Thế giới 2016 - năm của những vụ tấn công, bê bối tham nhũng

(PLO) - 2016 có thể nói là một năm đầy những biến động đan xen. Trong đó, những bất ổn cũ của thế giới vẫn tiếp tục tồn tại, đồng thời xuất hiện thêm những biến chuyển mới. Tuy nhiên, trong gam màu xám đó cũng tiềm ẩn nhiều dấu hiệu của một tương lai tươi sáng hơn…
Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump và Tổng thống Philippines Duterte
Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump và Tổng thống Philippines Duterte

Năm của những vụ tấn công

Chuỗi các vụ tấn công khủng bố làm chấn động thế giới cả năm qua bắt đầu với vụ tấn công nhằm vào một trung tâm thương mại ở Jakarta, Indonesia ngày 14/1/2016, khiến 8 người thiệt mạng – bao gồm 4 kẻ tấn công và 4 dân thường, và 23 người bị thương. Thủ phạm trong vụ việc sau đó được xác định là một phần tử cực đoan có liên hệ với IS.

4 tháng sau đó, đến lượt thành phố Brussels của Bỉ rúng động vì 3 vụ đánh bom liều chết liên tiếp xảy ra tại quầy làm thủ tục hàng không tại sân bay Zaventem và ở một ga tàu điện ngầm Maalbeek. Tổng cộng đã có 32 người thiệt mạng, không tính cả 3 kẻ tấn công, và 300 người khác đã bị thương. Các vụ việc này đã khiến giới chức Bỉ phải nâng mức báo động khủng bố lên mức cao nhất, đồng thời dấy lên tinh thần cảnh giác cao độ ở các nước khác.

Trong lúc thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng vì vụ tấn công ở Bỉ thì chỉ 1 tháng sau đó, ngày 12/6/2016, nước Mỹ chấn động vì vụ việc nhân viên an ninh 29 tuổi tên Omar Mateen giết chết 49 người và làm bị thương 53 người tại một câu lạc bộ đêm ở Orlando, bang Florida. Sau 3 giờ chống cự, thủ phạm trong vụ xả súng hàng loạt chết chóc nhất do 1 tay súng thực hiện, vụ bạo lực chống người đồng tính gây thương vong nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ, cũng là vụ tấn công khủng bố chết chóc nhất ở Mỹ kể từ sau vụ tấn công ngày 11/9/2001 đã bị cảnh sát tiêu diệt. 

Trong lúc thế giới vẫn loay hoay tìm biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân thì cũng lại chỉ 1 tháng sau đó đã có 86 người thiệt mạng và 434 người khác bị thương khi một xe tải lao vào đám đông những người tụ tập xem bắn pháo hoa nhân ngày Quốc khánh ở thành phố Nice của Pháp. Vụ việc khiến Pháp phải gia hạn tình trạng khẩn cấp đã được duy trì từ sau vụ tấn công ở Paris năm 2015.

5 tháng sau đó, những gì xảy ra ở Pháp gần như được tái hiện nguyên vẹn ở một khu chợ Giáng sinh thuộc thành phố Berlin của Đức, cướp đi sinh mạng của ít nhất 12 người và làm gần 50 người khác bị thương. 2 vụ việc này đánh dấu một cách thức tấn công khủng bố mới đang được các tổ chức khủng bố áp dụng bên cạnh những cách thức khủng bố truyền thống như đánh bom, xả súng hay tấn công bằng dao. Đặc biệt, những vụ tấn công kiểu này vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ thương vong lớn khi chỉ cần một phần tử Hồi giáo có tư tưởng cực đoan, manh động và một chiếc xe cướp được là chúng đã có thể tạo nên một thảm họa kinh hoàng. 

5 vụ tấn công điển hình nói trên và hàng loạt các vụ tấn công nhỏ lẻ khác như các vụ tấn công bằng dao khiến 1 người thiệt mạng ở Munich, Đức tháng 5/2016; vụ sát hại 2 cảnh sát ở Pháp hồi tháng 6 năm ngoái… đã cho thấy rõ bóng ma khủng bố vẫn đang hiện hữu rất rõ trên khắp thế giới, dù cho IS có thể bị tiêu diệt ở Iraq và Syria, cũng là bài học cảnh tỉnh cho các nước dù ở bất cứ châu lục nào.

