Thay nhân sự tại Sabeco: Có toan tính sau việc hạ lương, giảm lợi nhuận?

(PLO) - Sabeco đã chính thức chuyển giao quyền kinh doanh và kiểm soát cho một HĐQT “mới toanh”, kèm theo nhiều quyết sách mới như giảm lợi nhuận năm 2018, quỹ tiền lương cho thành viên HĐQT cũng giảm gần 500 triệu đồng/người/năm. Sabeco đang toan tính điều gì trong năm đầu tiên chuyển giao cho người Thái?
Chủ tịch và Tổng Giám đốc Sabeco giờ đều là người Singapore. (Trong ảnh: Chủ tịch Koh Por Tiong)
Chủ tịch và Tổng Giám đốc Sabeco giờ đều là người Singapore. (Trong ảnh: Chủ tịch Koh Por Tiong)

Người Việt cuối cùng rời vị trí cấp cao

Vài ngày sau khi Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), Tổng công ty CP Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã ra công bố cho biết, Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2018-2023 thông qua việc miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Thành Nam từ 31/7/2018 và bổ nhiệm ông Neo Gim Siong Bennett làm Tổng Giám đốc Sabeco từ ngày 1/8/2018. 

Ông Neo Gim Siong Bennett, quốc tịch Singapore đã được bổ nhiệm làm “Phó Tổng” doanh nghiệp này từ tháng 5/2018. Ngoài ra, Sabeco cũng công bố thông tin về 7 thành viên mới của HĐQT Tổng công ty. Theo đó, HĐQT Sabeco nhiệm kỳ 2018 - 2023 có 7 thành viên, trong đó có 3 người nước ngoài, bao gồm Chủ tịch HĐQT ông Koh Por Tiong, quốc tịch Singapore. Người thứ hai là ông Michael Chye Hin Feh, sinh năm 1959, quốc tịch Singapore. Thành viên thứ ba là ông Pramoad Phornprapha sinh năm 1966, quốc tịch Thái Lan. 

Bốn người Việt nằm trong danh sách HĐQT Sabeco bao gồm bà Trần Kim Nga, ông Nguyễn Tiến Dũng (kế toán trưởng Sabeco), ông Lương Thanh Hải (Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn) và ông Nguyễn Tiến Vỵ. Trong đó đáng chú ý là bà Trần Kim Nga, người được Thaibev (pháp nhân thực sự đứng đằng sau Công ty TNHH Vietnam Beverage, đơn vị trúng đấu giá 54% cổ phần Sabeco) chỉ định làm thành viên HĐQT Sabeco (tạm thời) từ tháng 5/2018. 

Bà Nga được biết đến là Tổng Giám đốc của Công ty CP Đầu tư F&B Alliance Việt Nam. Tiền thân của Công ty CP Đầu tư F&B Alliance Việt Nam là Công ty CP Đầu tư Nga Sơn (sau được đổi tên thành Vietnam Beverage). Chính bà Nga là người đã nhượng lại 49% cổ phần Vietnam Beverage cho BeerCo - đơn thị thành viên của ThaiBev.

Người đại diện phần vốn nhà nước, nắm giữ 36% cổ phần tại Sabeco là 2 ông Nguyễn Tiến Dũng và ông Lương Thanh Hải. Người Việt còn lại ở đây là ông Nguyễn Tiến Vỵ - nguyên là Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương), nay đã về hưu. 

Giảm lợi nhuận vì giá vật liệu tăng?

Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2018 đã công bố, lợi nhuận sau thuế năm 2017 của Sabeco là hơn 4.948 tỷ đồng, đồng thời đưa ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế của năm 2018 chỉ là 4.007 tỷ đồng. Trả lời thắc mắc của các cổ đông về việc tại sao kế hoạch lợi nhuận năm 2018 lại giảm so với năm 2017, HĐQT Sabeco cho hay, việc đề xuất kế hoạch giảm lợi nhuận 2018 so với năm 2017 là do thuế tiêu thụ đặc biệt tăng lên 5% và giá nguyên vật liệu cũng tăng lên.

Nghị quyết này cũng cho biết, năm 2017, tổng quỹ lương của HĐQT và Ban kiểm soát năm 2017 hơn 4,966 tỷ đồng (vượt kế hoạch đã đề ra gần 300 triệu đồng) cho 4 người. Nhưng năm 2018, quỹ lương dành cho HĐQT và Ban kiểm soát chỉ còn 3,723 tỷ đồng cho 5 người. Như vậy, lương bình quân của các thành viên HĐQT của Sabeco trong năm 2018 sẽ giảm khoảng gần 500 triệu đồng/người. 

Thông tin về kế hoạch phát triển của Sabeco trong các năm sau, Nghị quyết ĐHĐCĐ công bố, trong năm 2018, doanh nghiệp này thay đổi một số loại hình kinh doanh, trong đó phải kể đến việc Sabeco đã quyết định loại bỏ loại hình kinh doanh quảng cáo thương mại ra khỏi danh mục ngành nghề của Tổng công ty. Đây có lẽ là điều gây bất ngờ đối với giới kinh doanh bởi các số liệu công bố cho thấy, Sabeco luôn “chi đậm” cho truyền thông quảng cáo, riêng năm 2017, số tiền Sabeco đã chi cho quảng cáo khoảng 1.198 tỷ đồng. 

Xung quanh giải pháp cải thiện giá cổ phiếu, đại diện Sabeco cho biết, đơn vị không nhìn vào ngắn hạn mà có kỳ vọng trong dài hạn về triển vọng phát triển của Sabeco. Ban lãnh đạo đang chuẩn bị kế hoạch, cố gắng đưa công ty phát triển về doanh thu, lợi nhuận nhằm đưa giá cổ phiếu đi lên. Tuy nhiên, có những yếu tố khác tác động đến giá cổ phiếu.

Đại diện hãng đồ uống này cũng cho biết, đơn vị đang đặt mục tiêu khác nhau cho từng thị trường cụ thể và đang ưu tiên phát triển sản phẩm mới, phát triển thương hiệu thông qua các công ty con, công ty liên kết. Vị đại diện này khẳng định: “Chúng tôi sẽ phát triển, cải thiện hiệu quả tại các công ty này, hợp tác để cải thiện giá đầu vào đồng thời hợp tác chặt chẽ với ThaiBev, với sức mạnh quảng cáo và truyền thông để có thể mua hàng với giá hợp lý, tận dụng thế mạnh vận chuyển”.

Sabeco “ngắm” thị trường nông thôn

“Sabeco đưa ra kế hoạch, cần phải tăng trưởng mạnh ở thị trường nông thôn trong khi giữ nguyên thị trường thành thị khiến các cổ đông thắc mắc vì tiêu thụ bia ở thành thị lúc nào cũng cao hơn. Trước thắc mắc này, Sabeco cho biết, sẽ phát triển cả 2 thị trường mặc dù ở thị trường nông thôn Sabeco đã có kết quả kinh doanh tốt và dẫn đầu. Tuy nhiên, ở thị trường thành thị, Sabeco có nhiều sự cạnh tranh, do đó Sabeco đang có kế hoạch để tập trung nhiều hơn ở thành thị bằng sản phẩm mới”.

Đọc thêm