Tin Oo hú vang trong đám đông, ngay trong phòng tập thể lực Lethwei ở Yangon (Myanmar): “Hãy để tôi giới thiệu cho quý vị 1 chiến binh! Một đấu sĩ dầy dạn kinh nghiệm!”.
Muốn thoát nghèo, lên võ đài
Đã là ngày thứ hai trong lễ hội kéo dài 1 tuần nhằm đề cập đến Lethwei – môn quyền cước nổi tiếng tàn bạo – một thú giải trí tầm quốc gia ở Myanmar. Môn quyền cước này cho phép các võ sĩ sử dụng đầu gối, húc đầu chí tử vào đối phương thậm chí có thể hất văng đối phương ra khỏi võ đài.
Các võ sĩ thường thi đấu nhanh, trực tiếp hạ “nốc-ao” đối thủ. Các võ sĩ đấu nhau tóe máu ngay bên cạnh Tin Oo, một nhân viên mẫn cán của Hiệp hội Lethwei. Tin Oo vẫy tay “gà nòi” của mình, một cậu bé tên gọi Shwe Hnin Si Luu Mike, biệt danh “tên cướp hồng vàng”.
Thực ra Shwe Hnin Si Luu Mike đã chiến đấu độ hơn một chục trận tại sàn Lethwei, nơi người xem phải trả một số tiền để được coi những trận so găng nảy lửa. Thằng nhóc mới 14 tuổi, hai cánh tay chằng chịt sẹo ngang dọc khoe ra một chút cơ bắp. Đứng sau Luu Mike là đồng nghiệp Sel Eain Zu hay biệt danh “Tên cướp Nhà số 10”, Eain Zu chỉ 12 tuổi.
Giọng chắc nịch, ông bầu Tin Oo khoe: “Coi nhỏ vậy mà 10 trận rồi đó (ý nói Sel Eain Zu). Không có trận nào thua, toàn thắng không!” Sel Eain Zu vén mớ tóc trước trán để lộ một cái sẹo dài: “Lúc em lao lên võ đài, nỗi sợ hãi biến đâu mất, chỉ còn ý chí chiến thắng mà thôi”.
Chân dung võ sĩ nhí Shwe Hnin Si Luu Mike, 14 tuổi |
Ở Lethwei, chức vô địch đều đến từ võ sĩ nhí. Gạt qua những tàn khốc đánh đấm, những đứa nhỏ cỡ 10 tuổi trở lên có thể ung dung thu nhập mỗi tháng từ 30 USD đến 100 USD, trong khi lương tháng cơ bản tối thiểu cho người dân Myanamr là 68 USD. Đối với một số gia đình người Myanmar, những võ sĩ tinh nhuệ của Hiệp hội Lethwei đồng nghĩa với một “cánh cửa” để thoát nghèo.
Trong khi việc tuyển mộ võ sĩ nhí trong ngành công nghiệp võ Muay Thái ở Thái Lan đã bị kiểm soát chặt chẽ trong những năm gần đây, thì ở Myanmar tình hình có vẻ dễ thở hơn. Cựu vô địch quyền cước Daung Thel Ni (biệt danh “Công Tim Đỏ”) đang điều hành một phòng tập dành cho đám trẻ trên khắp thị trấn Twante thuộc nội đô Yangon. Cảnh quan nơi đây rặt miền thôn quê: ruộng lúa và những vạt rừng mía trải dài tít tắp.
Dân cư nơi đây vẫn còn nghèo lắm, hàng năm, suốt các tháng mùa khô, người làng phải ngửa tay trên đường xin nước ngọt để xài. Phòng tập của ông Daung Thel Ni chỉ gồm một tấm bạt phủ lên các cọc tre. Vóc dáng cao ráo, tuổi ngoại tam tuần, Daung Thel Ni xuất thân từ gia đình các võ sĩ Lethwei. Cả cha và anh trai Thet Oo cùng là võ sư tiếng tăm lừng lẫy. Ánh mắt tràn đầy khát khao, Daung Thel Ni nói mình sẽ làm mọi thứ để giúp các thế hệ sau gặt hái chiến công như thế hệ tiền bối.
Nhổ ra một bãi nước cốt trầu, Daung Thel Ni phân trần: “Một số võ đài có thành kiến với chúng tôi. Họ chỉ đào tạo nghề cho võ sĩ nhí miễn sao người này có đủ tiền đóng phí, hoặc chỉ truyền nghề cho những ai thành danh. Võ đài Twante nổi tiếng vì khả năng đấu chiến thần tốc. Vì sự bất công này mà chỉ có vài võ sĩ nhí ở đây”.
Họ hầu hết đều là các bé trai, có độ tuổi dao động từ 11 đến 20, các võ sĩ nhí phải trả một khoản tiền thu nhập để trang trải tiền học nghề, thức ăn và có khi là tiền mướn nhà ở. Các võ sư khác nói rằng họ từng có chiến thắng nhất định song Daung Thel Ni nói rằng ông trông đợi các đệ tử của mình làm nên sự nghiệp. Phần đông các võ sĩ nhí đều xuất thân từ các gia đình nghèo, và có nhiều em đã bỏ học.