Hình ảnh sau vụ tấn công ở Brussels.
Hình ảnh sau vụ tấn công ở Brussels.

Hàng loạt bê bối tham nhũng

Một số ý kiến cho rằng 2016 là năm của những bê bối chấn động, với sự kiện khởi đầu là việc Liên đoàn phóng viên điều tra quốc tế ngày 3/4/2016 công bố 11,5 triệu tài liệu của Mossack Fonseca – một công ty luật có trụ sở tại Panama và có văn phòng đại diện ở hơn 35 nước trên thế giới. Các tài liệu này bao gồm các trao đổi thư điện tử, hồ sơ tài chính và chi tiết hộ chiếu liên quan tới khoảng 214.000 doanh nghiệp ở nước ngoài. 

Trong các tài liệu này có tên của hàng trăm người giàu có, chính khách nổi tiếng cùng người thân quen có dấu hiệu trốn thuế, rửa tiền, tránh lệnh trừng phạt quốc tế… Vì thế nên vụ tiết lộ tài liệu mật được mô tả là một trong những cuộc điều tra chống trốn thuế lớn nhất trong lịch sử này đã khơi dậy “cơn bão” giận dữ của người dân trên thế giới về tình trạng tham ô, khiến nhiều chính khách phải giải trình về tài sản cá nhân và giới chức nhiều nước phải đưa vấn đề đóng thuế công bằng vào chương trình nghị sự làm luật của họ. 

Cũng trong năm qua, một số nguyên thủ của các nước cũng đã vướng phải những rắc rối nghiêm trọng do bị cáo buộc liên quan đến tham nhũng. Tại Brazil, Tổng thống Dilma Rousseff hồi tháng 8 năm ngoái đã bị luận tội liên quan đến bê bối lại quả và nhận hối lộ ở công ty dầu khí nhà nước Petrobras dù bản thân bà không bị cáo buộc có các hành vi như vậy. Vụ bê bối tham nhũng ở Petrobras sau đó tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính phủ của người kế nhiệm của bà là ông Michel Temer khi khiến ông mất đến vài bộ trưởng bị tình nghi có liên quan đến bê bối, đồng thời dấy lên nghi ngại bản thân ông cũng không thể tại nhiệm đến hết năm.

“Dớp” luận tội đến cuối năm vừa qua tiếp tục ảnh hưởng đến Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Bà Park hiện đang đối mặt với cuộc điều tra của Quốc hội vì cáo buộc thông đồng với người bạn lâu năm Choi Soon-Sil để gây áp lực buộc các công ty lớn phải quyên hàng chục triệu USD cho 2 tổ chức do bà Choi điều hành. Nếu việc luận tội được Tòa án hiến pháp Hàn Quốc kết luận là hợp pháp, bà sẽ chính thức bị cách chức và có nguy cơ bị phải ra tòa.

Một số nhà lãnh đạo khác cũng phải chật vật đối phó với các cáo buộc tham nhũng bủa vây. Ví dụ, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng đã phải trải qua thời gian khó khăn vì cáo buộc gia đình và các cộng sự của ông đã nhận tiền từ Quỹ đầu tư nhà nước 1MDB. Vụ việc đã đưa đến việc hàng chục nghìn người biểu tình đòi ông từ chức.  

Tại Nam Phi, Tổng thống Jacob Zuma phải đối mặt với vô số cáo buộc tham nhũng. Các vụ việc này đã kéo theo những kêu gọi tăng cường minh bạch từ các tổ chức trên thế giới. “Những gì chúng ta đang đối mặt hiện nay khác hoàn toàn với những gì mà chúng ta đã đối mặt 27 năm trước. Trên khắp thế giới, chúng ta đang chứng kiến loại tham nhũng ảnh hưởng đến mọi người” – ông Jose Ugaz, người đứng đầu tổ chức Minh bạch toàn cầu, một tổ chức theo dõi chống tham nhũng có trụ sở tại Berlin nói.

