục địa phương mở được 3 lớp học cho 157 người mù chữ và tái mù chữ (chủ yếu là chị em phụ nữ ở độ tuổi từ 15 đến 45 tuổi), đa số họ là những người đã có gia đình và hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, không có điều kiện đến trường học tập.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, để đảm bảo tốt công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, Trung cùng với tập thể Đội Vận động quần chúng, Đồn BP Đắc Pring thường xuyên phối hợp với các ngành tuyên truyền, vận động gia đình có trẻ em trong độ tuổi đi học đến trường; cùng với chi bộ, Ban nhân dân các thôn, thầy cô giáo chủ nhiệm lớp vận động 95 học sinh bỏ học giữa chừng trở lại lớp học; vận động quyên góp ủng hộ hàng chục triệu đồng, quần áo, xe đạp, sách vở và đồ dùng học tập, giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó học giỏi, học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật… 
Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị còn trực tiếp quyên góp ngày lương để đóng bàn ghế, bảng; chủ động tham mưu cho ngành giáo dục tổ chức các lớp học xóa mù chữ vào thời gian hợp lý, phù hợp với hoạt động sản xuất và sinh hoạt, ở những địa điểm mà chị em có thể tham gia lớp học một cách dễ dàng, thuận lợi, đảm bảo tỷ lệ người đến với lớp học đông nhất. 
Bên cạnh đó, Trung còn tranh thủ thời gian đến các gia đình hướng dẫn ôn bài và kiểm tra bài cho từng học viên.
Ngoài việc tích cực tham gia phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, Trung úy Coor Trung cùng với cán bộ, đoàn viên thanh niên đơn vị còn phối hợp với tuổi trẻ địa phương triển khai xây dựng được 6 ngôi nhà Đại đoàn kết và đơn vị trích quỹ sửa chữa 6 nhà cho các đối tượng khó khăn về nhà ở, gia đình có công với cách mạng và gia đình có nhiều thành tích trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; đồng thời, hướng dẫn, giúp dân làm 3 ha lúa nước. 
Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trong địa bàn từng bước được cải thiện. 
Cùng với đó, Trung cùng với tập thể Đội Vận động quần chúng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đắc Pring, Đắc Pre Vận động, xây dựng được 5 câu lạc bộ không tảo hôn và không sinh con thứ 3, làm được 2 thủy điện nhỏ phục vụ dân sinh và xây dựng 2 nhà văn hóa thôn, 1 mô hình “Phòng đọc Biên giới”, Tủ sách pháp luật, Tổ đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế hộ gia đình, 8 mô hình tổ tự quản đường biên cột mốc... 
Từ những công trình, việc làm trên, đã tạo được sự đoàn kết gắn bó giữa BĐBP và nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới. Nhân dân đã cung cấp cho đơn vị hàng trăm nguồn tin có giá trị phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ đất, giữ thôn, bản và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Đọc thêm