Ở sàn tập, cả ngày các em cọ xát và nhảy lên các lốp xe để tăng cường cơ bắp, mơ một ngày sẽ trở thành “ngôi sao quyền cước” cỡ như Tun Tun Min – con trai của một đôi vợ chồng nông dân, võ sĩ này hiện có thể thu nhập hàng chục ngàn USD/trận đấu. Hàng ria mép lún phún trên cằm, võ sĩ Phoe La Pyae, 16 tuổi, cho biết: “Em chả muốn làm diễn viên hay ca sĩ gì hết, em chỉ muốn mình nhanh trở thành võ sĩ thực thụ”.
Những võ sĩ nhí đang chuyên cần tập luyện |
Nhức nhối thực trạng bóc lột trẻ em
Phoe La Pyae luôn mải mê dõi mắt theo các trận đấu Lethwei cùng với người anh trai, cũng luyện quyền cước tại võ đài. Cha qua đời khi hai anh em còn nhỏ, cả nhà chỉ sống dựa vào khoản tiền ít ỏi từ nghề bán trái cây của mẹ. Phoe La Pyae nằm trong số ít các võ sĩ nhí không bỏ học giữa chừng. Ngoài thời gian theo học tại trường, em còn dành những giờ đầu tiên trong ngày để luyện võ.
Chàng trai trẻ tếu táo: “Mẹ em muốn lấy em làm bài thi trắc nghiệm”. Bản thân Daung Thel Ni cũng bỏ học ngay trong thời gian theo học bậc tiểu học. Nhớ lại những ngày tháng ấy, Daung Thel Ni cho biết: “Các thầy cô của em khi nhìn thấy nhiều vết sẹo trên da thịt, liền không muốn cho em theo nghề, và họ nói: “Trò muốn theo học, hay muốn đánh đấm?”.
Ngay hôm ấy em đã bỏ tập sách và rời khỏi trường”. Để chiêu mộ thêm các tân võ sĩ nhí, Daung Thel Ni đăng quảng cáo trên Viber với nội dung về nơi luyện võ, nơi chốn ngủ nghỉ.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, sự có mặt của các sàn võ quyền cước như ở Myanmar được cho là môi trường bóc lột trẻ em, việc trả thù lao cho đám trẻ đánh đấm được quy là lao động trẻ con. Ở Myanmar, vẫn đang nhìn thấy một cảnh tượng phổ biến khi các ông bố bà mẹ gửi con đi làm việc, gọi là giai đoạn học nghề. Cũng có không ít câu hỏi trăn trở rằng chuyện gì xảy ra khi những võ sĩ nhí bị chấn thương trong quá trình thượng đài.
Một võ sĩ nhí đang khoe ảnh mình tại phòng tập |
Nên biết, những đứa trẻ này phải ký vào một tờ giấy với nội dung đại khái là chúng không được kêu ca về chi phí thuốc men nếu bị chấn thương khi đấu, vì thế việc chấn thương nặng có thể khiến gia đình họ thêm phần nguy nan. Khi đám trẻ bị thương thì người chủ phải có cách xử trí ra sao, ông chủ Daung Thel Ni liền bộc bạch: “Nếu chúng bị gãy xương, chúng tôi đã có các phương pháp điều trị truyền thống. Một bài thuốc làm từ gừng và phân ngựa”.
Vài ngày sau đó, Phoe La Pyae chuẩn bị đấu trận mới Lethwei, cậu đang ở hậu trường võ đài cùng với võ sư Thet Oo và vài võ sư khác. Thay vì đeo găng, võ sư Thet Oo liền lấy băng vải màu trắng để quấn quanh tay mình. Ngồi ở một góc phòng, bà Aye Aye Win, 45 tuổi, mẹ đẻ của Phoe La Pyae nói rằng bà không khỏe cho lắm: “Tôi muốn thằng bé thắng, nhưng cũng lo nó thua trận”.
Bà Aye Aye Win lặng lẽ theo dõi trận đấu và thầm cầu nguyện cho con: “Thật sự tôi không muốn thằng nhỏ như thế này đâu, chỉ muốn mấy đứa con được ăn học đàng hoàng. Nhưng cái nghề này là do tụi nó chọn, tôi đâu giúp gì được ngoài trừ hỗ trợ chúng. Tại một nơi có nhiều thanh niên trẻ nghiện ngập, thì cái nghề này theo tôi là tốt hơn”. Riêng Phoe La Pyae với vẻ mặt tràn đầy tự tin, cho biết: “Em nghĩ em chắc chắn là thắng. Không việc gì sợ hết”.
Võ sĩ nhí Phoe La Pyae trên sàn trong một trận thư hùng |
Vài phút sau, Phoe La Pyae bước tới cái nhẫn mẹ đeo, cúi xuống và hôn lên nó rồi nhảy lên sàn đấu. Đối thủ của cậu cũng lao như bay lên đài và hai bên tung ra hàng loạt cú đấm mạnh mẽ. Cả hai cùng rơi xuống sàn, trọng tài bắt đầu đếm từ 1 đến 10. Phoe La Pyae cố gắng nhổm dậy, nhưng không thể. Vị võ sư xốc nách cậu rời khỏi võ đài, trong khi đó người anh trai phẩy nước lên mặt. Phoe La Pyae trông rất thê thảm, môi sưng vếu lên. Võ sư Theo Oo an ủi: “Con nên biết trong thể thao chỉ có 2 thứ: chiến thắng hay thất bại. Con sẽ chiến thắng trong các trận đấu khác”…/.