Ông Ugaz cho rằng năm qua là một năm khó khăn nhưng cũng đồng thời đưa đến những hy vọng cho tương lai. “Việc công bố Hồ sơ Panama đã nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của minh bạch” – ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh về chống tham nhũng hồi tháng 5/2016. Ông cũng thúc giục giới chức các nước tăng cường minh bạch hơn.

Châu Âu chấn động vì Brexit

Ngày 23/6/2016, Anh tổ chức trưng cầu ý dân về việc nước này rút khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit). Kết quả là 52% người dân đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit với hy vọng sự kiện này sẽ giúp đất nước của họ tránh được làn sóng người nhập cư đang ồ ạt đến châu Âu cũng như có quyền tự chủ lớn hơn trong các vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia. Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu này cũng khiến nước Anh bị cô lập. Kết quả bỏ phiếu đã khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo, giá đồng bảng Anh lao dốc. Ngay trong ngày 24/6/2016, hơn 2.000 tỉ USD đã bị quét khỏi các thị trường tài chính toàn cầu. 

Thủ tướng Anh David Cameron sau đó đã từ chức, Bộ trưởng Nội vụ Theresa May lên nắm quyền với tuyên bố sẽ khởi động tiến trình pháp lý dẫn tới Brexit, muộn nhất là vào cuối tháng 3/2017. Sự kiện chấn động châu Âu nói trên cũng đã có tác động lan tỏa khi khiến các đảng cực hữu và phong trào dân túy phát triển mạnh mẽ ở Lục địa già. Ở một số nước cũng đã xuất hiện những kêu gọi tiến hành các cuộc trưng cầu tương tự, dấy lên lo ngại về khả năng tái diễn những cuộc “chia tay” trong tương lai.

Những mảng sáng bất ngờ

Tuy nhiên, 2016 không hẳn là năm chỉ có những diễn biến tiêu cực. Điểm sáng đầu tiên trong năm qua có thể kể đến là việc Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại Hà Lan ngày 12/7/2016 đã ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc ở biển Đông, theo đó khẳng định “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra ở biển Đông để đòi yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên các vùng biển phía bên trong là không có cơ sở pháp lý. 

Cùng với đó, Tòa cũng kết luận rằng việc Trung Quốc bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn là không phù hợp nghĩa vụ của quốc gia thành viên UNCLOS trong quá trình giải quyết tranh chấp, rằng Trung Quốc đã gây ra những tác hại không thể sửa chữa được với môi trường biển ở khu vực này. Phán quyết của Tòa đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và dù Trung Quốc không tham gia phiên tòa, không công nhận phán quyết nhưng kết luận trên vẫn được đánh giá là bước ngoặt pháp lý quan trọng, tạo tiền đề giải quyết các tranh chấp trên biển Đông. 

Cũng trong năm qua, thế giới đã chứng kiến 2 cuộc bầu cử có kết quả đầy bất ngờ. Tại Philippines, vượt qua những đồn đoán, ông Rodrigo Duterte được bầu làm tổng thống với cam kết mạnh tay chống tội phạm và ma túy. Dù cuộc chiến chống ma túy do ông phát động vấp phải những ý kiến trái chiều nhưng các thăm dò cho thấy tỉ lệ ủng hộ của người dân Philippines với ông Duterte vẫn luôn ở mức cao. Tại Mỹ, tỉ phú Donald Trump cũng đã có màn thể hiện ngoạn mục khi chiến thắng vang dội trước ứng viên nặng ký Hillary Clinton tại cuộc bầu cử Tổng thống với khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. 

Tại Colombia, Hiệp định hòa bình giữa chính phủ và lực lượng Mặt trận Vũ trang Cách mạng Colmbia (FARC) cuối cùng cũng đã được ký kết, mở đường cho việc chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài nửa thế kỷ ở nước này. Cũng nhờ những nỗ lực này mà Tổng thống Juan Manuel Santos đã được trao giải Nobel Hòa bình trong năm qua.

Đọc thêm