Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật 2024, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, nhân danh Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cảm ơn các đại biểu đã tham dự Diễn đàn; cảm ơn và ghi nhận sự đóng góp rất quan trọng của Bộ Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng đã chuẩn bị tốt về mặt nội dung; cảm ơn nhà đồng hành cùng Diễn đàn.
Đây là lần thứ hai Diễn đàn được tổ chức có chất lượng và lần này do Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương chủ trì. Phó Thủ tướng đánh giá, các đại biểu, diễn giả, các ý kiến phát biểu, người điều phối với thái độ, tinh thần xây dựng đã đóng góp vào thành công, giá trị của Diễn đàn mang tính khoa học rất rõ ràng, thẳng thắn nhiều vấn đề, đề xuất nêu lên
Theo Phó Thủ tướng, qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua thảo luận tại Diễn đàn cho thấy quyết tâm, quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ban, ngành, địa phương trong công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật - một trong ba đột phá chiến lược của nước ta. Nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về đổi mới tư duy trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, Phó Thủ tướng cho rằng, Diễn đàn là hành động cụ thể hóa chủ trương chuyển đổi tư duy quản lý sang tư duy khơi thông mọi nguồn lực.
|
Phó Thủ tướng Lê Thành Long và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề cập, các đồng chí lãnh đạo, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ rất nhiều lần nhấn mạnh đến phân cấp, phân quyền và đảm bảo cho các tổ chức, người được phân cấp, phân quyền có đủ khả năng tổ chức, thực hiện được công việc. Vì vậy, sử dụng công cụ một luật sửa nhiều luật là một trong nhiều việc chúng ta phải làm. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội tới đây có hàng chục dự án luật, nghị quyết quy phạm và có thể còn đề xuất thêm, trong đó có nhiều văn bản đề xuất theo phương án 1 luật sửa nhiều luật - tức là chúng ta sử dụng công cụ này thường xuyên hơn, chứng tỏ sự bức thiết từ cuộc sống.
Nêu một số kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng cho biết, tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2024 đạt 6,82%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,41%; thu ngân sách nhà nước tăng mạnh, tăng 17,9% so với cùng kỳ. Từ đó, có thể thấy rằng chúng ta đã cố gắng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và chắc chắn trong thành tích này có sự đóng góp của thể chế.
Ngoài ra, cũng theo Phó Thủ tướng, chúng ta còn khá nhiều vấn đề phải xử lý để đẩy mạnh hơn nữa phát triển sản xuất kinh doanh. Mục tiêu của Diễn đàn là chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý và tập trung lại hai nhóm vấn đề mà Ban tổ chức đã chọn để giải quyết. Dẫn chứng sắp tới sẽ sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật sửa đổi 4 luật về đầu tư xây dựng cơ bản và Luật sửa đổi một số luật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, ngân sách, Phó Thủ tướng lưu ý, vấn đề không nằm ở chỗ văn bản quy phạm không đúng hay vướng mắc trong tổ chức thi hành mà có rất nhiều vấn đề cần chúng ta xử lý về quan điểm, cách tiếp cận, cách giải quyết vấn đề còn khác nhau. Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải căn chỉnh cho phù hợp.
Phó Thủ tướng tâm niệm, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là tập hợp nhiều yếu tố. Trước hết là yếu tố trách nhiệm. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần xem xét có hành lang pháp lý làm sao đó để công chức trong hoạt động công vụ sẽ yên tâm làm việc. Như vậy, khi phát hiện ra vi phạm thì phải theo đúng nguyên tắc của pháp luật, đảm bảo sao chỉ có yếu tố vụ lợi, cố ý, có nhân quả giữa hành vi phạm tội tới chừng mực nào đó mới xử lý như định hướng tại Quyết định 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Về phía các doanh nhân, doanh nghiệp, cũng cần phát huy yếu tố đạo đức doanh nghiệp, doanh nhân. Doanh nghiệp cần làm theo pháp luật, nghiêm túc tuân thủ với một nền văn hóa doanh nhân tốt trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 sắp đến, Phó Thủ tướng chúc các doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phát đạt, đúng quy định của pháp luật, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước cũng như cho các chương trình an sinh xã hội.