Thế giới đối phó ra sao với gian lận thi cử?

(PLO) -Trên thực tế, gian lận thi cử có thể nói ở nơi nào, thời kỳ nào cũng có thể xảy ra và cách thức xử lý của các nước dưới đây có thể là một gợi ý kinh nghiệm để có thể tránh những sai phạm tái diễn.
Hình minh họa
Hình minh họa

Tại Nigeria, vào cuối tháng 6 vừa qua, Chính phủ nước này quyết định thực thi lệnh ngắt internet trên phạm vi toàn quốc trong ít nhất 1 giờ/ngày vào thời gian các học sinh THPT tham gia kỳ thi tốt nghiệp. Ngoài ra, tất cả các thiết bị di động thông minh có thể truy cập internet đều bị thu lại tại 2.000 điểm thi trên cả nước.

Tại các điểm thi, cơ quan chức năng còn lắp các thiết bị chặn sóng di động, camera giám sát và máy dò kim loại để phát hiện hành vi gian lận. Tất cả những biện pháp này được thực hiện nhằm ngăn chặn khả năng tái diễn bê bối gian lận thi cử quy mô lớn từng xảy ra tại Nigeria vào năm 2016.

Tại kỳ thi năm đó, một số câu hỏi đã được đăng tải trên mạng xã hội trước cả khi kỳ thi bắt đầu, khiến kết quả của kỳ thi bị sai lệch nghiêm trọng. Trước những chỉ trích về việc đã không đảm bảo được sự công bằng của kỳ thi, Chính phủ Nigeria sau đó đã phải tổ chức cho những thí sinh đến muộn thi lại để tránh khả năng những người này đã xem được câu hỏi trước khi bước vào phòng thi.

Còn tại Ấn Độ, vào năm 2016, đề thi vào đại học môn Hóa học ở bang miền Nam Karnataka đã bị rò rỉ đến 2 lần chỉ trong vòng 10 ngày. Điều này đã khiến vài nghìn thí sinh tham gia kỳ thi phải tham gia thi đến 3 lần. Vụ việc đã dẫn đến những cuộc biểu tình quy mô lớn và buộc Chính phủ Ấn Độ phải vào cuộc điều tra.

Kết quả là, trong vụ việc đó đã có nhiều quan chức Ấn Độ bị bắt, trong đó có một người là trợ lý của Bộ trưởng Giáo dục - Y tế bang Karnataka. Theo lời khai của viên trợ lý, anh ta đã tìm cách tuồn đề cho con ruột nên đã gây ra vụ rò rỉ đề thi.

Không chỉ xảy ra ở các nước đang phát triển, tại Hàn Quốc, năm 2013, Đơn vị quản lý SAT ở Mỹ và Viện Khảo thí giáo dục Mỹ (ETS) đã buộc phải hủy bỏ kết quả thi của khoảng 1.500 thí sinh tại Hàn Quốc vì cáo buộc gian lận trên quy mô lớn.

Đây là lần đầu tiên bài thi SAT - một trong những kỳ thi chuẩn hóa cho việc đăng ký vào một số đại học tại Mỹ - bị hủy bỏ trên cả nước Hàn Quốc. Việc hủy bỏ kết quả này được đưa ra sau khi các đơn vị chức năng phát hiện đề thi đã được phổ biến trong các trung tâm ôn luyện ở Hàn Quốc từ trước khi kỳ thi thật diễn ra.

Gian lận thi cử không chỉ xảy ra ở các thí sinh mà còn ở cả ngay trong những người làm trong lĩnh vực giáo dục. Năm 2011, truyền thông Mỹ phát hiện những bất thường trên diện rộng trong kỳ thi toán và khoa học Regent – bài thi tiêu chuẩn để học sinh tốt nghiệp ở bang New York.

Qua theo dõi kết quả kỳ thi từ năm 2003-2004 tới năm 2012-2013, nhà kinh tế học Thomas Dee của Trường Đại học Stanford và các đồng nghiệp tại Trường Đại học Princeton, Columbia, Michigan phát hiện nguyên nhân khiến điểm số của các thí sinh tăng vọt lên là do chính sách “giải cứu” được áp dụng ở địa phương.

Theo chính sách này, các giáo viên sẽ tự động xem lại những câu trả lời ngắn và các câu hỏi tiểu luận của học sinh có điểm số gần đạt ở các môn quan trọng để nâng điểm, khiến kết quả của các học sinh được cho là đã được đẩy lên rất nhiều.