Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại Hội nghị |
Không “nợ” văn bản hướng dẫn
Trong giai đoạn 2007 – 2010, Bộ, ngành Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội thông qua nhiều dự án luật, pháp lệnh và nghị định. Trên cơ sở đó, việc xây dựng các văn bản, đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ hoặc liên tịch ban hành được căn cứ vào các văn bản cấp trên và thực tiễn yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ, ngành.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Chánh Văn phòng, Bộ luôn quan tâm hoàn thiện thể chế về tổ chức bộ máy và cán bộ, về quy trình xây dựng văn bản, qua đó từng bước nâng cao chất lượng và tiến độ soạn thảo, ban hành văn bản, đề án.
Triển khai chương trình hàng năm, các đơn vị thuộc Bộ đã chủ động phân công cán bộ phụ trách, chủ trì việc xây dựng. Một số đơn vị đã quan tâm xây dựng đề cương, báo cáo lãnh đạo Bộ phê duyệt trước khi triển khai xây dựng dự thảo, đảm bảo được chất lượng văn bản, đề án.
Số lượng văn bản, đề án hàng năm được ban hành chiếm tỷ lệ gần 50% tổng số văn bản, đề án trong chương trình chính thức. Trong 4 tháng đầu năm 2011, chỉ tính riêng đối với thông tư, thông tư liên tịch, Bộ đã ban hành 8/41 văn bản, bằng 66,67% của cả năm 2010.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, hướng dẫn thi hành văn bản cấp trên là rất quan trọng, được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ nên chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ bị trái với văn bản cấp trên. “Với khẩu hiệu “thể chế phải đi trước một bước”, từ 2-3 năm nay, Bộ Tư pháp không “nợ” văn bản hướng dẫn nào với Chính phủ”, Bộ trưởng khẳng định.
Song vẫn chậm ban hành
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường phải thừa nhận còn tình trạng chậm ban hành một số văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Ông Lê Thành Long, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật nói thêm, trong một số trường hợp, việc soạn thảo văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ hoặc liên tịch ban hành cũng chậm so với kế hoạch.
“Tiến độ xây dựng văn bản, đề án thường chậm, kể cả những văn bản, đề án trọng tâm cần tập trung hoàn thành trong năm. Số lượng văn bản, đề án lùi thời gian trình sang năm sau luôn chiếm tỷ lệ lớn - trên 40%”, ông Lê Hồng Sơn bổ sung.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên nhưng Bộ trưởng Hà Hùng Cường đặc biệt lưu ý đến vai trò của thủ trưởng các đơn vị chưa thực sự tích cực và các đơn vị chưa biết tranh thủ ý kiến của địa phương trong một số vấn đề. Bộ trưởng mong muốn Bộ Tư pháp phải trở thành “tấm gương mẫu mực” cho các cơ quan, tổ chức khác trong công tác xây dựng văn bản hướng dẫn.
Để làm được như vậy, theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, cần chú trọng các giải pháp như tiếp tục đổi mới quy trình đề xuất xây dựng văn bản, đề án; tăng cường điều chuyển cán bộ; đề cao vai trò của thủ trưởng đơn vị và người phụ trách văn phòng, công tác tổng hợp của đơn vị; tăng cường sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ phụ trách và sự phối hợp với các đơn vị khác thuộc Bộ, với địa phương; đổi mới thành phần và chất lượng thẩm định; sử dụng nhuần nhuyễn các “công cụ” tổ chức cán bộ, ngân sách và thi đua khen thưởng.
“Nên chăng nghiên cứu thí điểm chuyên môn hóa đội ngũ làm công tác này, tức là tách rời với hoạt động nghiên cứu chính sách, và thí điểm đấu thầu cho các đơn vị, tổ chức bên ngoài xây dựng một vài văn bản”, Bộ trưởng nói.
Hoàng Thư